Nỗ lực để được bay thẳng thường lệ tới Mỹ
Mới đây, hãng hàng không Bamboo Airways vừa thực hiện chuyến bay thẳng đầu tiên sang Mỹ. Tuy nhiên, đây là bay thẳng thuê chuyến chứ không phải là bay thường lệ. Chuyến bay thuê chuyến này sau khi thực hiện xong, muốn bay tiếp chuyến khác thì lại phải làm thủ tục xin phép cơ quan chức năng phía Mỹ lại từ đầu, khác với bay thường lệ thương mại được thực hiện đều đặn theo lịch bay mà hãng hàng không đã công bố, không hạn chế mọi đối tượng hành khách và mở bán vé rộng rãi tại website, ứng dụng di động.
Hiện nay, cả Bamboo Airways và Vietnam Airlines đều đang gấp rút thực hiện các thủ tục cần thiết để được cơ quan chức năng Mỹ cấp phép bay thường lệ. Cụ thể, Bamboo Airways vừa tuyên bố hợp tác với một doanh nghiệp Mỹ có tên là AVIAREPS AG.
Theo đó, đơn vị này sẽ hỗ trợ Bamboo Airways trong các vấn đề thủ tục, chính sách với chính quyền sở tại đối với dịch vụ vận tải hàng không của hãng; thúc đẩy bán hàng và các hoạt động marketing, nghiên cứu thị trường; phối hợp quản lý chính sách dịch vụ khách hàng, chăm sóc khách hàng và khai thác chuyến bay tại Mỹ…
“Nếu điều kiện cho phép, đường bay thẳng thương mại Việt - Mỹ sẽ đi vào khai thác từ đầu năm 2022, tần suất khởi đầu là 3 chuyến/tuần”, đại diện Bamboo Airways cho hay.
Trong khi đó, đại diện Vietnam Airlines cho biết, vừa chính thức hoàn thành toàn bộ tài liệu và công tác chuẩn bị để Cục An ninh Vận tải Mỹ (TSA) xem xét phê chuẩn, trên cơ sở đó Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) sẽ cấp phép cho hãng khai thác các chuyến bay thẳng thường lệ giữa Việt Nam và Mỹ.
“Vietnam Airlines đã hoàn tất mọi thủ tục mà phía hãng hàng không cần chuẩn bị để đáp ứng điều kiện được nhà chức trách Hoa Kỳ cấp phép bay thẳng thường lệ. Trong đó, việc đáp ứng các yêu cầu về công tác bảo đảm an ninh của TSA là bước cuối cùng và quan trọng nhất”, đại diện Vietnam Airlines thông tin.
Đâu là “chướng ngại vật”?
Việc bay thẳng tới Mỹ gặp nhiều khó khăn là nhận định chung của nhiều chuyên gia vận tải hàng không. Ngoài việc phải sở hữu loại máy bay thân rộng, tiên tiến đáp ứng đủ các yêu cầu kỹ thuật cao thì hãng bay phải thực hiện một “rừng” thủ tục với cơ quan chức năng Mỹ. Ngoài ra, việc bay thẳng sang Mỹ có lãi hay sẽ lỗ cũng là vấn đề cần tính toán đối vối doanh nghiệp.
Ông Dương Trí Thành |
Ông Dương Trí Thành - nguyên Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho hay, các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Phillipines, Singapore, Indonesia từng có hãng hàng không bay thẳng sang Mỹ. Tuy nhiên, hiện chỉ còn Singapore Airlines và Phillippines duy trì được, còn lại hầu hết các hãng phải dừng lại, chọn hướng bay nối chuyến qua các điểm trung chuyển.
Cũng theo ông Thành, trước đây tại Việt Nam, đã có hai hãng hàng không Mỹ bay thẳng đến Tân Sơn Nhất, nhưng sau đó đã phải dừng bay do tiền thu về không được như mong muốn trong khi chi phí bay thẳng rất lớn. “Ngoài khó khăn về mặt kỹ thuật, an toàn bay, “chướng ngại vật” rất lớn ở đây là bài toán cạnh tranh với các hãng khác để đảm bảo doanh thu”, ông Thành nhấn mạnh.
Cũng theo ông Dương Trí Thành, thị trường hàng không tuyến Việt Nam đi Mỹ đang cạnh tranh tương đối khốc liệt. Nếu bay thẳng không dừng từ TP Hồ Chí Minh đến đến Los Angeles mất khoảng 18 tiếng. Trong khi đó, nếu khách bay nối chuyến qua Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc cũng chỉ mất khoảng 22 tiếng, trong khi giá rẻ hơn. Như vậy, việc thu hút khách bay thẳng không phải điều dễ.
Ông Bùi Doãn Nề - Phó Chủ tịch Hiệp hội hàng không Việt Nam cho biết, nếu được cấp phép bay thẳng sang Mỹ thì đó là sự thành công của ngành Hàng không Việt Nam. Tuy nhiên, việc bay thẳng thương mại có duy trì được lâu không, ổn định không thì chưa thể biết trước.
“Bay thẳng sẽ phải cạnh tranh quyết liệt với dạng bay nối chuyến”, ông Nề nói và cho biết, việc ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ làm ăn với nhau khiến nhu cầu đi lại của giới thương nhân ngày càng nhiều sẽ là cơ hội cho hãng hàng không được phép bay thẳng. Theo ông Nề, các hãng bay nên chú trọng vào đối tượng hành khách là thương nhân hơn là giới Việt kiều hay du học sinh ở Mỹ vì khả năng kinh tế khác nhau.
Được biết, hiện nay Việt kiều ở Mỹ có trên 2,2 triệu người. Ngoài ra, số người Việt Nam sinh sống và làm việc ở Mỹ cũng khoảng hơn 1,3 triệu người.