Hoạch định chính sách công khai, minh bạch
Thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 nước ta đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, trong đó nhóm giải pháp về xây dựng pháp luật được triển khai tích cực, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội.
Theo Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp, trong những năm qua, việc lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh có nhiều đổi mới. Từ việc xây dựng Chương trình nhiệm kỳ 05 năm (theo Luật Ban hành VBQPPL năm 2008) đến xây dựng Chương trình hằng năm (theo Luật Ban hành VBQPPL năm 2015), tạo sự linh hoạt, tăng cường tính thích ứng nhanh của chính sách với các vấn đề kinh tế, xã hội; chương trình xây dựng VBQPPL hàng năm của Chính phủ cũng có nhiều tiến bộ, bảo đảm cơ chế để Chính phủ hoạch định chính sách công khai, minh bạch, cơ chế để Nhân dân tham gia vào các hoạt động xây dựng pháp luật và giám sát thi hành pháp luật.
Trong giai đoạn 2005 - 2019, Chính phủ đã trình Quốc hội sửa đổi Luật Ban hành VBQPPL ba lần vào năm 2008, 2015 và 2020. Qua mỗi lần sửa đổi, quy trình xây dựng pháp luật đã được hoàn thiện hơn, Luật đã được bổ sung, sửa đổi nhiều nội dung mới mang tính đột phá theo hướng nâng cao chất lượng, minh bạch, chặt chẽ, dân chủ hơn; thống nhất trình tự, thủ tục trong ban hành VBQPPL ở cả trung ương và địa phương;
Những năm qua, việc hiện đại hóa phương thức và phương tiện xây dựng pháp luật đã không ngừng được tăng cường qua việc xây mới các trụ sở làm việc của các cơ quan nhà nước cùng với trang thiết bị hiện đại. Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà được ưu tiên đầu tư, đẩy mạnh. Các cơ sở dữ liệu chuyên ngành về pháp luật được triển khai xây dựng đồng loạt trên các lĩnh vực, được cập nhật thường xuyên, kết nối liên thông, thông suốt, làm cơ sở cho việc triển khai Chính phủ điện tử; tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật.
Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, với việc thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, nhằm tạo sự đột phá, tháo “nút thắt” trong quản lý điều hành, triển khai thi hành luật, pháp lệnh; chất lượng văn bản được nâng lên; tiến độ thực hiện nhanh hơn, từng bước đáp ứng yêu cầu triển khai đồng bộ việc thi hành luật, pháp lệnh.
Từ đầu nhiệm kỳ năm 2016, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác xây dựng pháp luật, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm của các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong việc chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật. Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp chế ngày càng tăng về số lượng, nâng cao về chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của công tác xây dựng pháp luật.
Sự tham gia xây dựng, góp ý và phản biện của doanh nghiệp, người dân vào quá trình soạn thảo văn bản đã được cải thiện. Các cơ quan soạn thảo đã chú ý hơn đến tầm quan trọng của hoạt động này, nhất là một số dự thảo văn bản có nội dung liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người dân, công tác dân tộc, tôn giáo, chính sách đối với người có công với cách mạng, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số…, cơ quan soạn thảo luôn tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội đóng góp ý kiến.
Việt Nam đã ký kết nhiều chương trình, dự án, phi dự án hợp tác quốc tế về xây dựng pháp luật ở cấp bộ, ngành, trung ương. Các chương trình, dự án, phi dự án góp phần quan trọng hoàn thiện thể chế, cải cách tư pháp, pháp luật Việt Nam.
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thích ứng nhanh với thực tiễn
Tuy nhiên, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật chất lượng một số đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chưa cao; vẫn còn tình trạng các dự án, dự thảo văn bản sau khi đã đưa vào chương trình nhưng phải xin lùi, rút điều chỉnh; Quy trình xây dựng pháp luật có nhiều đổi mới, tuy nhiên còn thiếu tính liên kết giữa khâu đề xuất, đánh giá tác động chính sách với khâu soạn thảo, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo luật, pháp lệnh; xây dựng pháp luật chưa gắn kết với tổ chức thi hành pháp luật; tình trạng nợ ban hành văn bản chưa được khắc phục triệt để, chất lượng một số văn bản chưa được như mong muốn, vẫn còn văn bản có nội dung trái pháp luật, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Tiếp tục thực hiện nghị quyết số Nghị quyết số 48-NQ/TW và Kết luận của Bộ Chính trị, theo Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật cần nghiên cứu xây dựng và thực hiện đồng bộ Chiến lược pháp luật Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật trên cơ sở các nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, bảo đảm chất lượng, đồng bộ, thống nhất, hiện đại, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, chi phí tuân thủ thấp, có sức cạnh tranh quốc tế, lấy quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thích ứng nhanh với những biến chuyển nhanh chóng của thực tiễn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhanh, bền vững. Đồng thời, đặc biệt chú trọng tới công tác tổ chức thi hành pháp luật; gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức thượng tôn pháp luật trong cán bộ, công chức, viên chức, người dân và toàn xã hội.