Hành trình xoá bỏ hủ tục “nối dây”
Về Trường Sơn những ngày này, vẫn núi rừng ấy, vẫn những mảnh đất khô cằn xưa, nhưng cách nghĩ, cách làm của bà con đã có nhiều thay đổi, không chỉ để thoát nghèo, mà đang từng ngày vươn lên tích luỹ làm giàu. Tuy nhiên, điều đáng mừng nhất là hầu hết bà con Bru-Vân Kiều không còn phải tuân theo tục “nối dây” và nhiều hủ tục lạc hậu khác nữa. Người đầu tiên xoá bỏ là chị Hồ Thị Con (SN 1958, ở bản Bến Đường, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh), chị cũng là nữ đại biểu HĐND tỉnh Quảng Bình nhiệm kỳ 1999-2004.
Ông Hồ Văn Nguyên, Trưởng bản Bến Đường, xã Trường Sơn khẳng định vai trò của Bộ đội Biên phòng nơi biên giới. |
Theo lời chị Hồ Thị Con: Tục "nối dây" được người Bru-Vân Kiều xem như một tục lệ đã "hóa đá" lâu đời trong tâm thức của người phụ nữ với nhà chồng, với mong muốn của cải và sức lao động luôn tập trung trong một gia đình, dòng họ. Nếu chồng chết thì phải làm vợ của anh trai hoặc em trai chồng… để giữ lấy của cải của chồng và giữ lấy con cháu, nòi giống bên chồng.
Nếu ai không tuân theo phải chịu phạt rất nặng hoặc phải trở về nhà bố mẹ đẻ với hai bàn tay trắng, không được mang theo của cải cũng như con cái. Luật tục này rất nghiêm ngặt, buộc tất cả đồng bào Bru-Vân Kiều phải tuân theo. Do đó, các thế hệ già làng coi đây như khuôn vàng thước ngọc của tổ tiên, có uy lực tuyệt đối không thể thay đổi.
Chuyện của chính người tiên phong xoá bỏ hủ tục
Rót thêm chén nước mời khách, chị Hồ Thị Con hồi nhớ lại, năm 2002 chồng chị không may qua đời vì bệnh khi chị mới 43 tuổi, lúc này các con còn nhỏ, gia cảnh khá khó khăn. Theo phong tục, 1 năm sau ngày mất của chồng, gia đình bên chồng bắt đầu bàn bạc để đưa chị về làm vợ của em trai chồng, hoặc ở với anh chồng. Song chị lại tìm cách trì hoãn, mặt khác chị cũng lựa lời thuyết phục mong bên chồng thay đổi.
Có người nói chị: Mày đã không theo tục của bản, mai này vì mày mà con ma núi về bắt cả bản phải chịu nhiều cái bệnh tật, không làm tốt được cái rẫy, cái ruộng...
Người thì đe nẹt, nếu có chuyện gì xảy ra với bản sẽ phạt chị nhiều trâu, bò để cúng con ma núi... vì dám làm trái luật tục có từ ngàn đời xưa.
Tuy nhiên, chị lại có cách nghĩ khác: “Ông cha ta trước nghỉ như vậy là sai, vì tục “nối dây” đã tước đi quyền tự do, sự tự nguyện trong hôn nhân và hạnh phúc của phụ nữ người Bru-Vân Kiều”, chị Con khẳng định.
Tác giả cùng với Trưởng bản Bến Đường Hồ Văn Nguyên. |
Xin ra khỏi họ để thoát khỏi hủ tục “nối dây”
Thời điểm này, chị đang đảm nhận chức Chủ tịch UBMTTT xã Trường Sơn, lại được anh em cán bộ động viên không nên theo tục lệ cũ. Nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, bản thân lại là đảng viên, nếu theo hủ tục thì vi phạm Luật hôn nhân và gia đình. Hơn nữa sau này, khi tuyên truyền, vận động bà con dân bản về chính sách, pháp luật thì còn ai nghe mình. Cuối cùng, chị quyết định xin ra khỏi họ để thoát khỏi tục “nối dây” và ở vậy nuôi con, thờ chồng.
Chuyện chị Con xin ra khỏi họ lan đi trong bản Bến Đường như một tin chấn động thời điểm đó. Cũng từ đây, chị bị dân bản xa lánh, bố chồng thì trốn suốt cả tháng trên rẫy vì nghĩ rằng tai họa đang chuẩn bị ập xuống gia đình bất cứ lúc nào.
Sau khi ra khỏi họ, chị mạnh dạn nhận đất trồng rừng, phát triển chăn nuôi, trồng cây ăn quả. Nhờ chịu khó học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật nên đời sống kinh tế khá hẳn lên. Mặt khác, chị vẫn đi về bên chồng như một người con dâu hiếu thảo. Các con của chị cũng ngày ngày qua lại với gia đình bên chồng nên càng thêm gắn bó.
Ngày tháng trôi qua, nhưng chẳng thấy ai trong bản bị ốm đau nên nhiều người dần tin lời chị. Từ đó, tiếng nói của chị cũng trở nên uy tín hơn, rồi chị được tín nhiệm bầu làm đại biểu HĐND xã Trường Sơn 15 năm liên tục; năm 2005-2011 là đại biểu HĐND huyện Quảng Ninh; năm 1999-2004 là đại biểu HĐND tỉnh Quảng Bình.
Ngoài phối hợp việc tuyên truyền để xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, Đồn Biên phòng Làng Mô còn kết nối với các mạnh thường quân để hỗ trợ máy móc, phương tiện sản xuất, giúp đồng bào nơi biên giới vươn lên thoát nghèo. |
Cầu nối giúp dân bản thực hiện tốt chính sách và pháp luật
Không chỉ tiên phong xóa bỏ hủ tục “nối dây” và vận động bà con xoá bỏ các hủ tục lạc hậu, chị Con còn tuyên truyền về quyền bình đẳng giữa nam giới và phụ nữ, giúp những người phụ nữ Bru-Vân Kiều không còn bị ràng buộc bởi những hủ tục hà khắc nữa. Nhờ thế, chị em trong bản được giao lưu, hội họp vui chơi với nhau trong những dịp lễ hội của bản làng. Cùng với đó, cuộc sống của bà con Bru-Vân Kiều ở Trường Sơn cũng trở nên vui hơn, đoàn kết hơn. Đặc biệt là nhờ sự tuyên truyền, vận động của chị, bà con trong bản đã biết cùng nhau vươn lên làm kinh tế để thoát nghèo.
“Bản thân tôi nghĩ, phong tục ngày xưa lạc hậu nên đừng có để lại cho con cháu sau này phải chịu khổ. Hiện đã văn minh rồi, nam nữ bình đẳng rồi, tục “nối dây” này cần bãi bỏ vì luật không cho phép”, chị Con nói.
Nhờ thực hiện tốt các chính sách và pháp luật của Nhà nước, chị Con vinh dự là đại biểu duy nhất của tỉnh Quảng Bình được cử tham gia Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số toàn quốc đại diện cho tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của người Bru-Vân Kiều thời điểm năm 2010.
Ông Hồ Văn Nguyên, Trưởng bản Bến Đường, xã Trường Sơn cho biết: “Hiện hủ tục “nối dây” và nhiều phong tục lạc hậu khác trong bản đã giảm hẳn, một phần cũng là nhờ bà Hồ Thị Con đã luôn gặp gỡ tuyên truyền vận động bà con xoá bỏ đi…”.
Khẳng định vai trò của Bộ đội Biên phòng nơi biên giới
Trên hành trình xoá bỏ nhiều hủ tục lạc hậu trên dãy Trường Sơn không thể không nhắc đến vai trò của Bộ đội Biên phòng Làng Mô đóng quân trên địa bàn. Đặc biệt, cán bộ, chiến sĩ nơi đây luôn đồng hành, hỗ trợ bà con phát triển kinh tế, giúp bà con xây dựng nhiều công trình ánh sáng vùng biên và các công trình dân sinh, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa trong cộng đồng dân bản.
“Bà Hồ Thị Con là người đi đầu trong việc xóa bỏ nhiều hủ tục lạc hậu và chính bà đã bước qua dư luận, bỏ qua định kiến của người Bru-Vân Kiều lâu nay để đứng lên bảo vệ quyền bình đẳng giới, chống nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, chấm dứt hủ tục “nối dây” tồn tại trong tâm thức của nhiều thế hệ giữa đại ngàn Trường Sơn”. Đại úy Trần Thanh Nam, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Làng Mô khẳng định.
Bà Trần Thị Thuỳ Dung, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Sơn cho biết: Toàn xã hiện có 15 bản chia thành 4 thôn với 1.248 hộ và 5.215 nhân khẩu, trong đó người Bru-Vân Kiều chiếm hơn 60% dân số. Nếu như trước đây, bà con sống chủ yếu vào nghề đi rừng, duy trì tập quán du canh, du cư thì từ năm 2016, khi Chính phủ có chủ trương đóng cửa rừng, người dân đã thay đổi thói quen canh tác, sinh sống.
“Hiện nay phần đa số người Bru-Vân Kiều đã có nhà để “an cư”, đời sống đang dần ổn định. Trong đó có nhiều hộ chăn nuôi sản xuất giỏi vươn lên làm giàu, xuất hiện nhiều tấm gương sáng cho các hộ khác noi theo. Không những thế, đồng bào Bru-Vân Kiều còn mạnh dạn xuất khẩu lao động để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Hiện toàn xã đã có hơn 100 người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, góp phần nâng cao đời sống. Đặc biệt là bà con đã thay đổi tư duy, xoá bỏ nhiều hủ tục lạc hậu, trong đó hủ tục “nối dây” đã giảm hẳn nhờ sự tiên phong của chị Hồ Thị Con”, bà Dung vui mừng cho biết thêm.