Nhà thờ gỗ - báu vật giữa đại ngàn Tây Nguyên

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nhà thờ Gỗ Chính tòa Kon Tum – báu vật nằm giữa núi rừng Tây Nguyên đại ngàn là một công trình kiến trúc tôn giáo rất độc đáo. Với tuổi đời hơn trăm năm, Nhà thờ Gỗ là công trình kiệt tác bằng gỗ mang phong cách Basilica duy nhất còn lại trên thế giới.
Nhà thờ Gỗ - báu vật giữa đại ngàn Tây Nguyên.

Nhà thờ Gỗ - báu vật giữa đại ngàn Tây Nguyên.

Ngôi thánh đường độc nhất vô nhị

Vào những năm giữa thế kỉ 19, có một con đường dài 120 km tên gọi là con đường “Muối, gốm sứ và cồng chiêng” từ Quảng Ngãi lên KonTum. Con đường này hẻo lánh, hoang vu, gập ghềnh từ ngã ba Thạch Trụ, Quảng Ngãi qua Ba Tơ, đèo Violắc là con đường buôn muối, gốm sứ và cồng chiêng hoặc các vật dụng giao thương giữa người Kinh và người dân tộc trong khu vực. Khi đó những người truyền giáo Pháp cũng đã theo con đường này để bắt đầu công cuộc truyền giáo của mình và bắt đầu xây dựng các nhà thờ bằng gỗ hoặc tre, tranh nhỏ để truyền đạo. Ngôi nhà thờ đầu tiên được xây dựng vào năm 1870. Cho đến khi bắt đầu đông giáo dân, linh mục Giuse Decrouille được giao cai quản xứ đạo Kon Tum.

Theo sử liệu, nhà thờ Gỗ Kon Tum được vị linh mục Décrouille chủ trì khởi công vào trung tuần tháng 3 năm 1913 và hoàn thành vào năm 1918. Thời điểm đó, Giám mục Constant Jeanningros, Giám mục phó Giáo phận Đông Đàng đã làm phép khu đất và khởi công xây dựng nhà thờ.

Nằm bên dòng sông Đăk Bla trong xanh, thơ mộng, thành phố Kon Tum luôn là điểm đến của nhiều du khách thích khám phá những nét hoang sơ, hùng vĩ của rừng xanh đại ngàn và những nét cổ kính của những ngôi nhà sàn của đồng bào Ba Na trong đó có nhà thờ niên đại hơn 100 tuổi.

Từ xa du khách sẽ thấy tháp chuông nhà thờ gỗ với màu nâu trầm mặc cao sừng sững vươn lên nền trời xanh. Nhà thờ Chánh tòa được người dân nơi đây gọi thân mật là Nhà thờ Gỗ bởi công trình độc đáo này được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ cà chít (sến đỏ), một loại gỗ quý có nhiều ở vùng rừng núi Tây Nguyên. Toàn bộ các kết cấu từ cột, kèo, cho đến sàn nhà đều làm bằng gỗ và được kết dính với nhau bằng mộng mà không hề sử dụng đinh. Trần, tường và vách được trát bằng loại vật liệu đất trộn rơm theo kiểu nhà truyền thống của người miền Trung Việt Nam, tuyệt đối không hề có chút bê tông cốt thép hay vôi vữa nào.

Trong bản tường trình gửi Hội Thừa sai Paris năm 1913, tức ngay lúc mới khởi công xây dựng nhà thờ, Giám mục Đại diện Tông tòa xứ Đông Đàng Trong Grangeon đã viết như sau: “Không thể dùng đá cũng như gạch để xây dựng, chỉ có dùng gỗ mới xây dựng được với chất lượng cao và kiến trúc sư cho biết ngôi nhà thờ trên xứ Ba Na này có dáng dấp ngôi thánh đường chánh tòa”.

Nhà thờ gỗ Kon Tum là một kiệt tác bởi được thiết kế theo kiến trúc Romantic, phối hợp hài hoà kiểu nhà sàn của người Ba Na nên đậm sắc thái văn hóa, tín ngưỡng người dân cao nguyên từ những đường nét họa tiết đến những điểm nhấn trên chất liệu.

Nhà thờ có diện tích sử dụng hơn 700m2 với nội thất được trang trí hoàn toàn bằng các loại gỗ quý chạm trổ hết sức công phu. Mặt tiền nhà thờ được chia thành bốn tầng cao 24 mét, gồm bốn cột chính và hai cột phụ nối kết với nhau thành những vòng cung nâng toàn khối nhà thờ với kích thước nhỏ dần khi lên cao, lưng chừng tháp là bốn ô cửa sổ kính màu hình tròn với nhiều thanh gỗ cong đồng tâm được sắp xếp một cách hoàn hảo tạo cho cửa sổ mang dáng dấp một con mắt nơi chính diện của nhà thờ. Trên đỉnh tháp là cây thánh giá bằng gỗ quý cao vút, thể hiện sự uy nghiêm và vĩnh cửu của ngôi thánh đường.

Đặc biệt, hệ thống kèo gỗ hình vòm và các hàng cột nhỏ bên trên được kết nối tinh vi, liền mạch một cách duyên dáng và mềm mại khiến cho phần thượng tầng của gian thánh đường càng trở nên nguy nga, lộng lẫy.

Bên trong thánh đường có nhiều khung cửa kính màu vẽ lại các điển tích trong kinh thánh, các khung cửa này vừa có tác dụng lấy ánh sáng trời tự nhiên, vừa tạo thêm vẻ rực rỡ tráng lệ cho ngôi giáo đường. Nếu đứng ở bên ngoài thì khó hình dung ra người xưa đã vẽ gì trên bức tranh kính ấy. Nhưng vào bên trong, qua sự phản chiếu lấp lánh của ánh nắng, các bức tranh hiện lên rực rỡ và tuyệt đẹp về Chúa, Đức Mẹ… Ngoài ra còn có bức tranh với hình ảnh về cuộc sống đầy sinh động: buôn làng, nhà rông, voi kéo gỗ, sông suối, đại ngàn hùng vĩ với đủ sắc màu... Hệ thống cột gỗ, rui mè trong nhà thờ tuy không chạm khắc tỉ mỉ, công phu nhưng chính những hoa văn với những đường nét mạnh mẽ, phóng khoáng đã thể hiện được cái khí chất của đồng bào bản địa Tây Nguyên.

Cung thánh được thiết kế như một sân khấu nổi hình vòm lộng lẫy tạo cảm giác trang nghiêm và cao cả của chốn linh thiêng. Sàn nhà thờ được lát hoàn toàn bằng gỗ và cách mặt đất khoảng 1m.

Cung thánh được thiết kế lộng lẫy, uy nghiêm.

Cung thánh được thiết kế lộng lẫy, uy nghiêm.

Nhà thờ chính tòa xưa.

Nhà thờ chính tòa xưa.

Tay nghề bậc thầy của các nghệ nhân xưa

Khu hoa viên của nhà thờ có bức tượng Đức Mẹ hai tay nâng bế Chúa Hài Đồng được làm từ một thân gỗ nguyên sơ, tạc theo phong cách mộc mạc của các dân tộc Tây Nguyên. Chiếc thánh giá và các tượng trang trí bên ngoài lẫn bên trong nhà thờ như các con chiên, các tượng thánh bằng gốc rễ cây rừng làm không gian mang đậm màu sắc đại ngàn. Có thể nói, mọi chi tiết thiết kế, chạm trổ, trang trí, phối màu... của ngôi nhà thờ đều vô cùng tinh xảo, chứng tỏ trình độ tay nghề bậc thầy của các nghệ nhân xưa.

Trong khuôn viên có đặt tượng Đức Cha Martial Jannin Phước – vị Giám mục đầu tiên tại Kon Tum. Đây là một vị giám mục người Pháp, ông đã có công lớn trong việc truyền đạo và thiết lập Giáo phận Tông Tòa Kon Tum.

Quá trình xây dựng nhà thờ trải qua nhiều gian nan vất vả, thậm chí có lúc bị đình trệ do đúng vào thời điểm Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất nổ ra. Trước đó người ta cũng đã phải mất tới 3 năm để chuẩn bị, bắt đầu bằng việc thuê thợ giỏi vào rừng đốn gỗ rồi dùng voi kéo về, sau lại cho người về xuôi đến các vùng như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định... tìm thợ giỏi lên để xây dựng.

Nhà thờ là một công trình khép kín gồm: giáo đường, nhà tiếp khách, nhà trưng bày các sản phẩm dân tộc và tôn giáo, nhà rông. Ngoài ra còn có cô nhi viện, cơ sở may, dệt thổ cẩm, cơ sở mộc.

Nói về vẻ đẹp của ngôi thánh đường này, Đức Giám mục Jeanningros, người làm phép khánh thành nhà thờ Gỗ Kon Tum, trong thư gửi Hội Thừa sai Paris năm 1918 có đoạn viết: “Đây là một tòa nhà rộng rãi và quý giá, được xây dựng bằng danh mộc… thay thế cho nhà thờ bằng tranh nứa xưa đã bị hỏa hoạn cách 7 năm về trước bằng ngôi thánh đường đẹp này”.

Không xa nhà thờ Chánh Tòa là chủng viện Kon Tum do vị giám mục đầu tiên của giáo phận Kon Tum xây dựng từ năm 1935 đến năm 1938, cũng có kiến trúc tương tự như nhà thờ nhưng quy mô lớn hơn. Bước qua cổng, du khách cảm thấy thư thái với hai hàng cây sứ lâu năm tỏa bóng mát, thoảng hương thơm dìu dịu trên đường vào trong chủng viện. Trên tầng hai của chủng viện có một phòng truyền thống trưng bày chi tiết về lịch sử truyền giáo tại Kon Tum từ giữa thế kỷ 19, gồm nhiều hiện vật, các bút tích... của những vị linh mục trên đường truyền đạo, các hình ảnh, tài liệu liên quan đến lịch sử hình thành và phát triển của giáo phận Kon Tum. Các hiện vật, bản đồ trưng bày trong chủng viện đều rất giá trị, được chạm khắc bằng gỗ tỉ mỉ. Có thể coi đây là một bảo tàng nhỏ về vật dụng sinh hoạt, nông cụ, vật thể văn hóa các dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn Kon Tum.

Theo đại diện nhà thờ, Giáo xứ Chính tòa quy định mỗi tháng có lễ rửa tội cho các em nhỏ vào thứ Hai đầu tháng, với số lượng khoảng 30 em trở lên/lần. Ngoài ra, chiều thứ Bảy và cả ngày Chủ nhật hằng tuần vẫn phục vụ thánh lễ. Nhà thờ mở cửa quanh năm cho mọi người, bất kể tôn giáo, vào tất cả các ngày trong tuần trừ buổi tối. Nếu đến thăm nhà thờ gỗ vào ngày chủ nhật, du khách sẽ phải đợi sau 9 giờ mới được vào để tránh ảnh hưởng đến buổi lễ của đồng bào Công giáo nơi đây.

Không chỉ là nơi giáo dân cầu nguyện, nhà thờ gỗ còn là điểm đến, điểm nghỉ chân của rất đông người dân Kon Tum. Đặc biệt, ở đây còn có một phiên chợ nhỏ bày bán các sản phẩm thủ công từ các buôn làng trong vùng.

Trải qua hơn trăm năm dãi dầu mưa nắng, ngôi nhà thờ gỗ vẫn vững bền và mang vẻ đẹp cổ kính của thời gian. Nhà thờ Gỗ mãi là biểu tượng của vùng đất Tây Nguyên, là niềm tự hào của người dân thành phố Kon Tum và luôn có sức hút mãnh liệt cho những du khách đến với vùng cao nguyên đại ngàn.

Nhà thờ gỗ Kon Tum thuộc top 10 nhà thờ đẹp nhất Việt Nam (1. Nhà thờ Chánh Toà Thái Bình (Thái Bình), 2. Nhà thờ Tân Định (TP. Hồ Chí Minh), 3. Nhà thờ Đức Bà (TP. HCM), 4. Nhà thờ Phủ Cam (Huế), 5. Nhà thờ Chánh Toà Nha Trang (Khánh Hòa), 6. Nhà Thờ Tân Hóa (Bảo Lộc, Lâm Đồng), 7. Nhà thờ đá Phát Diệm (Ninh Bình), 8. Nhà thờ gỗ Kon Tum (Kon Tum), 9. Nhà thờ Domaine de Marie (Đà Lạt), 10. Nhà thờ Lớn (Hà Nội).

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Tha thứ - Liều thuốc chữa lành tâm hồn

Tha thứ - Liều thuốc chữa lành tâm hồn
(PLVN) - Trong cuộc sống, tha thứ không chỉ là cách giúp người khác có cơ hội sửa sai, mà còn là liều thuốc giúp chính chúng ta nhẹ nhõm hơn, bớt đi những gánh nặng tâm hồn.

Điện ảnh Việt và nỗi lo tăng thuế

Điện ảnh Việt và nỗi lo tăng thuế

(PLVN) - Những năm qua, điện ảnh Việt Nam đã có những bước tiến, tăng trưởng hàng năm và có những tác phẩm “ăn khách”.Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đáng ghi nhận, ngành điện ảnh vẫn đang đối mặt với những khó khăn, rào cản về chi phí, đặc biệt vấn đề dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng - GTGT (sửa đổi) sắp tới.

Đạo làm người – con đường khó nhất

Đạo làm người – con đường khó nhất
(PLVN) - Mỗi tôn giáo, mỗi đạo lý đều dạy chúng ta cách sống hiền lành, tử tế, biết yêu thương và đối xử tốt với nhau. Nhưng trong tất cả các đạo, có lẽ đạo làm người là con đường khó nhất để thực hành.

Lặng lẽ với chính mình

Ảnh minh họa
(PLVN) - Sau những đêm trắng sẽ luôn là ánh bình minh. Và đôi khi, chỉ cần một tia sáng nhỏ bé cũng đủ để soi rọi cả một đêm dài.

Huế thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam

Lễ hội đường phố “Sắc màu văn hóa” thu hút hàng nghìn người dân, du khách tham dự.
(PLVN) - Thừa Thiên Huế là địa phương đi đầu trong việc tổ chức một hình thái lễ hội đương đại mang tầm quốc gia, quốc tế. Trải qua hơn 24 năm tồn tại và phát triển, Festival Huế đã khẳng định được thương hiệu trong lòng du khách gần xa. Festival Huế đã là một sự kiện văn hóa tiêu biểu, trở thành thương hiệu nổi tiếng trong nước và quốc tế, là dịp để giới thiệu và quảng bá hình ảnh, đất nước, con người và văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa Huế nói riêng một cách sinh động.

Hơn 300 doanh nghiệp Quảng Ninh tung gói kích cầu mùa du lịch cuối năm 2024

Một góc TP Hạ Long, Quảng Ninh điểm đến thân thiện và an toàn.
(PLVN) -  Ngày 20/11, Sở Du lịch Quảng Ninh phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh và Tập đoàn Sun Group tổ chức lễ công bố chương trình kích cầu du lịch “Quảng Ninh - Điểm đến bốn mùa”. Chương trình nhằm tăng sức hút du khách dịp cuối năm 2024. Thu hút h ơn 300 doanh nghiệp từ các lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, điểm tham quan, và du thuyền đã tham gia .