Câu chuyện ai đạo nhạc ai của “Ra ngõ tụng kinh” - Hà Trần và “Princess of China” - nhóm Coldplay đã nối dài thêm những nghi án đạo nhạc giữa ca khúc Việt Nam - nước ngoài vốn đã chưa ngã ngũ một thời gian dài. Vì vậy, câu hỏi đặt ra vẫn là đạo nhạc hay tương tác âm nhạc trong quá trình giao lưu văn hóa, và giải bài toán tác quyền như thế nào?.
Ai đạo nhạc ai? |
Bị oan vì... thói quen xấu
Khi những nét tương đồng của “Ra ngõ tụng kinh” - Hà Trần và “Princess of China” - Coldplay được nêu ra, phản ứng đầu tiên của dự luận nước ngoài là đặt ra vấn đề về đạo nhạc của ca khúc Việt Nam đối với ca khúc nước ngoài. Sự việc này làm người ta nhớ lại cách đây ít lâu, xuất hiện một số ca khúc ở Trung Quốc, Lào và Thái Lan có mức độ tương đồng rất đáng kể về phần nhạc với ca khúc “Vầng trăng khóc” của nhạc sĩ (NS) Nguyễn Văn Chung.
Tuy nhiên, dư luận các nước này đã chỉ trích, ca khúc “Vầng trăng khóc” đã “đạo” nhạc của NS nước họ, và ngay cả dự luận trong nước cũng nghiêng về giả thiết này, cho đến khi sự thực được minh chứng, trong chuyến viếng thăm văn phòng của Liên minh Quốc tế các Hiệp hội tác giả nhạc và lời thế giới (CISAC) đặt tại Singapore. Theo đó, tổ chức này đã xác nhận Nguyễn Văn Chung là tác giả của ca khúc “Vầng trăng khóc”, các phiên bản tiếng Thái, Trung Quốc... mới là sản phẩm “đạo”. Trước đó, khi bài hát “Kiếp đỏ đen” của NS Duy Mạnh xuất hiện “phiên bản” tại Campuchia, ngay cả dư luận trong nước cũng có lúc đặt vấn đề, phải chăng Duy Mạnh “đạo” ca khúc Campuchia. Và gần đây nhất là “Mùa băng giá” của NS Khánh Trung, tiếp tục tương đồng 100% với ca khúc Campuchia, cũng bị dư luận nghi ngờ là “ăn cắp”, trong khi anh đã trưng ra các bằng chứng cho thấy ca khúc của mình xuất hiện trước.
Tuy nhiên, những phản ứng như trên hoàn toàn không phải là vô lý, khi mà hiện tượng ca khúc Việt Nam bị nước ngoài “đạo” thì hiếm hoi, mà hiện tượng NS nước ta “đạo” ca khúc của nhau, “đạo” của nước bạn thì rất phổ biến và bị lên án trong một thời gian dài. Hiện tượng “đạo” nhạc của nước ngoài không chỉ nằm ở phạm vi đoạn nhạc, bản hòa âm, phối khí mà còn mở rộng ra đạo về ý tưởng album, hình ảnh, nội dung clip…
Đơn cử trường hợp bị cho là “đạo” đình đám của ca sĩ CaoThái Sơn với video ca nhạc “Người ở lại” bị báo chí và dư luận Hàn Quốc chỉ trích tơi bời vì quá giống “Come back to me 2” của Sev7n phát hành từ năm 2006, cả về nội dung clip, ý tưởng, trang phục, hình ảnh… Trước đó là hàng loạt các câu hỏi về “đạo”, “nhái” đặt ra cho các ca sĩ Bảo Thy (Thiên thần trong truyện tranh, Bước trong mưa…), Hồ Quỳnh Hương (album Diamond Nor), Ưng Hoàng Phúc (video ca nhạc Chuyện đó đâu ai ngờ), Thùy Chi (Xe đạp)…
Danh sách các nhạc sĩ, ca sĩ “dính” nghi án đạo nhạc còn khá dài, và hiện tượng “đạo”,”nhái” trong âm nhạc vẫn tiếp diễn ngang nhiên. Đó chính là lý do tại sao mà cứ khi xảy ra sự việc liên quan đến “tương đồng” trong các ca khúc, clip giữa Việt Nam và nước ngoài thì đối tượng bị phản ứng đầu tiên là nhạc sĩ, ca sĩ Việt Nam
Lời giải nào cho sự “vay mượn”?
Trong sự việc giữa Trần Thu Hà và Coldplay, đến giờ, sự việc vẫn chưa có lời giải cuối cùng “ai đạo nhạc ai”, hay cả hai cùng “đạo” từ đoạn nhạc mẫu của một nhóm nhạc khác. Rõ ràng, việc xác định có “đạo” hay không trong âm nhạc là một điều hết sức khó khăn, cần phải qua thời gian lâu dài và quá trình thẩm định tương đối. Hiếm có trường hợp “đạo” nào bị kiện đến cùng, làm rõ sự việc. Chính vì vậy, việc “đạo” trong âm nhạc ngày càng ngang nhiên hơn, và hầu hết các đối tượng bị chỉ trích trong các “nghi án ăn cắp” này đều có nhiều lý do để giải thích cho mình mà phổ biến nhất là “vay mượn về văn hóa”, “do yêu thích nên bị ảnh hưởng mà không biết”, hoặc “trùng hợp về ý tưởng sáng tạo”.
Cao Thái Sơn trước phản ứng của công chúng chọn cách làm lơ không biết Seve7n là ai, cũng như cho rằng mình bị động và ê kíp làm clip mới là người “ăn cắp ý tưởng”. Ưng Hoàng Phúc thì đưa ra lời giải thích cổ điển là “tham khảo ý tưởng”; Bảo Thy thì “yêu thích ca khúc nước ngoài nên sử dụng tạm, sau đó sẽ mua bản quyền”; Vũ Hà thì “chỉ cover”, còn Xe đạp của Thùy Chi thì vẫn rơi vào cuộc tranh cãi trên các diễn đàn, rằng ca khúc này “ăn cắp hay làm mới”?...
Có thể thấy, dù bị dư luận chĩa mũi dùi mạnh mẽ, nhưng ít ai có thể đứng ra khẳng định ca sĩ, nhạc sĩ này, kia “đạo” hay không “đạo”, và dù có “đạo” thực đi nữa thì cũng chưa có chuyện gì xảy ra đối với họ. Thế nên Bảo Thy “mượn” hết bài hát nước ngoài này đến bài khác mà vẫn bình chân như vại trước phản ứng của công chúng, Vũ Hà, Cao Thái Sơn, Ưng Hoàng Phúc vẫn bán đĩa vèo vèo, thậm chí còn nổi hơn mặc dù bị cho là “đạo”…
Xác định bản quyền thực sự thuộc về ai là khâu khó khăn nhất
Về vấn đề này, NS Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho rằng: “Câu chuyện giữa đoạn nhạc bài hát của Trần Thu Hà và nhóm Coldplay chỉ là một phần của câu chuyện vi phạm bản quyền âm nhạc đã trở nên phổ biến và kéo dài 4, 5 năm nay. Nếu làm rõ được, ai đạo nhạc của ai thì Trung tâm, và phía các nhạc quản lý âm nhạc trong nước hoàn toàn có thể đứng ra để bảo vệ quyền lợi cho nhạc sĩ, ca sĩ. Tuy nhiên, xác định bản quyền thực sự thuộc về ai mới là khâu khó khăn nhất, ngay cả đối với việc “đạo” lẫn nhau trong nước đã khó, nói gì đến yếu tố trong nước – ngoài nước. Để sự việc được đưa ra ánh sáng, tìm ra tác giả thật trong một sự việc “đạo” nhạc là cả một quá trình, mất nhiều thời gian và khá khó khăn. Điều còn thiếu của chúng ta hiện nay, là một hội đồng thẩm định và lập ra những tiêu chí thế nào là đạo nhạc, giống bao nhiêu phần trăm thì xâm phạm”... |
Ngọc Mai