Cơ hội niêm yết trên sàn quốc tế
Lần đầu tiên tổ chức roadshow ở nước ngoài, Tập đoàn FLC đã giới thiệu tới các nhà đầu tư về những dự án BĐS quy mô lớn đã và đang đầu tư tại các địa phương, điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam. Hiện, FLC đang đầu tư hai dự án lớn nhất tại Quảng Ninh và Quảng Bình với tổng mức đầu tư mỗi dự án lên tới hơn 2 tỷ USD.
Chia sẻ với nhà đầu tư nước ngoài, Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết cho biết, luật pháp Việt Nam hiện đã cho phép nước ngoài sở hữu BĐS có thời hạn tại đất nước chúng tôi. Các quy định hiện tại, thủ tục sở hữu nhà tại Việt Nam hiện đang được nhà quản lý sửa đổi, bổ sung để phù hợp với nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, các quy định của Luật đầu tư, Chứng khoán đều đã “cởi trói” cho nhà đầu tư có thể M&A doanh nghiệp, dự án lớn tại Việt Nam.
Về vấn đề niêm yết, FLC hoạt động theo mô hình CTCP, hiện có hơn 1 triệu cổ đông sở hữu cổ phiếu FLC, gồm cá nhân, định chế tài chính, tổ chức… Hơn 3 năm trước, công ty này đã làm việc với các CTCK để làm sao có thể niêm yết cổ phiếu tại sàn Chứng khoán Singapore. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu luật pháp và các quy định niêm yết chứng khoán liên quan thì thấy còn nhiều vướng mắc về quy định pháp luật của 2 nước, ngay cả Vinamilk cũng gặp phải những vướng mắc này, khiến cho việc đàm phán, thương thảo mới chỉ tạm dừng lại.
"Theo tôi được biết, sàn Nasdaq – Mỹ đã chấp thuận về mặt nguyên tắc cho phép VNG niêm yết cổ phiếu trên sàn này. Cơ hội đã được mở ra và chúng tôi tin FLC hoàn toàn có thể suy nghĩ về kế hoạch niêm yết chứng khoán ở Mỹ. Cũng từ trường hợp của VNG, các cơ quan quản lý Việt Nam sẽ có thêm tin tưởng để sớm đẩy nhanh quá trình sửa đổi, bổ sung quy định pháp lý để các công ty Việt Nam có thể lên sàn quốc tế", ông Quyết nói.
Ông Trịnh Văn Quyết trả lời nhiều câu hỏi quan tâm của các nhà đầu tư Singapore |
Ngay sau buổi toạ đàm này, ông Quyết cho hay FLC sẽ làm việc ở công ty chứng khoán quốc tế để khởi động lại kế hoạch niêm yết cổ phiếu tại thị trường chứng khoán Singapore. "Với các dự án BĐS lớn đã và đang triển khai, chúng tôi tin tưởng FLC hoàn toàn có cơ hội và đáp ứng các điều kiện để sớm niêm yết ở Singapore", chủ tịch Tập đoàn FLC nói.
Hiện tại giá cổ phiếu FLC là hơn 7.000 đồng/CP, thấp hơn mệnh giá suốt mấy năm qua. Tuy nhiên, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính đánh giá "sau khi phân tích dữ liệu tài chính, chúng tôi nhận thấy cổ phiếu FLC đang ở dưới giá trị “under value”. Nhưng FLC hiện là cổ phiếu có thanh khoản cao nhất trên TTCK Việt Nam.
Sẽ phủ sóng dự án bất động sản nghỉ dưỡng ven biển
Tại Hội thảo, các nhà đầu tư nước ngoài đã đặt nhiều câu hỏi cho ban lãnh đạo FLC.
Trước sự quan tâm về việc FLC phát triển nhiều dự án condotel quy mô lớn, ở nước ngoài sản phẩm này có hướng kinh doanh riêng để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, vậy chiến lược của FLC như thế nào? Ông Lê Thành Vinh, Tổng giám đốc tập đoàn FLC cho biết:
Hiện FLC đầu tư nhiều dự án nghỉ dưỡng, trong đó có sản phẩm Condotel kết hợp căn hộ và khách sạn nghỉ dưỡng. Nhà đầu tư mua sản phẩm, giao cho chúng tôi quản lý khai thác và chúng tôi cam kết trả lợi nhuận cho nhà đầu tư với tỷ lệ hiện là 10%/năm.
Cũng theo ông Lê Thành Vinh: hiện FLC là nhà đầu tư duy nhất tại Việt Nam cam kết trả lợi nhuận bằng đồng USD với tỷ lệ tối thiểu 8%/năm. Cam kết này là khả thi vì thực tế, tỷ lệ khai thác phòng tối thiểu đạt 75%, một số quần thể đạt tỷ lệ trên 85%, và có thời điểm lên tới 90% công suất phòng. Đó cũng là lý do vì sao các ngân hàng đã cam kết sẽ bảo lãnh thanh toán lợi nhuận cho người mua nhà dự án của chúng tôi, tạo niềm tin của nhà đầu tư tại Việt Nam và giúp chúng tôi có thêm động lực, quyết tâm để phát triển các dự án lớn.
Về Chiến lược phát triển BĐS nghỉ dưỡng của Tập đoàn FLC trong 5 năm tớ, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT tập đoàn FLC cho biết: Trong 5 năm tới, FLC sẽ phủ sóng các khu nghỉ dưỡng của FLC tại tất cả các địa phương có biển tại Việt Nam lên con số 16 điểm đến. Hiện, tập đoàn đã và đang đầu tư tại 9 địa phương.
Các dự án của FLC đều được phát triển ở quy mô lớn với diện tích tối thiểu 200ha, và tối đa lên tới 2.000-3.000ha, với sự đầu tư hạ tầng đồng bộ, đa tiện ích sản phẩm gồm: resort, khách sạn, biệt thự, liền kề, condotel, sân golf… Dự tính, mỗi dự án trong thời gian tới sẽ có quy mô đầu tư hơn 1 tỷ USD.
Trong năm 2018, FLC sẽ khai trương dự án tổ hợp khu nghỉ dưỡng tại đảo Ngọc Vừng, Quảng Ninh, Việt Nam với quy mô 1.700 ha và tổng mức đầu tư dự tính lên tới 2,1 tỷ USD. Điểm đặc biệt nhất là dự án nằm tại đặc khu kinh tế Vân Đồn- là 1 trong 3 đặc khu kinh tế tại Việt Nam, trong đó FLC sở hữu 1 hòn đảo. Hơn nữa, dự án này sẽ có 1 casino lớn dành cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Quy mô dự án FLC Ngọc Vừng sẽ lớn hơn cả đảo Sentosa của Singapore.
Dự án lớn thứ hai, FLC sẽ hình thành một “chợ golf” tại Việt Nam với quy mô 180 lỗ tại khu vực gần hang động nổi tiếng thế giới- hang Sơn Đoong, Quảng Bình. Tổng quy mô diện tích hơn 1.900 ha, gồm tổ hợp 10 sân golf, villas nghỉ dưỡng… có thể đáp ứng nhu cầu của hàng triệu du khách đến với Quảng Bình.
Hai dự án lớn này sẽ được FLC ưu tiên đầu tư trong thời gian 2-3 năm, cùng với hàng loạt dự án khác đang đầu tư, khai thác tại Bình Định, Thanh Hoá, Hà Nội, Vĩnh Phúc…
Ngoài ra, trong thời gian tới, FLC sẽ mở rộng đầu tư vào lĩnh vực hàng không và khai khoáng. Cụ thể, lập hãng bay Viet Bamboo và khai thác đá marble (xuất khẩu đá ra nước ngoài và Singapore).
"Chiến lược của chúng tôi là sẽ làm những việc mà doanh nghiệp Việt Nam không muốn làm, không làm được theo cách làm của chúng tôi. Cách làm này, trong 5 năm qua chúng tôi đã thành công và nổi lên như doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam. Hiện, chúng tôi đang hướng tới thị trường quốc tế" - Ông Trịnh Văn Quyết khẳng định.
Các nhà đầu tư quan tâm tới cơ hội sở hữu bất động sản nghỉ dưỡng của FLC |
"Trong 2 năm vừa qua, FLC Group có tốc độ phát triển rất nhanh chóng, nhất là khi bơm tiền vào các dự án. Vậy tập đoàn có cách quản lý rủi ro như thế nào?"- Trả lời câu hỏi này của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, Tổng giám đốc Lê Thành Vinh cho biết: Đây là điều diễn ra ở bất kỳ công ty phát triển nhanh chóng nào. Việc quản lý rủi ro đặc biệt được chú trọng tại tất cả hoạt động đầu tư của tập đoàn. Chúng tôi phát triển nhiều dự án nhưng không phải triển khai đồng thời, mà theo giai đoạn và vạch ra lộ trình đầu tư cụ thể, đảm bảo hiệu quả cùng với việc kiểm soát rủi ro chặt chẽ, quản lý bộ máy theo kịp tiến độ này.
Quản trị rủi ro được xếp vào nhóm ưu tiên hàng đầu trong nhiệm vụ quản lý của FLC và là chìa khóa để duy trì sự phát triển lâu dài và bền vững. Thứ nhất, chúng tôi thiết lập cơ chế quản trị rủi ro nội bộ về nhân sự, chính sách, cơ chế vận hành, kiểm soát…
Thứ hai, để quản trị rủi ro bên ngoài, chúng tôi chủ động kiểm soát nội bộ hiệu quả thay vì chờ xử lý hậu quả, hay thuê kiểm toán Big4 quốc tế khi định giá các tài sản dự án định M&A, thuê tư vấn quốc tế hàng đầu khi tư vấn dự án và thiết kế…
"Khi triển khai bất kỳ dự án nào, chúng tôi đều tính toán rất kỹ các kế hoạch, phát triển để đảm bảo có thể kiểm soát và theo kịp các kế hoạch đó" - ông Lê Thành Vinh nhấn mạnh.
Ngay sau Hội thảo, FLC đã tổ chức buổi họp báo quốc tế để cung cấp cho các nhà báo trong và ngoài nước những thông tin mà báo chí quan tâm về FLC.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu