Các biện pháp tư pháp được quy định tại Chương VI Bộ luật Hình sự (BLHS) gồm các điều: Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm (Điều 41 BLHS); Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại (khoản 1, khoản 2 Điều 42 BLHS) và Bắt buộc chữa bệnh (Điều 43 BLHS). Ngoài ra, có quy định về các biện pháp tư pháp áp dụng cho người chưa thành niên phạm tội.
Hình chỉ mang tính minh họa |
Tuy nhiên, trong số các biện pháp tư pháp do pháp luật quy định thì hầu như cơ quan tố tụng mới chỉ áp dụng biện pháp tịch thu tiền, tang vật; trả lại tài sản và bồi thường thiệt hại, bắt buộc chữa bệnh. Riêng biện pháp công khai xin lỗi người bị hại (khoản 2 Điều 42 BLHS) rất ít và hầu như không được áp dụng.
Tương tự là các biện pháp tư pháp áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội như giáo dục tại xã, phường, thị trấn hay đưa vào trường giáo dưỡng (Điều 70 BLHS) cũng chỉ là quy định mang tính hình thức do không được áp dụng hoặc nếu có tuyên áp dụng thì cũng không khả thi.
Về nguyên nhân một số biện pháp tư pháp bị “bỏ hoang”, theo các chuyên gia pháp lý là do các tội phạm cụ thể mà luật quy định buộc người phạm tội phải xin lỗi công khai còn ít. Một mặt là do người bị hại thường ít khi yêu cầu người phạm tội xin lỗi, luật không quy định rõ nên tòa không buộc tuyên bị cáo phải xin lỗi là lẽ đương nhiên.
Chưa kể, về thủ tục, quy trình thực hiện biện pháp xin lỗi cũng chưa cụ thể, nên không rõ sẽ thực hiện như thế nào?. Xin lỗi công khai nghĩa là xin lỗi công khai tại phiên tòa, tại địa phương hay trên các phương tiện thông tin đại chúng thì hiện nay cũng chưa có hướng dẫn rõ. Vậy nên tạm thời biện pháp bắt buộc xin lỗi ít được áp dụng.
Tương tự là biện pháp tư pháp đối với người chưa thành niên phạm tội ít được áp dụng, nguyên nhân là do những người tiến hành tố tụng chưa nhận thức đúng đắn về nguyên tắc xử lý, chưa hiểu đầy đủ về ý nghĩa, tác dụng cải tạo, giáo dục, định hình nhân cách của các biện pháp này đối với người chưa thành niên.
Chưa kể, biện pháp giáo dục người chưa thành niên tại xã, phường, thị trấn còn rất chung chung, mơ hồ. Người chưa thành niên vi phạm pháp luật hình sự đến mức nào thì phải áp dụng biện pháp giáo dục bắt buộc?. Cơ quan đoàn thể nào của cấp xã chịu trách nhiệm giáo dục?. Thời hạn giáo dục là bao lâu? Những vấn đề trên hiện nay cũng đang thiếu văn bản hướng dẫn thi hành các biện pháp này.
Thiết nghĩ, vấn đề các biện pháp tư pháp bị “bỏ hoang” cũng cần được cân nhắc trong lần sửa đổi Bộ luật hình sự tới đây. Một mặt, liên ngành tố tụng Trung ương cũng cần có hướng dẫn cụ thể hơn để pháp luật thực sự đi vào cuộc sống.
P.Đ.