Nguyên tắc cấp giấy chứng nhận
Trong đó, dự thảo bổ sung Điều 20a về nguyên tắc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH đối với người mắc dịch bệnh thuộc nhóm A (ví dụ COVID-19) vào sau Điều 20. Cụ thể, Điều 20a dự thảo cho biết, việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
Một là, do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động cấp hoặc quyết định thành lập cơ sở thu dung điều trị bệnh COVID-19 do cơ quan có thẩm quyền quyết định. Người hành nghề (bao gồm người được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ điều trị covid-19) làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (bao gồm cả bệnh viện dã chiến, cơ sở thu dung điều trị COVID-19; trạm y tế cấp xã, trạm y tế lưu động) này được ký giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH theo phân công của người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó.
Hai là, phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH đối với người nghiễm COVID-19 đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
Ba là, phù hợp với tình trạng sức khỏe của người bệnh và hướng dẫn chuyên môn của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Bốn là, trường hợp người bệnh chăm sóc, quản lý, điều trị COVID-19 tại nhà theo quy định của Bộ Y tế, người hành nghề căn cứ danh sách quản lý ca bệnh COVID-19 trên địa bàn của Trạm y tế cấp xã; kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 thực hiện xác định tình trạng bệnh thông qua và thông tin theo dõi, diễn biến bệnh hàng ngày của nhân viên y tế với người bệnh qua hình thức trực tiếp đến tận nhà người bệnh hoặc gián tiếp qua công nghệ thông tin (áp dụng khám chữa bệnh từ xa) để ký giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH theo phân công của người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó.
Dự thảo cũng nêu, một lần khám chỉ được cấp một giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Trường hợp người bệnh cần nghỉ dài hơn 30 ngày thì khi hết hoặc sắp hết thời hạn nghỉ ghi trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH đã được cấp, người bệnh phải tiến hành liên hệ với cơ sở khám chữa bệnh hoặc trạm y tế cấp xã để người hành nghề xem xét quyết định theo quy định tại điểm d, khoản 1 Điều này.
Người hành nghề làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động được ký giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH; trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không phải là pháp nhân thì người hành nghề phải đăng ký mẫu chữ ký với cơ quan BHXH.
Hồ sơ giám định để thực hiện chế độ hưu trí
Sửa đổi khoản 3 Điều 5 về hồ sơ khám giám định để thực hiện chế độ hưu trí đối với người lao động (NLĐ) bao gồm: Thứ nhất, giấy giới thiệu của người sử dụng lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 kèm theo Thông tư này đối với NLĐ đang đóng BHXH bắt buộc hoặc giấy đề nghị khám giám định theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 kèm theo Thông tư này đối với NLĐ đang bảo lưu thời gian đóng BHXH hoặc NLĐ đã có quyết định nghỉ việc chờ giải quyết chế độ hưu trí, trợ cấp hàng tháng; Bản tự khai các bệnh, tật đề nghị khám giám định.
Thứ hai, bản chính hoặc bản sao hợp lệ của một hoặc các giấy tờ khám, điều trị bệnh, tật sau đây: tóm tắt hồ sơ bệnh án, giấy xác nhận khuyết tật, giấy ra viện, sổ khám bệnh, bản sao hồ sơ bệnh nghề nghiệp, biên bản giám định bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động đối với người đã được khám giám định bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động (nếu có).
Thứ ba, một trong các giấy tờ có ảnh như chứng minh nhân dân; căn cước công dân; hộ chiếu còn hiệu lực. Trường hợp không có các giấy tờ nêu trên thì phải có giấy xác nhận của công an cấp xã có dán ảnh, đóng giáp lai trên ảnh và được cấp trong thời gian không quá 03 tháng tính đến thời điểm đề nghị khám giám định.
Dự thảo cũng sửa đổi khoản 3 Điều 12, đối với người đã được giám định ngoài đối tượng quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này nhưng có tóm tắt hồ sơ bệnh án mới hoặc giấy ra viện mới trong đó thể hiện mắc thêm bệnh khác hoặc bệnh đã được giám định thay đổi mức độ nặng lên hoặc nhẹ đi so với tình trạng bệnh, tật được kết luận trong biên bản giám định y khoa lần gần nhất hoặc có yêu cầu khám giám định lại thì được đề nghị giám định lại trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày ban hành biên bản giám định y khoa lần gần nhất.
Bổ sung khoản 2 Điều 20, một lần khám chỉ được cấp một giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Trường hợp người bệnh cần nghỉ dài hơn 30 ngày thì khi hết hoặc sắp hết thời hạn nghỉ ghi trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH đã được cấp, người bệnh phải tiến hành tái khám để người hành nghề xem xét quyết định.
Riêng trường hợp người bệnh điều trị bệnh lao theo chương trình chống lao quốc gia thì thời gian nghỉ tối đa không quá 180 ngày cho một lần cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.
Trường hợp người lao động bị sẩy, nạo, hút thai, thai chết lưu, phá thai bệnh lý từ 13 tuần tuổi trở lên thì thời gian nghỉ tối đa 50 ngày cho 1 lần cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.
Dự thảo cũng sửa Điều 4, các bệnh được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần gồm: ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Các bệnh, tật ngoài các bệnh trên có mức suy giảm khả năng lao động hoặc mức độ khuyết tật từ 81% trở lên.