Phiên họp diễn ra trong 3 ngày (từ 2-4/10). Sáng nay, các đại biểu thảo luận, cho ý kiến về việc dự kiến tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự án Bộ luật lao động (sửa đổi), trong đó nội dung nhận được nhiều sự quan tâm là vấn đề mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm.
Một biện pháp không phải là tích cực
Theo dự thảo báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) của Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH), nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành việc mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm (tăng 100 giờ so với quy định hiện hành) nhưng chỉ áp dụng đối với một số ngành, nghề nhất định, đồng thời trả tiền lương lũy tiến cho thời gian làm thêm giờ và khống chế số giờ làm thêm tối đa theo tháng. Trong khi đó, một số ý kiến ĐB cho rằng, nên cân nhắc kỹ vấn đề này để phù hợp với điều kiện làm việc, sức khỏe, thời giờ làm việc của người lao động Việt Nam và xu thế chung của thế giới.
Loại ý kiến tán thành với Tờ trình của Chính phủ đồng ý mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa vì xuất phát từ thực tiễn của doanh nghiệp (DN), đồng thời cũng là nguyện vọng của người lao động (chủ yếu ở nhóm lao động phổ thông trong một số lĩnh vực: da giày, thủy sản, dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử…) để tăng thu nhập do tiền lương thực tế chưa đủ sống; nhưng đề nghị phải có sự thỏa thuận thực sự giữa người sử dụng lao động và người lao động. Tiền lương làm thêm giờ phải được tính lũy tiến, khống chế giờ làm thêm tối đa trong tháng để tạo điều kiện tháo gỡ cho nhóm DN, ngành nghề có nhu cầu làm thêm giờ.
Loại ý kiến không đồng ý mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa vì cho rằng, mục tiêu phải hướng đến là tăng năng suất lao động, cải tiến công nghệ, đổi mới quản trị doanh nghiệp, bảo đảm sức khỏe cho người lao động về lâu dài, phù hợp với xu hướng tiến bộ của thế giới, phù hợp với mục tiêu của phong trào công nhân, công đoàn thế giới, quan hệ lao động trong thời kỳ mới.
Làm rõ thêm về vấn đề này, ông Bùi Sỹ lợi, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, luật hiện hành đang quy định tổng số giờ làm thêm bình thường là 200 giờ, trường hợp đặc biệt không quá 300 giờ.
“Cho đến nay, về cơ bản qua lấy ý kiến các cơ quan- kể cả giới chủ, giới thợ đều đồng tình. Đây là một biện pháp không phải là tích cực để tăng năng suất lao động. Mong muốn của chúng ta là phải cải tiến và đổi mới công nghệ; tổ chức, sắp xếp lại sản xuất và quản trị nhân lực để tăng năng suất lao động chứ không phải tăng cường độ lao động.
Ông Bùi Sỹ Lợi phát biểu tại phiên họp. |
Tuy nhiên, khi phát biểu tại phiên họp 37 của UBTVQH thì vẫn có ý kiến của các cơ quan và trong UBTVQH cũng mong muốn nếu QH cho phép một số ngành, lĩnh vực nhất định mà thực sự cần thiết phải nâng thêm thời gian làm thêm để đảm bảo cho xuất khẩu và cho cả yêu cầu của chủ sử dụng lao động và mong muốn của người lao động thì chúng ta vẫn đưa ra Quốc hội xin ý kiến 2 phương án”- ông Lợi giải thích.
Phương án 1 là không tăng thêm giờ, giữ nguyên như luật hiện hành và bổ sung quy định về thời gian tối đa làm thêm trong tháng không quá 40 giờ. Phương án 2 là sẽ có một số ngành nghề, lĩnh vực do Chính phủ quy định cụ thể được phép làm thêm giờ trong những trường hợp đặc biệt.
Phải có danh mục ngành nghề làm thêm
Thảo luận tại phiên họp, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) cho rằng, tăng giờ làm thêm không chỉ là nguyện vọng của DN mà của cả người lao động. Trên thực tế, nhiều lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc, để tăng thu nhập thì họ đều làm thêm.
“Quan điểm cho rằng tăng giờ làm thêm sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của người lao động, hay việc DN sẽ lợi dụng quy định này để khai thác cạn kiệt sức lực của người lao động là hoàn toàn không đúng”- ĐB Phương nêu quan điểm. Ông cũng khẳng định, hiện nay công nghệ kỹ thuật phát triển cao, năng suất lao động cao thì sức lao động của người lao động giảm bớt, chính vì thế họ có nhu cầu làm thêm.
“Nếu chúng ta quy định giờ làm thêm là 300, thì giờ làm thêm của y, bác sỹ lên tới 400, thế thì chắc chắn không bệnh viện nào dám thanh toán giờ làm thêm đó. Như vậy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động và không bảo đảm lợi ích của người lao động”- ĐB Phương nói.
Cũng theo ĐB đoàn Quảng Bình, đối với lĩnh vực lao động nặng nhọc, độc hại thì người lao động được nghỉ hưu sớm. Vậy quy định 300 giờ làm thêm sẽ áp dụng với tất cả lĩnh vực đều như nhau hay có sự phân biệt?…"Cho nên tôi cho rằng, giờ làm thêm 300 là phù hợp với lĩnh vực lao động nặng nhọc, độc hại; còn trên 300 giờ là những lĩnh vực mà người lao động đảm bảo sức khỏe. Nếu quy định chặt chẽ là 300 giờ mà tăng tuổi nghỉ hưu ảnh hưởng đến người lao động thì phải xem xét một số lĩnh vực đang làm thêm”- ĐB Phương đền nghị.
Đồng tình tăng giờ làm thêm, ông Lê Đình Sơn (đoàn Hà Tĩnh) phân tích: người lao động bình thường có độ tuổi từ 18-30, họ thực sự có nhu cầu và có đủ năng lực để hồi sức lao động nhanh. Mặt khác, họ cũng muốn có sự tích lũy kinh phí, ngân sách cho cuộc sống, đó là điều tất yếu. Tuy nhiên, ông Sơn đề nghị phải quy định chặt chẽ. Trước mắt Chính phủ tham mưu một số ngành nghề, lĩnh vực có nhu cầu, tức là phải có danh mục để QH nắm được.
Kéo gần khoảng cách giữa khu vực hành chính và DN
Cho rằng hiện nay chúng ta đang bất bình đẳng giữa khu vự hành chính sự nghiệp (làm việc 40 giờ/tuần) và khu vực DN (làm việc 48 giờ/tuần), ông Bùi Văn Cường, thành viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: Trước đây Tổng Liên đoàn đã kiến nghị và bây giờ tiếp tục kiến nghị cho khu vực DN làm việc 44giờ/tuần, tức là người lao động được nghỉ chiều Thứ 7 và ngày Chủ nhật để tạo điều kiện cho tái tạo sức khỏe, có cơ hội học tập, chăm sóc gia đình... Đây là xu hướng tiến bộ của thế giới, chúng ta là nước CNXH, không có lý gì lại không thực hiện tiến bộ ấy.
“Phải tính toán để giảm khoảng cách bất bình đẳng về thời gian làm việc giữa 2 khu này dần dần được kéo xuống. Không nên để khu vực DN làm việc quần quật như vậy, trong khi đó khu vực hành chính sự nghiệp nhàn nhã hơn lại chỉ làm việc 40 giờ/tuần” - ông Cường đề xuất.
Vẫn theo ông Cường, đối với giờ làm thêm, trước mắt giữ nguyên 300 giờ chứ không nên 400 giờ. Trong 300 giờ đó cũng phải tính toán phương án trả lương theo lũy tiến để người sử dụng lao động cân nhắc khi đề nghị tăng thêm giờ làm thêm. Từ lũy tiến đấy làm căn cứ cho người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận, để đảm bảo tính nhân văn của Bộ luật lao động. “Tất nhiên chỉ một bộ phận người lao động đồng ý làm thêm giờ chứ không ai muốn làm thêm giờ. Bây giờ chúng ta ngồi đây họp mà đến 12 giờ, 12 rưỡi mới được nghỉ thì có ai đồng tình không? chắc là không. Đây là câu chuyện rất thật, rất con người. Điều đó chúng ta phải đặt vào người lao động, nhưng vì thu nhập không đủ sống nên người ta phải tăng giờ”- ông Cường ví von.
Nêu quan điểm ủng hộ việc không nên tăng giờ làm thêm, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của QH cho rằng, theo báo cáo trước đây, có 30% cán bộ công chức làm việc không hiệu quả. “Tôi thấy nhiều người gần như không làm việc mà vẫn hưởng lương…Nhiều cán bộ của chúng ta nhàn nhã quá, thiếu trách nhiệm, trong khi đó chúng ta lại đi kéo dài thời gian làm việc của những người chân lấm, tay bùn, của những người mồ hôi dưới đổ lên, mồ hôi trên đổ xuống”, ông Nhưỡng cho hay.
Ghi nhận ý kiến của các đại biểu, kết luận vấn đề trên, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH cho biết sẽ đề nghị làm rõ danh mục những ngành nghề được làm thêm và sẽ tính đến việc trả lương làm thêm theo lũy tiến.