Theo báo cáo kết quả triển khai công tác an toàn thực phẩm năm 2024 tại hội nghị, căn cứ các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Quảng Ninh, Ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm (BCĐLNATTP) tỉnh đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ngay từ đầu năm.
Điển hình là chiến dịch truyền thông đã được các Sở, ngành, địa phương chủ động phối hợp với cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh, đẩy mạnh công tác tuyên truyền với các hình thức phong phú, đa dạng về các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm, đăng tải công khai đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý kịp thời các phản ánh của nhân dân về các hành vi vi phạm về ATTP trên các nền tảng truyền thông.
Tăng cường quản lý cơ sở sản xuất kinh doanh về thực phẩm có trọng tâm, trọng điểm, tập trung kiểm soát chặt chẽ các điều kiện bảo đảm ATTP, từ các cơ sở tập kết, tích trữ, bảo quản, trung chuyển thực phẩm, các phương tiện vận chuyển thực phẩm, nông, lâm, thủy sản từ bên ngoài vào địa phương tiêu thụ; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể trường học, kinh doanh thức ăn đường phố, khu du lịch, lễ hội. Xử lý, xử phạt nghiêm đối với tổ chức/cá nhân vi phạm pháp luật về ATTP và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.
Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh phát hiện và tạm giữ hơn 2.000 sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. |
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện được 184 buổi nói chuyện/Hội thảo với tổng số 14.110 người tham dự; 38 lớp tập huấn ATTP cho 2.855 học viên, 5.070 lượt phát thanh, 121 tin, bài, phóng sự, 25 buổi tọa đàm ATTP, 109 bài viết trên báo chí, 78 tin bài trên cổng thông tin, website của các đơn vị, 616 băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền, 5.335 tranh-áp phích, 39.879 tờ rơi, tờ gấp, 18 băng đĩa tuyên truyền.
Các đoàn kiểm tra từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn đã đồng loạt ra quân kiểm tra được 2.791 cơ sở, phát hiện 150 cơ sở vi phạm về ATTP (chiếm 5,4%), phạt tiền 150 cơ sở/tổng số tiền phạt: 488,6 triệu đồng. Tịch thu tiêu hủy sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng quá hạn sử dụng với giá trị 521,56 triệu đồng. Trong quá trình kiểm tra các đoàn thực hiện kiểm nghiệm 2.270 mẫu thực phẩm, phát hiện 46 mẫu không đạt (chiếm 2.03%). Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh chưa ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm tập thể lớn, không xảy ra dịch bệnh truyền qua thực phẩm.
Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh kiểm tra xử lý hàng hóa, thực phẩm vi phạm. |
Bên cạnh những thuận lợi cũng còn một số khó khăn, Quảng Ninh là tỉnh biên giới có nhiều cửa khẩu, địa hình miền núi phức tạp, hoạt động buôn bán, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh hàng giả, hàng kém chất lượng, trong đó có thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, nhiều cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố quy mô nhỏ lẻ, cá thể, hộ gia đình, không thực hiện được đầy đủ các quy định về ATTP.
Một số bộ phận người dân vẫn mua, bán và sử dụng thực phẩm theo thói quen, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Cán bộ làm công tác ATTP tại cấp xã không ổn định, kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm quản lý ATTP còn hạn chế.
Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh thu giữ và tiêu hủy gần 1 tấn cua cà ra không rõ nguồn gốc, xuất xứ. |
Về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, Trưởng Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm tỉnh Nguyễn Minh Tuấn nhấn mạnh: Thời gian tới, Ban chỉ đạo tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương nghiêm túc, thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP); xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân lơ là, thiếu trách nhiệm trong quản lý ATTP.
Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các cấp chính quyền địa phương, đối với công tác quản lý về ATTP, thực hiện thường xuyên, liên tục, cương quyết và xác định trách nhiệm đảm bảo an toàn thực phẩm là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.