Vào ngày 26/4, Đại học Hồ Bắc cho biết sẽ điều tra Lương Chấn Bình, một giáo sư ngôn ngữ và văn học, vì đã đăng tải trên mạng xã hội ủng hộ nhà văn Phương Phương.
Sau đó, ngày 30/4, Đại học Hải Nam đã đưa ra một thông báo tương tự liên quan đến một trong những giáo viên đã nghỉ hưu, Vương Chiêu Nghị. Thông báo không nêu rõ hành vi, nhưng được đưa ra sau khi nhà văn Phương Phương đăng lại một trong những tweet của Vương về giáo sư Lương.
Không chỉ người Trung Quốc trong nước phản ứng với “Nhật ký Vũ Hán”, mà nhà văn Phương Phương còn bị cộng đồng người Hoa ở nước ngoài bày tỏ thái độ khó chịu.
Một nhóm WeChat dành cho người Trung Quốc sống ở Hoa Kỳ đã đóng cửa vào tháng 3 sau khi các thành viên của nhóm chia rẽ sâu sắc. Những người ủng hộ Phương Phương gọi người phê bình cô là “những kẻ ngốc đã bị tẩy não”, trong khi những người ở phê bình cô gọi những người ủng hộ là “kẻ phản bội”.
Không thiếu những cuộc tranh luận trực tuyến về vấn đề này ở Trung Quốc, với hashtag Fang Fang (Phương Phương) trên Weibo - dịch vụ giống Twitter của Trung Quốc - nhận được khoảng 940 triệu lượt xem và 276.000 bình luận. Hầu hết bày tỏ thái độ không đồng tình với nhà văn.
Không chỉ Phương Phương bị phản ứng, mà Michael Berry, người đã dịch cuốn sách sang tiếng Anh - phiên bản dự kiến sẽ được xuất bản vào tháng tới - cũng bị “ném đá” dữ dội.
Trong phần giới thiệu về “Nhật ký Vũ Hán”, cửa hàng sách trực tuyến Amazon cho rằng Phương Phương đã lên tiếng chống lại sự bất công xã hội, lạm dụng quyền lực và các vấn đề khác cản trở phản ứng của Trung Quốc đối với sự bùng phát của dịch COVID-19, đồng thời ca ngợi sự can đảm, kiên cường và kiên trì của 9 triệu cư dân Vũ Hán.
Ấn phẩm Nhật ký Vũ Hán của nhà văn Trung Quốc Phương Phương về những ngày đầu phong tỏa tại tâm dịch COVID-19 Vũ Hán |
Trong câu chuyện tranh cãi về “Nhật ký Vũ Hán”, tinh thần dân tộc của người Trung Quốc nhiều lần được nhắc tới, dù có lúc được phê phán là khá cực đoan.
Vương Hạo Tiên, sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp một trường đại học Mỹ và là cựu thành viên của nhóm WeChat đã tan rã vào tháng 3, ban đầu ca ngợi bài viết của Phương, coi là như một phóng viên chiến trường làm việc ở tuyến đầu.
Thế nhưng người này đã thay đổi lập trường sau khi bà chỉ trích chính phủ và ví những người phê bình bà như các “Hồng vệ binh” trong Cách mạng Văn hóa. Vương nói rằng anh đã bất mãn sau khi tìm thấy những điều không chính xác trong cuốn sách của Phương Phương, và thấy rằng bà dự định xuất bản nó ra nước ngoài.
“Ngay bây giờ, tôi không còn ủng hộ “Nhật ký Vũ Hán” của Phương Phương và ấn phẩm của nó, nhưng tôi nghĩ rằng viết và xuất bản nó là quyền tự do của cô ấy”, anh nói.
Vương đã chuyển tới Mỹ từ năm 2017. Khi còn là một sinh viên ở Trung Quốc, Vương đã từng chỉ trích chính phủ Trung Quốc và coi Mỹ là nơi tự do và dân chủ. Nhưng anh cho biết, anh đã dần nhận thức được những sai sót trong hệ thống của Hoa Kỳ và sự thay đổi cảm xúc của anh ấy đối với vấn đề của Phương Phương là do anh ấy thấy những thông tin sai lệch của bà về Trung Quốc.
“Tôi đã từng nhìn nhận Trung Quốc một cách tiêu cực bởi vì rất nhiều sách báo tôi đọc đã chỉ trích Trung Quốc độc đoán và đàn áp tự do ngôn luận. Nhưng sau khi tôi đến Mỹ, tôi cảm thấy hầu như tất cả các bình luận về Trung Quốc đều tiêu cực, vì vậy tôi cảm thấy có điều gì đó không ổn”, anh nói.
“Tôi có thể hiểu làm thế nào mọi người có thể có ý kiến khác nhau về lập trường của Trung Quốc về các vấn đề như tự do tôn giáo, dân tộc thiểu số, Hồng Kông và Đài Loan. Nhưng ở phương Tây, không có phương tiện truyền thông nào có thể nói gì về Trung Quốc và các chính sách của họ”, Vương nói.
Chu Chân, sinh viên một trường đại học ở bang Minnesota, cho biết cô cũng có trải nghiệm tương tự, và đã mệt mỏi khi tranh cãi với các bạn cùng lớp về các vấn đề Trung Quốc. “Nhật ký của Phương Phương gây hại nhiều hơn là lợi cho Trung Quốc”, cô nói.
Cô nói rằng thật thiếu tôn trọng đất nước khi xuất bản cuốn nhật ký ở nước ngoài: “Chúng ta nên luôn luôn đặt lợi ích của quốc gia lên trên quyền tự do ngôn luận của chúng ta.”
Nhiều người ở Trung Quốc cũng cảm thấy như vậy. Có những người cho rằng “Nhật ký Vũ Hán “ của Phương Phương là “một tuyên bố của kẻ phản bội”, cung cấp bằng chứng cho các nước phương Tây buộc tội Trung Quốc về xử lý dịch bệnh.
Một số khác cho rằng mọi người nên được phép chỉ trích chính phủ nhưng chỉ trong những thời điểm thích hợp, mà thời điểm cả nước chống dịch và các nước phương Tây đang chĩa mũi nhọn vào Trung Quốc thì việc xuất bản “Nhật ký Vũ Hán” là không phù hợp.
Phương Phương - một nhà văn Trung Quốc từng đoạt giải thưởng - đã xuất bản một cuốn nhật ký trực tuyến về cuộc sống của cô ở Vũ Hán trong phong tỏa do virus corona chủng mới lây lan, tựa đề “Nhật ký Vũ Hán”.
Nhật ký bắt đầu vào ngày 25/1, chỉ 2 ngày sau khi Vũ Hán bị phong tỏa. Trong đó, bà mô tả những khó khăn của cuộc sống trong kiểm dịch, cũng như sự lây lan của căn bệnh và cách nó tàn phá, lấy đi sự sống và phá vỡ gia đình và nhà cửa.
Nhật ký của bà nhanh chóng thu hút một lượng lớn người theo dõi nhưng bà cũng bị chỉ trích nặng nề. Bên cạnh những nghi vấn về tính xác thực của thông tin, nhiều ý kiến buộc tội như cô đã phản bội đất nước của mình và cố gắng khuấy động rắc rối bằng cách đưa ra những lời chỉ trích Trung Quốc để giúp phương Tây tấn công Trung Quốc.