Nghị định 110/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã (được sửa đổi bổ sung bằng Nghị định số 67/2015/NĐ-CP ngày 14/8/2015 của Chính phủ) là những cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý thống nhất công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp. Theo đó, nhiều hành vi vi phạm đã bị xử lý, góp phần làm lành mạnh hóa công tác tư pháp, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện công tác xử lý vi phạm hành chính một cách chính xác, đúng nguyên tắc.
Tuy nhiên, từ thực tiễn thi hành cho thấy, hiện đang còn nhiều vi phạm bị bỏ lọt, chưa được đưa vào diện xử phạt gây khó khăn cho công tác quản lý, ảnh đến môi trường hoạt động chung, trong đó có công chứng.
Theo các quy định hiện hành, rất nhiều hành vi vi phạm hoạt động công chứng bị xử phạt, đơn giản từ 500 ngàn đồng tới 1 triệu, thậm chí theo Nghị định 67 mức phạt có thể lên đến 60.000.000 đồng (đối với tổ chức không đủ điều kiện hành nghề công chứng mà hành nghề công chứng dưới bất kỳ hình thức nào). Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định về các biện pháp khắc phục hậu quả nhằm góp phần răn đe, phòng ngừa.
Mặc dù cơ bản các hành vi vi phạm về công chứng đã được ‘quét’ theo các Nghị định hiện hành nhưng theo phản ảnh của UBND TP. Đà Nẵng, trong quá trình thanh tra, kiểm tra các tổ chức hành nghề công chứng, Sở Tư pháp phát hiện rất nhiều hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực công chứng nhưng không có căn cứ pháp lý để xử lý như: hành vi không điền đầy đủ thông tin trong Phiếu yêu cầu công chứng; hành vi công chứng hợp đồng, giao dịch trong trường hợp không có căn cứ xác định quyền sử dụng, sở hữu chung đối với tài sản khi tham gia giao dịch; hành vi đăng nhập không kịp thời thông tin lên hệ thống cơ sở dữ liệu công chứng; hành vi không thu thù lao công chứng,…
Theo Điều 4 Luật XLVPHC quy định chỉ có Chính phủ mới có thẩm quyền quy định hành vi, hình thức và mức xử phạt. Trong khi đó, Nghị định số 110/2010/NĐ-CP và Nghị định số 67/2015/NĐ-CP được ban hành trên cơ sở Luật Công chứng năm 2006 nên không có cơ sở để xử phạt và trong những trường hợp khi phát hiện hành vi vi phạm, Sở Tư pháp Đà Nẵng chỉ có thể kết luận cho chấn chỉnh, khắc phục.
Bên cạnh đó,Đà Nẵng cũng cho rằng mức xử phạt các hành vi vi phạm trong lĩnh vực công chứng hiện nay còn quá nhẹ, chưa đủ tính răn đe, phòng ngừa các hành vi vi phạm trên thực tế. Do đó, trong bối cảnh bỏ quy hoạch phát triển tổng thể tổ chức hành nghề công chứng trong thời gian tới, cơ quan có thẩm quyền cần bổ sung các hành vi vi phạm, tăng hình thức, mức xử phạt và chú trọng các hình thức xử phạt bổ sung như tước thẻ công chứng viên, rút giấy phép hoạt động đối với các hành vi vi phạm có tính chất nghiêm trọng
Còn theo đề nghị của UBND tỉnh Phú Yên, Bộ Tư pháp nên tham mưu quy định chế tài xử lý đối với trường hợp hợp thức hóa quy định về công chứng viên hợp danh (mượn công chứng viên ngoài tỉnh để được cấp Giấy đăng ký hoạt động của Văn phòng công chứng, sau đó rút khỏi hợp danh, Văn phòng công chứng vẫn hoạt động đến gần thời điểm 6 tháng thì tiếp tục mượn công chứng viên để hợp thức, tránh bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động).
Ngoài ra, một số ý kiến khác cho rằng một số hành vi vi phạm khác cũng đang bị bỏ lọt như hành vi công chứng hợp đồng, giao dịch khi không có người làm chứng trong trường hợp pháp luật quy định bắt buộc phải có người làm chứng, Hành vi trả tiền hoa hồng, chiết khấu cho người yêu cầu công chứng hoặc người môi giới…Trong bối cảnh Hội công chứng viên đang được lập ở các địa phương trên cả nước thì việc mới chỉ quy định hành vi vi phạm hành chính của Hiệp hội công chứng viên Việt Nam là chưa phù hợp.
Bộ Tư pháp cho biết, trong quá trình xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 110/2013/NĐ-CP, Bộ Tư pháp đã tổng kết tình hình thực tiễn, tổng hợp ý kiến đóng góp của các địa phương, bổ sung rất nhiều hành vi vi phạm còn thiếu trong lĩnh vực công chứng, đồng thời đưa ra các mức xử phạt phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm; bổ sung các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả tương ứng để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa.