Với kết quả đạt được, về mặt lý thuyết, chỉ cần sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, với nỗ lực chung của toàn hệ thống và bộ máy nhà nước… thì cảm tưởng như là không quá khó để đạt được những mục tiêu của giai đoạn sắp tới trong cải cách hành chính.
Tuy nhiên, nếu “soi” trực tiếp từ một từng góc nhỏ của thực tiễn thì không thể thôi lo ngại về khả năng những hạn chế, tồn tại được chỉ ra trong giai đoạn 2006-2010 sẽ vẫn xuất hiện trong lần tổng kết 5 năm tới.
Xây dựng mô hình “một cửa” là để người dân “thoát” việc chạy hết chỗ nọ, cậy nhờ chỗ kia chỉ để hoàn tất một thủ tục mà đúng ra là nhiệm vụ của cán bộ, công chức, là chức năng của cơ quan công quyền. Nhưng thực tế, “một cửa” ở nhiều nơi đã bị biến thành “một cửa, nhiều khóa” hoặc “một cửa… chờ”. Nghĩa là không phải chạy, nhờ thì công dân phải dành thời gian ngoài qui định pháp luật mà… chờ cán bộ giải quyết công việc.
Không hiếm trường hợp cán bộ bắt dân chờ dù chẳng có lý do nào để đến muộn. Giấy hẹn 14h trả hồ sơ, người dân có mặt đúng giờ, còn cán bộ thì… 30 phút sau mới đến, mà không một lời xin lỗi, không giải thích lý do. Còn công dân với thói quen “nín nhịn” nơi cửa công cũng không dám “chất vấn” cán bộ, cũng bởi chẳng ai muốn việc của mình lại bị chậm thêm sau khi đã đợi lâu như thế.
Vậy là công dân dù “hậm hực” vẫn cầm giấy tờ ra về, không phản ánh, nên cán bộ “bình an vô sự”. Còn nếu không may công dân nào đó, vì cái “sự muộn không lý do” này mà công việc bị ảnh hưởng thì đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”, chẳng lẽ lại đi kiện chuyện “không đâu” ?!
Không những thế, ngay việc tiếp nhận hồ sơ để thực hiện chứng thực cũng khiến người dân thấy “bất an”. Khi cần chứng thực, người dân phải nộp bản chính. Song đổi lại, chỉ là một tờ biên nhận in sẵn, được cán bộ tiếp nhận điền những nội dung cần thiết, không dấu xác nhận của UBND. Trong trường hợp không có nhầm lẫn thì không sao, nhưng nếu có nhầm lẫn, thất lạc hồ sơ thì với “bằng chứng” này lợi thế sẽ không thuộc về công dân.
Đấy chỉ là chuyện xảy ra tại bộ phận “một cửa” của UBND một phường ở Thủ đô. Dù không phải đại diện cho toàn hệ thống “một cửa”, nhưng cũng là những “cái gai” trên tấm thảm thành tích của công cuộc cải cách hành chính mà toàn hệ thống chính trị và xã hội đang nỗ lực thực hiện.
Nhổ bỏ những “cái gai” nhỏ như vậy nhiều khi lại rất quan trọng để khẳng định tính hiệu quả, thực chất của việc cải cách hành chính, xây dựng hình ảnh người cán bộ, công chức là “công bộc của dân” và một nền hành chính “vì nhân dân phục vụ”.
Xuân Hương