Những bất cập trong công tác phối hợp THADS cần sớm được tháo gỡ

Phối hợp kê biên tài sản trong thi hành án dân sự. (Ảnh minh họa)
Phối hợp kê biên tài sản trong thi hành án dân sự. (Ảnh minh họa)
(PLVN) -  “Điều vướng mắc, bất cập quan trọng nhất chính là các quy định pháp luật về mối quan hệ phối hợp giữa các Cơ quan Thi hành án dân sự với các cơ quan, tổ chức liên quan ”, Ông Đào Trọng Giáp, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Gia Lai chia sẻ.

Thi hành án dân sự là hoạt động quan trọng quan trọng nhằm đưa bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc chưa có hiệu lực pháp luật nhưng được thi hành ngay của Tòa án, quyết định của Trọng tài thương mại, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh ra thi hành trong thực tế, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và công dân góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế xã hội. Theo Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: “Các Bản án và quyết định của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, các đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân tôn trọng; những người và đơn vị vũ trang phải nghiêm chỉnh chấp hành”.

Quá trình thi hành án, chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự (THADS) cần sử dụng nhiều biện pháp để tác động tới ý thức của người phải thi hành án nhằm thuyết phục họ tự nguyện thi hành án hoặc áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế tác động trực tiếp đến các quyền nhân thân, quyền tài sản của người phải thi hành án để thi hành dứt điểm bản án, quyết định.

Do đó hoạt động thi hành án dân sự luôn phức tạp, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân người phải thi hành án, người được thi hành án mà còn ảnh hưởng và có liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc quản lý con người, quản lý tài sản của người phải thi hành án. Chính điều này tạo nên hoạt động phối hợp trong THADS. Do đó, trong THADS, chủ động, tích cực quan hệ, phối hợp với các cơ quan hữu quan nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong THADS và thực thi nhiệm vụ tổ chức thi hành bản án, quyết định luôn là yếu tố cần được quan tâm triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, để tạo được mối quan hệ tốt với các cơ quan ban ngành, các tổ chức là điều không dễ dàng đối với chấp hành viên, cơ quan THADS, bởi cơ quan THADS được thành lập để thực thi nhiệm vụ chính và duy nhất là tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Toà án về phần dân sự mà quyền lợi của các bên đương sự giai đoạn này luôn mâu thuẫn nhau và đây cũng là giai đoạn mà quyền về tài sản, nhân thân của các bên được thi hành trên thực tế, nên mâu thuẫn càng gay gắt và quyết liệt hơn, khiếu nại, tố cáo cũng vì thế mà diễn ra nhiều hơn, phức tạp hơn. Từ đó, tên gọi và hoạt động của cơ quan THADS không mang lại thiện cảm cho cơ quan, tổ chức, cá nhân nói chung và người dân, doanh nghiệp nói riêng, hoạt động THADS đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Đồng thời, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan không thấy được hết trách nhiệm của mình hoặc có nhận biết trách nhiệm nhưng không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không kịp thời các yêu cầu của chấp hành viên, thủ trưởng cơ quan THADS, dẫn đến một thực tế không thể phủ nhận được là lượng hồ sơ thi hành án dân sự còn tồn đọng nhiều do nhiều bất cập trong công tác phối hợp. Qua thực tiễn tổ chức thi hành án có thể sự thấy còn rất nhiều vướng mắc, bất cập trong công tác phối hợp của các cơ quan liên quan trong lĩnh vực thi hành án dân sự. Trong phạm vi bài viết này, tôi xin đề cập đến một số vướng mắc, bất cập cần phải được khắc phục trong thời gian tới:

Điều vướng mắc, bất cập đầu tiên và cũng là quan trọng nhất chính là các quy định pháp luật về mối quan hệ phối hợp giữa các Cơ quan Thi hành án dân sự với các cơ quan, tổ chức liên quan trong mối quan hệ phối hợp còn rất chung chung, chưa xác định rõ trách nhiệm của cơ quan phối hợp, chưa quy định “cơ chế buộc” hoặc chế tài khi không thực hiện trách nhiệm phối hợp đối với các cơ quan phối hợp nên các cơ quan vẫn xem đó là trách nhiệm của cơ quan thi hành án đã gây ra rất nhiều khó khăn cho chấp hành viên, cơ quan thi hành án trong quá trình tổ chức thi hành bản án, quyết định của tòa án.

Thứ hai là những vướng mắc, bất cập trong công tác phối hợp với Tòa án nhân dân các cấp: Theo quy định tại Điều 2 Luật THADS thì cơ quan thi hành án phải có trách nhiệm thi hành các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật hoặc các bản án, quyết định được thi hành ngay mặc dù bị kháng cáo, kháng nghị. Tuy nhiên trong thực tiễn có rất nhiều bản án, quyết định của Tòa án gây rất nhiều khó khăn, phức tạp trong quá trình tổ chức thi hành, làm cho cơ quan thi hành án “dở khóc dở cười”, tuyên nhưng trên thực tế không thể thực hiện (vì người phải thi hành án không đúng theo pháp luật - người phải thi hành án là nhân dân hoặc tài sản bảo đảm thi hành án tham gia vào hai mối quan hệ dân sự); tuyên nhưng không rõ; tuyên nếu người phải thi hành án không thực hiện nghĩa vụ thi hành án dân sự thì xử lý tài sản theo hợp đồng bảo đảm nhưng tài sản chỉ có trên giấy tờ mà không có trên thực tế; chưa xem xét thẩm định chặt chẽ, đầy đủ thực tế tài sản theo hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm trước khi tuyên; thậm chí là tuyên không đúng pháp luật nhưng vẫn phải thực hiện vì bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và tòa án khẳng định bản án đúng;...

Điều 486 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: Người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án và cơ quan thi hành án có quyền yêu cầu bằng văn bản Tòa án đã ra bản án, quyết định, giải thích, sửa chữa những điểm chưa rõ trong bản án, quyết định để thi hành” và Điều 365 Bộ luật Tố tụng hình sự cũng quy định về vấn đề này. Bên cạnh đó, Điều 179 Luật THADS quy định: “Trách nhiệm của cơ quan ra bản án, quyết định trong thi hành án: Bảo đảm bản án, quyết định đã tuyên chính xác, rõ ràng, cụ thể, phù hợp với thực tế. Có văn bản giải thích những nội dung mà bản án, quyết định tuyên chưa rõ trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của đương sự hoặc của cơ quan thi hành án dân sự. Trường hợp vụ việc phức tạp thì thời hạn trả lời không quá 30 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu”.

Hệ thống Tòa án nhân dân các cấp và Hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự từ Trung ương đến địa phương cũng đã ký kết các quy chế phối hợp liên ngành, tuy nhiên việc giải thích, sửa chữa bản án hoặc chuyển giao bản án vẫn còn chậm; việc giải thích, sửa chữa, bổ sung bản án, quyết định đã tuyên nhiều khi chưa đáp ứng yêu cầu thi hành án, thậm chí nhiều khi Tòa án còn “bảo thủ” cho rằng mình “nhân danh nhà nước”, giữ quan điểm của mình không giải thích, sửa chữa, bổ sung bản án, quyết định đã tuyên gây ra rất nhiều khó khăn khi tổ chức thi hành trên thực tiễn.

Thứ ba là những vướng mắc, bất cập trong công tác phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân: Điều 28 Luật Tổ chức viện kiểm sát nhân dân và Điều 12 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 đã sửa đổi bổ sung năm 2014 đã quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Viện Kiểm sát nhân dân khi kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính. Theo các quy định nêu trên thì Viện Kiểm sát có vai trò rất lớn, phạm vi kiểm sát là rất rộng, tất cả các hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự đều được kiểm sát từ khâu cấp, chuyển giao, giải thích, đính chính bản án, quyết định của Tòa án, ra quyết định thi hành án… đến tự kiểm tra việc thi hành án và thông báo kết quả thi hành án và nếu như trong quá trình thi hành án nếu có những nội dung gì hoặc hành vi của chấp hành viên không đúng pháp luật thì Viện kiểm sát có quyền kháng nghị; yêu cầu đình chỉ việc thi hành án, sửa đổi hoặc bãi bỏ quyết định có vi phạm pháp luật trong việc thi hành án, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật.

Tuy vai trò của công tác kiểm sát trong hoạt động thi hành án là rất lớn nhưng thực tiễn hiện nay trách nhiệm của Viện Kiểm sát nhân dân, Kiểm sát viên trong công tác thi hành án còn rất nhiều bất cập. Do đó, cần làm phải rõ trách nhiệm của Viện kiểm sát, kiểm sát viên trong hoạt động kiểm sát THADS ở hai vấn đề sau:

- Về nội dung: Khoản 2, Điều 12 Luật Thi THADS sửa đổi bổ sung năm 2014 quy định: “Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thi hành án dân sự…”. Và quy định các quyền kèm theo nhằm đảm bảo cho việc thi hành án dân sự kịp thời, đầy đủ, đúng pháp luật. Như vậy, việc tuân theo pháp luật của cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên khi giải quyết vụ việc thi hành án thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát; việc thi hành án có kịp thời, đầy đủ, đúng pháp luật hay không thì viện kiểm sát và kiểm sát viên được phân công phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, thực tế trong suốt quá trình giải quyết vụ việc thi hành án và cả qua công tác kiểm sát trực tiếp hàng năm của cả ba cấp kiểm sát thì vẫn có rất nhiều sai sót, vi phạm của cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên thậm chí là có rất nhiều vụ việc dẫn đến đương sự yêu cầu bồi thường cả hàng chục tỷ đồng nhưng trong các vụ việc nói trên chưa bao giờ đề cập đến trách nhiệm của Viện kiểm sát cũng như kiểm sát viên kiểm sát vụ việc.

- Về thẩm quyền: Theo khoản 2 Điều 28 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân quy định:“Trực tiếp kiểm sát việc thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và cấp dưới, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan”. Với thẩm quyền kiểm sát quy định như vậy là quá rộng và quá lớn nhưng trách nhiệm thì không rõ. Việc kiểm sát chỉ nên thực hiện cấp nào kiểm sát cấp đó, bởi hiện nay cơ quan thi hành án có quá nhiều cơ quan, ngành, cấp kiểm tra, giám sát. Mặt khác, thẩm quyền kiểm sát cấp nào phải chịu trách nhiệm với kiểm sát cấp đó, nếu cấp dưới đã kiểm sát mà cấp trên kiểm sát lại phát hiện vụ việc đó sai sót, vi phạm thì kiểm sát cấp dưới đó phải chịu trách nhiệm. Thực tế hiện nay có rất nhiều vụ việc, khi thực hiện công tác kiểm sát, viện kiểm sát cấp dưới không thống nhất với viện kiểm sát cấp trên; viện kiểm sát cấp trên cho rằng viện kiểm sát cấp dưới sai. Như vậy trong vụ việc này lỗi nào là lỗi của chấp hành viên, lỗi nào là lỗi của kiểm sát viên; trách nhiệm là như thế nào cần xác định rõ, không thể một mình chấp hành viên là người phải chịu trách nhiệm.

Thứ tư là những vướng mắc, bất cập trong công tác phối hợp với cơ quan Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất: Việc cung cấp thông tin về tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, sử dụng là quyền sử dụng đất của người phải thi hành án của cơ quan Đăng ký quản lý tài sản còn chưa kịp thời. Hiện nay pháp luật về thi hành án dân sự chưa quy định cụ thể về thời hạn trả lời, cung cấp thông tin về tài sản cho cơ quan thi hành án dân sự và chưa quy định chế tài xử lý khi chậm hoặc không cung cấp thông tin dẫn đến việc kéo dài thời gian gây khó khăn cho Chấp hành viên trong việc tổ chức thi hành án.

Một số cơ quan Văn phòng đăng ký đất đai khi tham gia cưỡng chế kê biên là quyền sử dụng đất không ký tên vào sơ đồ hiện trạng tài sản mà chỉ ký vào biên bản cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản. Sau khi tài sản được bán đấu giá thành, quá trình thực hiện thủ tục sang tên đổi chủ cho người mua trúng đấu giá, Văn phòng đăng ký đất đai lại yêu cầu làm hợp đồng thuê Chi nhánh đo đạc lại. Việc làm này ảnh hưởng đến vai trò của cơ quan THADS trong quá trình tổ chức thi hành án. Mặt khác, hiện nay các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất không cấp giấy chứng nhận cho người mua được tài sản là đất đai trúng đấu giá nhưng diện tích đất ít hơn trong Giấy chứng nhận, gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động thi hành án; người dân gửi đơn khiếu nại nhiều nơi, nhiều cấp.

Mặc dù pháp luật quy định tại Điều 106 Luật Thi hành án dân sự quy định về Đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản như sau: “Người mua được tài sản thi hành án, người nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án được pháp luật công nhận và bảo vệ quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản đó. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng cho người mua, người nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án. Cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm cung cấp đầy đủ những văn bản, giấy tờ quy định tại khoản 3 Điều 106 Luật THADS cho người mua tài sản thi hành án, người nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án” nhưng trong quá trình thực hiện trên thực tế còn quá nhiều vướng mắc, bất cập.

Thứ năm là những vướng mắc, bất cập trong công tác phối hợp với kho bạc nhà nước, ngân hàng và tổ chức tín dụng: Theo quy định tại Điều 11 Luật THADS năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm phối hợp, thực hiện các yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự và chấp hành viên. Tuy nhiên, việc thu thập thông tin về tài khoản, thu nhập của người phải thi hành án gặp nhiều khó khăn do hiện nay nước ta chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về tài khoản, tiền gửi khách hàng trong các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại. Ngoài ra, khi đã xác minh được tài khoản, thu nhập của người phải thi hành án thì khó khăn vẫn chưa hết.

Các tổ chức tín dụng sẽ viện dẫn Điều 14 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (sửa đổi bổ sung năm 2017) để từ chối cung cấp thông tin về tài khoản của người phải thi hành án. Nếu cơ quan THADS, chấp hành viên kiên quyết xác minh thì các đơn vị này cung cấp một cách hạn chế. Sau khi đã thu thập thông tin về tài khoản của người phải thi hành án thì các ngân hàng lại viện lý do số tiền lớn, phải xin ý kiến của hội sở hoặc viện lý do bảo vệ khách hàng nên trì hoãn việc thực hiện quyết định cưỡng chế của cơ quan THADS, khiến vụ việc kéo dài, dẫn đến người được thi hành án bức xúc, khiếu nại cơ quan thi hành nhiều lần. Trường hợp số tiền phải thi hành án lớn nhưng lại bị trì hoãn nằm trong ngân hàng trong khi nhu cầu tái đầu tư của người được thi hành án cấp thiết sẽ là thiệt hại không nhỏ cho người được thi hành án.

Ngoài ra, còn rất nhiều vướng mắc, bất cập trong công tác phối hợp với các cơ quan chuyên môn ở địa phương: Các cơ quan, tổ chức chưa chủ động phối hợp, phối hợp chưa thường xuyên, kịp thời và đồng bộ. Một số các cơ quan, tổ chức có quan niệm thi hành án dân sự là việc của cơ quan Thi hành án dân sự, nên họ thường không chủ động phối hợp, thậm chí chỉ phối hợp cho có, không quan tâm đến hiệu quả của việc phối hợp. Trong quá trình tham gia cưỡng chế kê biên tài sản, một số cơ quan có liên quan thường đùn đẩy trách nhiệm, viện nhiều lý do, quy định để không tham gia, hoặc không ký vào biên bản kê biên…

Những vướng mắc, bất cập nêu trên có rất nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu vẫn do pháp luật chưa quy định chặt chẽ, chưa xây dựng được một cơ chế phối hợp rõ ràng; chưa làm rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm và tính chế tài trong mối quan hệ phối hợp - Cơ quan phối hợp có vai trò, vị trí và trách nhiệm gì trong mối quan hệ phối hợp đó, nếu thực hiện không đúng, thực hiện chậm hoặc không thực hiện thì phải chịu trách nhiệm gì? Điều này thể hiện rõ mối quan hệ phối hợp trong công tác thi hành án dân sự chưa thực sự “bình đẳng”: Viện Kiểm sát là cơ quan kiểm sát thi hành án nên gần như là “cấp trên” của cơ quan thi hành án dân sự; Tòa án là cơ quan “nhân danh nhà nước” nên khi bản án, quyết định của Tòa án có thiếu sót, vi phạm thì cơ quan Thi hành án không có quyền “trả lại bản án, quyết định” để bổ sung, làm rõ - đề nghị Tòa cấp trên xem xét lại thì trả lời chậm, không chấp nhận hoặc không trả lời; còn với các cơ quan khác thì không có mối liên hệ chặt chẽ hoặc không có quyền yêu cầu các cơ quan đó phải có “trách nhiệm buộc thực hiện”.

Do đó, Bộ Tư pháp cần sớm tham mưu, kiến nghị Quốc hội ban hành Luật Thi hành án dân sự mới thay thế Luật Thi hành án dân sự; dựa trên mối quan hệ công tác giữa các ngành Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Thi hành án dân sự và các cơ quan có liên quan nhằm xác định rõ những nguyên tắc, hình thức, thời gian, trách nhiệm phối hợp; các nội dung phối hợp…, để đảm bảo đồng bộ, thống nhất; xây dựng mối quan hệ phối hợp rõ ràng, chặt chẽ; đảm bảo cho các bản án, quyết định của Tòa án được thực thi trên thực tế, đảm bảo các quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, công dân được pháp luật bảo vệ; tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa và đảm bảo nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự trong thời gian tới./.

Đọc thêm

Bộ Tư pháp thăm dò ý kiến đối với các sự kiện nổi bật năm 2024 của ngành

Bộ Tư pháp thăm dò ý kiến đối với các sự kiện nổi bật năm 2024 của ngành
(PLVN) - Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tư pháp và Quy chế Bình xét, công bố các sự kiện nổi bật hàng năm của ngành Tư pháp (ban hành kèm theo Quyết định số 2972/QĐ-BTP ngày 22/12/2023 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp), để có cơ sở đánh giá, bình chọn 10 sự kiện nổi bật năm 2024 của ngành Tư pháp, Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức thăm dò dư luận đối với các sự kiện nổi bật năm 2024 của ngành.

Bạc Liêu: Tập huấn kỹ năng truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội

Bạc Liêu: Tập huấn kỹ năng truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội
(PLVN) - Ngày 6/12, Sở Tư pháp tỉnh Bạc Liêu phối hợp Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) tổ chức tập huấn kỹ năng truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phụ trách công tác pháp chế; công tác truyền thông trên địa bàn tỉnh năm 2024.

Bạc Liêu: Tập huấn chuyên sâu về xử lý vi phạm hành chính cho đội ngũ cán bộ, công chức

Bạc Liêu: Tập huấn chuyên sâu về xử lý vi phạm hành chính cho đội ngũ cán bộ, công chức
(PLVN) - Từ ngày 28 đến 29/11, Sở Tư pháp tỉnh Bạc Liêu chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và Theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ về triển khai thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến đến các xã, phường, thị trấn.

Tuyên truyền pháp luật cho sinh viên qua “Phiên tòa giả định”

Tuyên truyền pháp luật cho sinh viên qua “Phiên tòa giả định”
(PLVN) -  Ngày 23/11, Khoa Luật - Trường Đại học Nam Cần Thơ tổ chức Phiên toà giả định năm 2024. Tham dự có Bà Huỳnh Anh Thư – Chánh Văn phòng Sở Tư pháp TP Cần Thơ; bà Phạm Thị Hồng Ngọc – Viện trưởng VKSND quận Cái Răng; ông Văn Hứng – Chánh Văn phòng TAND quận Ninh Kiều; đại diện các Cty Luật, Văn phòng luật sư; cùng hơn 500 sinh viên của trường.

Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức chương trình 'An toàn giao thông hành trang vững bước tương lai'

Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức chương trình 'An toàn giao thông hành trang vững bước tương lai'
(PLVN) - Chiều nay, 18/11, tại Trường Trung học cơ sở Đông Tiến, xã Đông Tiến, huyện Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình), Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp Thường trực huyện Quỳnh Phụ tổ chức chương trình “An toàn giao thông hành trang vững bước tương lai”, nhằm nâng cao nhận thức về an toàn giao thông cho học sinh, góp phần xây dựng một thế hệ trẻ với ý thức trách nhiệm cao đối với bản thân và cộng đồng.