Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An vừa hoàn tất bản kết luận điều tra (KLĐT) bổ sung đối với vụ án “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” xảy ra ngày 12-13/4/2011 tại Tp Vinh, Nghệ An. Đây là lần điều tra bổ sung thứ 2 nhưng việc quy kết các bị cáo có hành vi phạm tội vẫn còn rất điểm chưa rõ ràng. Trong khi đó, 1 số bị can cho rằng vụ bắt có này được “dàn dựng” từ một cuộc cãi vã do làm ăn bất thành.
Chân cầu thang Khách sạn Biên phòng- nơi CS 113 “bắt quả tang” vụ bắt cóc |
Từ một cuộc mua gỗ bất thành…
Sáng 13/4/2011, Cảnh sát 113 nhận được tin báo của anh Nguyễn Đình Sáng (trú tại huyện Thường Tín, Hà Nội) về việc bố mình là ông Nguyễn Đình Huỳnh bị một nhóm người bắt giữ tại TP. Vinh. Triển khai lực lượng và phát hiện ông Huỳnh đang ở Nhà khách Biên phòng, Cảnh sát 113 đã ập đến “giải thoát” ông Huỳnh sau khi đã “bắt quả tang Phạm Huy Tuyên” có hành vi giữ con tin.
Vụ việc được chuyển Cơ quan CSĐT và sau đó gần 3 tháng cơ quan này khởi tố vụ án, khởi tố một số bị can về tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” gồm vợ chồng Phan Quốc Dũng (SN 1949) - Nguyễn Thị Toàn (SN 1960); vợ chồng Trần Thị Ngọc Hoàng (SN 1970)- Lê Quốc Dũng (SN 1970); Phan Quốc Hùng (SN 1987- con bị can Toàn); Nguyễn Huy Tuyên (SN 1980); Nguyễn Khắc Hòa (SN 1988); Trần Văn Quế (SN 1970)
Theo bản KLĐT, do nghi ngờ anh Huỳnh cho người đi mua gỗ mà không trả tiền “môi giới”, vợ chồng Dũng- Toàn đã “lôi” anh Huỳnh lên ô tô chở đến thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) gặp Ngọc Hoàng và Quế. Cả 4 người đưa anh Huỳnh đến một quán cà phê để yêu cầu anh Huỳnh phải trả tiền hoa hồng và chi phí đi lại nhưng anh Huỳnh không đồng ý. Thấy ồn ào nên chủ quán yêu cầu mọi người ra khỏi quán.
Cả nhóm lại lên ô tô và di chuyển đến khách sạn Bến Thủy (Nghệ An) để thuê phòng nghỉ. Tại đây, anh Huỳnh tiếp tục bị 5 người (có thêm Nguyễn Huy Tuyên - do Phan Quốc Dũng gọi) ép phải chi tiền hoa hồng, tiền chi phí ăn ở, đi lại cho Toàn, Hoàng và Quế. Sự việc sau đó còn có sự tham gia của chồng Hoàng là Lê Quốc Dũng và con Toàn là Phan Quốc Hùng. Cả nhóm vẫn khăng khăng anh Hùynh cho người nhà mua gỗ rồi quỵt tiền hoa hồng nên bắt anh Huỳnh viết giấy “nợ Hoàng, Toàn, Quế, mỗi người 100 triệu đồng”.
Sau đó, Phan Quốc Dũng bắt anh Huỳnh gọi điện cho người nhà mang tiền vào nhưng anh Huỳnh không gọi. Đến chiều cùng ngày, do Khách sạn Bến Thủy mất điện nên mọi người cùng về thuê phòng tại Khách sạn Biên phòng.
Tối đó, Tuyên cùng Nguyễn Khắc Hòa và một số thanh niên khác ở lại canh giữ anh Huỳnh. Nhưng sáng hôm sau (13/4), khi Cảnh sát S 113 đến “giải cứu” thì chỉ còn mình Tuyên và anh Huỳnh ở khách sạn.
…đến vụ “bắt cóc” có một không hai
Nếu cho rằng đây là vụ“Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” thì cũng có nghĩa ông Huỳnh là “con tin” của các bị can, bị các bị can bắt giữ và giấu đi nhằm “tống tiền” (đòi tiền chuộc) đối với người nhà ông Huỳnh. Thế nhưng vụ việc này đã không có đầy đủ các tình tiết nêu trên.
Cái gọi là CS 113 “bắt quả tang” Tuyên đang giữ anh Huỳnh vào sáng 13/4/2011 tại Khách sạn Biên phòng được nhân chứng Nguyễn Hồng Phúc (Quản lý nhà khách) mô tả như sau: “Sáng 13/4/2011, nhân viên dọn phòng vẫn dọn phòng 203 như thông lệ mà không thấy có dấu hiệu gì nghi vấn. Cho đến khoảng 9h25, có công an 113 đến gặp nhân viên lễ tân và hỏi phòng 203 ở đâu. Nhân viên lễ tân đưa công an lên tận phòng thì không thấy khách ở trong phòng. Lúc đó, lễ tân có chỉ cho công an 113 là khách đang đứng nói chuyện với một người tại sảnh cầu thang thì công an mới đến dẫn cả 2 người đi”
Như vậy, nếu bảo bị giam giữ, bị bắt cóc thì tại sao ông Huỳnh lại có thể thản nhiên đứng nói chuyện ở hành lang khách sạn- nơi ông có thừa cơ hội và khả năng để kêu cứu hoặc tự mình giải thoát khỏi sự giam giữ (nếu có). Nhất là khi một số nhân chứng cho hay “an ninh tại Nhà khách Biên phòng (thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Nghệ An) là rất tốt. Trước khi công an 113 đến, ông Huỳnh đứng nói chuyện với người thanh niên ở sảnh cầu thang rất bình thường, giữa hai người không có sự cãi vã, xô sát gì”.
Còn bị can Tuyên từng có tường trình: “Lúc ở khác sạn Bến Thủy, ông Huỳnh có hỏi “có khách sạn nào bình dân không? Ông Dũng bảo “tiện đường về nhà tao, vào khách sạn Biên phòng cho nó rẻ. Lúc đó, ông Huỳnh bảo với tôi “về đấy nghỉ cho vui”. Lúc 9h ngày 13/4, lúc tôi và anh Huỳnh đang nói chuyện vui vẻ ở chân cầu thang nhà nghỉ Biên phòng thì CS 113 đến bắt tôi lên xe”
Không chỉ có lúc ở khách sạn Biên Phòng mà trong suốt 1 ngày trước đó, ông Huỳnh cũng có rất nhiều cơ hội để kêu cứu hoặc tự cứu mình, đơn cử như lúc bị lôi lên ô tô; lúc ngồi nói chuyện ở quán cà phê; lúc thuê phòng tại khách sạn Bến Thủy (cả hai lần thuê phòng khách sạn đều dùng chứng minh thư của ông Huỳnh); lúc đi ăn tối tại quán Ngọc Châu 2 (lúc này, còn có 3 người bạn Trung Quốc ngồi cùng bàn)...
Có lẽ, đây là vụ “bắt cóc” kỳ lạ nhất bởi các đối tượng đã để “con tin” tiếp xúc trực tiếp với vô số người (trong đó có cả lực lượng vũ trang), di chuyển công khai qua nhiều địa điểm với hàng chục km nhưng không bị phát hiện. Điều này chỉ có thể lý giải bằng việc, “con tin” dường như đã đồng thuận và chấp nhận cuộc “bắt cóc” này?
Khoa Lâm