Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ sinh năm 1932 tại Từ Sơn, Bắc Ninh. Ông là một trong những người viết kịch bản hàng đầu của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam. Ông cũng là nhà biên kịch đầu tiên được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
Trước khi đến với nghệ thuật, cố nghệ sĩ Hoàng Tích Chỉ đã có thời gian dài tham gia cách mạng. Ông từng làm trinh sát của Ty liêm phóng Bắc Giang, làm trưởng phòng Văn nghệ Ty văn hóa Bắc Giang. Năm 1959 ông theo học Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc. Đến năm 1961 ông tham gia lớp biên kịch khóa đầu tiên của Trường Điện ảnh Việt Nam và tốt nghiệp năm 1963.
Từ năm 1964, ông làm trưởng phòng biên tập Hãng phim truyện Việt Nam, sau đó ông tiếp tục giữ chức giám đốc Hãng phim truyện I - Cục Điện ảnh.
Nhiều bộ phim ông làm biên kịch đã đạt được giải thưởng lớn như: Bông sen bạc cho “Biển gọi” và “Em bé Hà Nội”. Bông sen vàng cho bộ phim “Vỹ tuyến 17 ngày và đêm”. "Thành phố lúc rạng đông" đại Giải Bồ câu vàng đặc biệt, Liên hoan phim Leipzig - CHDC Đức...
Đặc biệt, năm 2012, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho các tác phẩm “Trên vĩ tuyến 17” (kịch bản phim truyện), “Biển gọi” (kịch bản phim truyện); “Vỹ tuyến 17 ngày và đêm” (biên kịch thứ nhất phim truyện); “Em bé Hà Nội” (biên kịch thứ nhất phim truyện); “Mối tình đầu” (biên kịch thứ nhất phim truyện); “Thành phố lúc rạng đông” (biên kịch thứ nhất phim tài liệu).
Nhắc tới nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ, người yêu điện ảnh không thể quên bản hùng ca - một thiên sử thi đồ sộ trong giai đoạn chiến tranh chống Mỹ ở Việt Nam - “Vỹ tuyến 17 ngày và đêm”. Chuyện phim được ông viết từ câu chuyện về cuộc đời của người phụ nữ, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ đã viết thành kịch bản phim lấy tên là “Bão tuyến”. Sau này, đạo diễn Hải Ninh đổi tên kịch bản thành “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”.
“Vĩ tuyến 17, ngày và đêm” có dung lượng và quy mô dàn dựng thuộc loại hoành tráng bậc nhất của phim truyện Việt Nam từ trước tới nay. Bộ phim đã trở thành biểu tượng oanh liệt về cuộc đấu tranh giành tự do, thống nhất tổ quốc. Vai nữ chính trong bộ phim này đã đưa NSND Trà Giang lên bục vinh dự của Liên hoan phim quốc tế Matxcơva năm 1973, nhận giải nữ diễn viên xuất sắc nhất - một giải thưởng quốc tế mà cho đến thời điểm này, vẫn là duy nhất đối với diễn viên điện ảnh Việt Nam.
Không chỉ gắn với điện ảnh, ông còn là tác giả của một số tiểu thuyết như “Bão tuyến”, “Mắt bão”, “Tướng cướp hoàn lương”, “Bóng ma rừng Sác”...
Sinh thời, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ từng tâm sự: "Cha tôi giỏi chữ Hán, tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục. Anh cả Hoàng Tích Chu nhà báo. Anh hai Hoàng Tích Chù họa sĩ. Anh trẻ Hoàng Tích Linh viết kịch. Tôi là con út, mồ côi cha mẹ sớm, 13 tuổi làm trinh sát, 15 tuổi cầm súng đối mặt với các thế lực thù địch sừng sỏ như tướng phỉ, tình báo đặc nhiệm. Tôi được rèn luyện, sống trong cái nôi tình nghĩa của đồng đội, đồng bào. Và 43 năm cầm bút viết kịch bản văn học điện ảnh một nghệ thuật tổng hợp, công nghệ kỹ thuật cao. Và mối quan hệ quần chúng, quốc tế cực kỳ rộng lớn...
Tôi may mắn được đến viết kịch bản làm phim ở các chiến trường: Vùng giới tuyến Vĩnh Linh - Quảng Trị, chiến dịch Điện Biên Phủ trên không 1972 - Hà Nội. Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975. Tôi luôn mơ ước có được thời gian viết tác phẩm văn học. Đã ngoài 70, trên bàn viết vẫn còn hàng chục kịch bản văn học đang đợi tôi”.
Tiễn biệt ông, đạo diễn, họa sĩ, NSND Hà Bắc tiếc nhớ: "Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ là một cây đa, cây đề trong giới nghệ thuật Việt Nam. Điều tôi cảm phục nhất ở ông là bên cạnh tài năng, sự nghiệp nổi bật, ông là một con người nhã nhặn, khiêm tốn".
Nhẹ cánh hạc về trời, yên nghỉ ở tuổi 90, tên tuổi của nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ sẽ còn mãi cùng những tác phẩm điện ảnh để đời ghi dấu son trong lịch sử phát triển của điện ảnh Việt Nam. Hiện, những người con của ông vẫn đang tiếp tục sự nghiệp của cha, tận hiến cho nghệ thuật.