4 chữ “thật” Người căn dặn
Trong Di chúc, trước khi đề cập đến 4 chữ “thật” mà mỗi cán bộ, đảng viên phải phấn đấu, Bác khẳng định: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền”. “Tại sao Bác lại nói đến vấn đề này đầu tiên? Có lẽ đây là nỗi trăn trở lớn của Người về sứ mệnh của Đảng cầm quyền, bởi khi đã là Đảng cầm quyền thì Đảng phải thật sự xứng đáng với vị trí và vai trò của mình” - PGS.TS Nguyễn Mạnh Tường, giảng viên cao cấp thuộc Bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh (Khoa Lý luận chính trị, Trường Đại học Luật Hà Nội) chia sẻ.
Cũng bởi “Đảng ta là một Đảng cầm quyền” nên mọi sự đúng sai của Đảng, mọi tiêu cực của cán bộ, đảng viên không chỉ giới hạn trong nội bộ Đảng mà còn tác động tới toàn xã hội. Mọi việc thành công hay thất bại đều liên quan đến việc cán bộ, đảng viên có gắn bó với dân hay không. Do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn mong muốn mọi cán bộ, đảng viên phải thật sự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, phải nêu gương trước quần chúng nhân dân, bởi “một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn, tuyên truyền”.
Trong Di chúc, Người viết: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”. Theo PGS.TS Tường, khi căn dặn điều này Bác rất trăn trở về việc nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Cái gì người dân chưa làm được thì cán bộ, đảng viên phải làm trước. Tuy không nói rõ từ “nêu gương”, nhưng Bác yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, phải cần, kiệm, liêm, chính... tất cả điều đó chính là yêu cầu của việc nêu gương. Phẩm chất đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên là cần, kiệm, liêm, chính - đó là “tứ đức” cho mỗi con người chứ không phải cho tập thể, nhưng nếu mỗi cá nhân có được “tứ đức” thì tập thể cũng sẽ có những đức tính tốt này.
Bản Di chúc viết tay của Hồ Chủ tịch. |
GS.TS Hoàng Chí Bảo (chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương) cũng cho rằng, với cán bộ, đảng viên, Bác luôn nhấn mạnh đạo đức phải là hàng đầu, là gốc. Người cũng tỏ rõ thái độ kiên quyết đạt bằng được mẫu mực lý tưởng đó và cũng để khẳng định vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên trước nhân dân; nhất là những cán bộ có chức quyền, giữ trọng trách. “
Nó cũng tỏ rõ sự nhất quán giữa nói và làm, giữa nhận thức và hành động. Đảng muốn là một Đảng chân chính cách mạng thì phải thực hiện cho bằng được 4 chữ “thật” này” - GS.TS Hoàng Chí Bảo khẳng định.
Cán bộ, đảng viên phải làm gương
Trong quan hệ với nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Như vậy, theo Bác, vai trò của cán bộ, đảng viên không chỉ gần gũi, gắn bó với quần chúng mà còn phải nỗ lực không ngừng để nâng cao trình độ chuyên môn. Muốn làm được điều đó, phải xây dựng con người toàn diện, đức - tài phải luôn đi đôi với nhau.
“Đầu tiên anh phải có khả năng để hướng dẫn nhân dân, vừa hướng dẫn vừa thuyết phục để nhân dân nghe theo. Nếu hướng dẫn thuyết phục chưa được thì phải làm cho dân xem - tức là làm mẫu; làm mẫu chưa được thì bản thân anh phải làm để cho ra kết quả.
Giống như những đảng viên, những cựu chiến binh về quê hương trồng rừng hoặc tổ chức xây dựng các khu nông nghiệp sạch công nghệ cao - tức là khi các cán bộ, đảng viên làm ra có kết quả thì người dân sẽ nhìn vào đó để noi theo... Đảng hiển hiện trong mỗi việc làm cụ thể của từng cán bộ, đảng viên, rất giản dị và gần gũi chứ không cao siêu. Với Hồ Chí Minh, điều gần gũi, giản dị là tấm gương và sự thuyết phục cao nhất đối với mọi người” - PGS.TS Nguyễn Mạnh Tường nói.
Vẫn theo PGS.TS Tường, những năm vừa qua, sự biến đổi của tư tưởng đang có dấu hiệu trong đời sống xã hội đó là “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”... mà nếu Đảng không thật sự xứng đáng là người lãnh đạo, tạo được niềm tin và xây dựng, củng cố được niềm tin trong nhân dân thì khó có thể nói trước được điều gì.
Trên thực tế đã xảy ra không ít vụ tiêu cực, tham nhũng nghiêm trọng. Cán bộ ở Trung ương thì vi phạm pháp luật đến mức xử lý hình sự, xuống đến nông dân thì tình trạng “rau hai luống, lợn hai chuồng”; rồi thực phẩm bẩn tuồn vào trường học, bếp ăn tập thể; chuyện học trò đánh nhau, thầy cô thế này thế kia... Toàn là những vấn đề nóng, nói lên sự suy thoái về đạo đức đang tràn ngập từ ngoài xã hội cho đến gia đình, nhà trường. Tất cả những điều này nói lên rằng cần phải trở lại với tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, mà đối tượng đầu tiên các cán bộ, đảng viên.
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của mỗi cán bộ, đảng viên trong việc nêu gương nên tại Di chúc, hai lần Chủ tịch Hồ Chí Minh lặp lại cụm từ “xứng đáng”: “Phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”; “góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Tường, hai chữ “xứng đáng” mà Bác nhắc đến là muốn nâng chữ “thật” lên tầm cao hơn để Đảng đáp ứng được nhu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Nhất là giai đoạn hiện nay, những lời căn dặn của Bác vẫn vẹn nguyên giá trị thời đại khi chúng ta đang đẩy mạnh việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kiên quyết đấu tranh chống lãng phí, quan liêu, tham nhũng, thoái hóa đạo đức, lối sống, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng.
“Nếu Đảng không chống được những điều này trong nội bộ ở nước ta thì Đảng cũng không có khả năng chống những điều này ở phong trào vô sản thế giới. Điều này nói đến vai trò của Đảng trong việc góp phần vào sự nghiệp cách mạng thế giới, đưa phong trào cách mạng đến kết quả. Trước kia Người từng nói: “Tôi rất buồn khi Đảng anh em có bất hòa”, nhưng vì Người chưa làm được nên mong muốn Đảng Cộng sản Việt Nam phải hoàn thiện mình, tức là xứng đáng không chỉ đối với mình, đối với cách mạng, với nhân dân mà sau đó là với phong trào cách mạng thế giới” - ông Nguyễn Mạnh Tường nhận định.
Như vậy, muốn xây dựng được niềm tin và sự đồng thuận trong xã hội thì Đảng phải thật sự làm gương trong lời nói và việc làm của mỗi cán bộ, đảng viên; phải kiên quyết đấu tranh chống thoái hóa, biến chất. Đồng thời, đạo đức cách mạng phải được coi là “vũ khí sắc bén” trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, thoái hóa ngay trong nội bộ Đảng.
Và, khi Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh thì Đảng không chỉ xứng đáng với vai trò của người lãnh đạo, mà còn xứng đáng trong việc góp phần vào sự nghiệp cách mạng thế giới. (Còn tiếp)
“Khi đã là Đảng cầm quyền thì Đảng không chỉ có tài, có đức, được người dân ủng hộ mà phải có nghệ thuật gần gũi với nhân dân, có khả năng huy động, quy tập được sức mạnh của nhân dân...
Đó là điều để Đảng xứng đáng là người lãnh đạo. Đảng không chỉ trong sạch, vững mạnh, mà còn dự báo được những vấn đề lớn có thể xảy ra để đối phó. Theo tinh thần của Di chúc Bác để lại thì Đảng phải tiếp cận đến các vấn đề lớn của thế giới và giải quyết vấn đề hòa bình của thế giới”.
(PGS.TS Nguyễn Mạnh Tường, giảng viên cao cấp thuộc Bộ môn tư tưởng Hồ Chí Minh - Khoa Lý luận chính trị, Trường Đại học Luật Hà Nội)