Nghị quyết số 26-NQ/TW (khóa X) xác định nhiệm vụ xây dựng NTM. Nghị quyết xác định mục tiêu: đến năm 2020 có 50% số xã đạt chuẩn NTM trên tổng số 9.121 xã của cả nước theo 19 tiêu chí được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 491/QĐ-TT ngày 16/4/2009.
Đến nay theo báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH), đến tháng 9/2016, có 2.045 xã đạt tiêu chí NTM (đạt 23%); đã có 24 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng ban hành Quyết định công nhận đạt chuẩn NTM. Còn 4 năm nữa là đến năm 2020, chắc mục tiêu 50% số xã là khó thực hiện.
Trong các tồn tại lớn có chuyện “nợ nần”.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, đến đầu năm 2016 số nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) NTM là hơn 15.000 tỷ đồng, trong đó 3 khu vực nợ cao nhất là Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ, miền núi phía Bắc. Một số địa phương có nợ đọng lớn như Bắc Ninh trên 1.600 tỷ đồng, Thanh Hóa hơn 1.500 tỷ đồng, Thái Bình khoảng 1.200 tỷ đồng, Vĩnh Phúc hơn 900 tỷ đồng... (Tất nhiên con số này đã chính xác chưa thì ở ta hoàn toàn có thể nghi ngờ).
Vì sao có nợ? Do nhiều nơi muốn nhanh để đạt 19 tiêu chí NTM để “báo cáo thành tích” cho xã, huyện, tỉnh trước các kỳ bầu bán. Do vậy, vay tiền để làm đường, chặt bờ bụi thay bằng tường rào bê tông được làm ào ào. Vì “thành tích” nên không hiếm nơi “chia bình quân, huy động từ đứa trẻ mới sinh, người tàn tật, người cô đơn…” cũng phải đóng một suất đinh để xây dựng NTM, làm xã hội “nặng nề”, phản cảm.
Trong khi đó tái cơ cấu sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân - mục tiêu cốt lõi của chủ trương xây dựng NTM thì cơ bản là… bối rối. Tiêu chí cũng rập khuôn, miền xuôi y chang miền ngược, rất hài.
Nợ XDCB NTM cũng là nợ công, do đó cần đánh giá đúng về khoản này và nguồn trả. Những thị tứ (gần thị trấn, thị xã) có thể bán được đất để “khỏa lấp” nợ nhưng nơi không bán được thì sao? Từ nay đến năm 2017 (tức là chỉ còn hơn 1 năm) có ý kiến nêu ra phải giải quyết dứt điểm nợ xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM. Yêu cầu này khó khả thi.
Câu chuyện nợ đọng NTM cho thấy cần thiết phải chuyển từ tư duy “mệnh lệnh” sang tư duy “phục vụ”, lấy lợi ích của người dân làm mục tiêu chứ không phải “thành tích” của lãnh đạo, nâng cao niềm tin và đồng thuận của người dân vào xây dựng NTM thì mới giải quyết từ gốc nợ đọng.
Điều mà người dân cần hơn cả chính là đổi mới phương thức tổ chức sản xuất và thương mại hóa sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, chứ không phải các báo cáo.