Siêu phẩm Cầu Vàng
Ngay từ khi ra mắt vào tháng 6 năm 2018, “siêu phẩm” của tập đoàn Sun Group tại khu du lịch Sun World Ba Na Hills (Đà Nẵng) đã khiến thế giới phải ngỡ ngàng, thán phục. Hình ảnh Cầu Vàng được các hãng thông tấn hàng đầu thế giới như CNN, BBC, Reuters, National Geographic, New York Times, Time… đồng loạt nhắc đến như một biểu tượng của vẻ đẹp “độc bản”, một kiệt tác kiến trúc, điểm đến nhất định phải ghé qua một lần trong đời.
Nằm ở độ cao 1.414m so với mực nước biển, với chiều dài gần 150m, Cầu Vàng rộng 12,8m gồm 8 nhịp, có thiết kế vô cùng độc đáo, được The New York Times mô tả: “Từ trên các vách đá, xuất hiện một đôi bàn tay khổng lồ nâng đỡ một sợi chỉ vàng, như thể chính ngọn núi đã mọc ra đôi bàn tay vậy”. Daily Mail còn xếp Cầu Vàng đứng đầu trong danh sách "các kỳ quan nhân tạo mới của thế giới".
Đôi bàn tay của Cầu Vàng đã góp phần đưa danh tiếng du lịch Đà Nẵng vươn xa khắp thế giới. Cây cầu đã giành được một loạt giải thưởng kể từ khi ra mắt và sức nóng của nó vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tối 11/11/2022, Cầu Vàng tiếp tục được World Travel Awards- giải thưởng được ví như “Oscar của du lịch thế giới” vinh danh là “Cây cầu du lịch biểu tượng hàng đầu thế giới”.
Cầu kính Bạch Long – con rồng trắng trên vách núi hùng vỹ của núi rừng Tây Bắc
Giống như tên gọi, nhìn từ xa cây cầu kính Bạch Long tựa như con rồng trắng hùng vĩ và uốn lượn theo vách núi dựng đứng của núi rừng Tây Bắc. Cầu Bạch Long thuộc Bản Lùn, xã Mường Sang Huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Cầu nằm trong khuôn viên của khu du lịch Mộc Châu Island, chủ đầu tư là Công ty cổ phần 26 Mộc Châu khởi công xây dựng năm 2021.
Với mức đầu tư lên tới 773 tỷ đồng, Cầu kính Bạch Long đã đạt được những chỉ số đáng ngưỡng mộ, soán ngôi vị trí số 1 về chiều dài của cầu kính Tam Hiệp Hoàng Xuyên tại Trung Quốc (dài 526m). Cầu kính Bạch Long tổng chiều dài 632 m, với phần bắc qua vách núi 290 m, trên vách đá 342 m. Dưới cầu là vực sâu 150 m, tạo cảm giác mạo hiểm. Chiều rộng của mặt cầu 2,4 m, phần trên vách đá 1,5 m. Mặt cầu được làm bằng loại kính trong suốt, siêu cường lực Saint Gobain của Pháp có tới 3 lớp, độ dày là 40mm, có thể chịu đựng sức chứa của 450 người cùng một lúc. Độ dày và bền bỉ của mặt kính được chứng nhận đạt tiêu chuẩn khắt khe của Kuraray Nhật Bản.
Cây cầu kính này đã được tổ chức Kỷ lục thế giới Guinness (GWR) công nhận đường đi vách núi dài nhất thế giới; Hiệp hội Kỷ lục thế giới (WAR) công nhận Cầu đáy kính dài nhất thế giới 632m… và còn vô số những giải thưởng cao quý khác.
Màu trắng thanh khiết khiến cho cầu Bạch Long như một con rồng trắng ngự trên vách núi xanh thẳm hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc. Với sự kết hợp hoàn hảo của hệ thống âm thanh sáng hiện đại bậc nhất hiện nay, đây là điểm du khách không thể bỏ lỡ khi đến với Mộc Châu Sơn La. Đứng trên cầu kính Bạch Long, bạn sẽ có cơ hội ngắm bao quát tất cả khung cảnh thiên nhiên bao la, hùng vĩ của vùng đất Mộc Châu tươi đẹp, chiêm ngưỡng 7 mùa hoa đẹp như tranh vẽ ở Mộc Châu.
Ông Nguyễn Hồng Dậu (Trưởng phòng tư vấn hỗ trợ đầu tư - Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh Sơn La) chia sẻ: Cầu Kính Bạch Long là một điểm đến mới của du lịch Mộc Châu - Sơn La, đồng thời cũng là một điểm nhấn để không chỉ giúp cho du lịch Mộc Châu – Sơn la, mà còn là để du khách quốc tế biết đến du lịch Việt Nam. Cầu kính này đã được xác lập kỷ lục thế giới, các hoa hậu thế giới cũng đã đến đây trải nghiệm. Tôi mong muốn Việt Nam sẽ có nhiều điểm đến tuyệt vời như thế này để thu hút khách du lịch quốc tế.
Cầu Long Biên – chứng nhân của lịch sử và văn hóa
Không có quy tụ những giá trị của khoa học kỹ thuật hiện đại, nhưng du khách đến Việt Nam sẽ không cảm thấy trọn vẹn nếu chưa được đứng ngắm nhìn cây cầu thế kỷ - chứng nhân lịch sử văn hóa của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.
120 năm nằm vắt ngang sông Hồng, Cầu Long Biên đã chứng kiến biết bao thăng trầm lịch sử đất nước, lịch sử dân tộc. Cây cầu được ví như “tháp Eiffel nằm ngang” - đã mang trong mình bao nhiêu trầm tích về văn hóa, lịch sử của thủ đô.
Cầu Long biên là tác phẩm của Paul Doumer (1857-1932) - sau này, ông trở thành Tổng thống Pháp). Paul Doumer là vị Toàn quyền trẻ nhất nước Pháp (39 tuổi). Ông cho xây dựng cầu Long biên trong thời gian được chỉ định làm Toàn quyền Đông Dương trong giai đoạn từ năm 1897 đến năm 1902. Việc xây dựng cầu Long Biên là quyết định cực kỳ sáng suốt của ông vì ông muốn kết nối tuyến đường sắt xuyên Đông Dương chạy dài tới tận Vân Nam (Trung Quốc).
Sau khi hoàn thành, cầu Long Biên trở thành cây cầu dài thứ hai thế giới sau cầu Brooklyn bắc qua sông East được xây năm 1883. Đồng thời, cầu Long Biên cũng là cây cầu được xây dựng với những kỹ thuật tiên tiến nhất trên thế giới lúc bấy giờ. Cầu Long Biên gồm 19 nhịp dầm thép và đặt trên 20 trụ cao hơn 40m, đoạn bắc qua sông dài 2.290m, cùng 896m đường dẫn lên cầu xây bằng đá.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, dù bị bom đạn ném hơn phá hỏng nhiều nhịp cầu lẫn trụ lớn hơn 10 lần nhưng cầu Long Biên vẫn đứng vững. Dù hiện nay thủ đô Hà Nội đã có thêm nhiều cây cầu rộng rãi và hiện đại hơn, nhưng cầu Long Biên vẫn là một chứng nhân lịch sử vô cùng quan trọng của Hà Nội. Ngày nay, cầu Long Biên thu hút rất nhiều du khách cả trong nước và quốc tế đến tham quan, chiêm ngưỡng cũng như tìm hiểu về những câu chuyện lịch sử của đất Thăng Long nghìn năm Văn hiến.