Người không hát tình ca

Người không hát tình ca
(PLVN) - Chương trình Nghệ thuật “Người không hát tình ca” là một biên niên sử tái hiện lại những khoảng khắc lịch sử bi hùng của Bộ đội Trường Sơn, Thanh niên xung phong, Công nhân giao thông, Dân công hỏa tuyến… trong 16 năm (1959 - 1975) trên tuyến đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại, thông qua phóng sự và lời kể của các nhân chứng lịch sử.

Nhân dịp Kỷ niệm 60 năm ngày mở Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh (19/5/1959 - 19/5/2019), Báo Nhà báo và Công luận, Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, Công ty Truyền thông Thiên Sơn phối hợp tổ chức Chương trình Nghệ thuật “Người không hát tình ca” truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam vào lúc 20 giờ ngày 12/5/2019 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Ba Đình, Hà Nội.

Bằng các bài hát đã đi cùng năm tháng qua thể hiện của NSƯT Hồng Hạnh, ca sĩ Trọng Tấn, Anh Thơ, Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, như: Cô gái mở đường, Nổi lửa lên em, Đường Trường Sơn xe anh qua, Em ở nơi đâu… chúng ta sẽ được sống lại hào khí Trường Sơn thời đánh Mỹ.

Ca sĩ Anh Thơ
Ca sĩ Anh Thơ

Ở phần 1 “Hào khí Trường Sơn”, khán giả sẽ được giao lưu với Đại tá, Nhà giáo nhân dân, Tiến sĩ Nguyễn Văn Mỗi, nguyên chiến sĩ lái xe Đại đội 2, Tiểu đoàn 58 Ô tô vận tải của Binh trạm 37, Sư đoàn 470, Đoàn 559.

Đại tá Nguyễn Văn Mỗi cho biết, ra đời vào cuối tháng 3 năm 1966, Tiểu đoàn 58 Ô tô vận tải tiền thân là Đoàn xe 90 mang biệt danh “Mũi tên xanh”, có hơn 100 xe gaz 63 hai cầu làm nhiệm vụ chở chuyến hàng đầu tiên từ Hà Nội vào Trường Sơn giao hàng tại bản Tà Xẻng phía Tây tỉnh Kon Tum gần ngã ba Đông Dương tháng 4/1966.

Từ Đoàn xe 90 làm nòng cốt, sau này, Đoàn 559 thành lập Tiểu đoàn 58 Ô tô vận tải trực thuộc Binh trạm 8 phục vụ chiến trường Đông Dương gồm mặt trận B2, B3, Nam Lào và Cam-pu-chia. Tuyến hoạt động của Tiểu đoàn 58 từ ngã ba Phi Hà đến Tà Ngâu (Cam-pu-chia) đường 49, đường 128A, đường 128B, 128C qua khu vực Tây Nguyên. Do yêu cầu nhiệm vụ, sau này, Tiểu đoàn 58 lại trực thuộc Binh trạm 37, Sư đoàn 470.

Suốt 10 năm (1966-1975) làm nhiệm vụ trên những cung đường quân sự làm gấp quanh co nhỏ hẹp, vượt qua nhiều dốc cao vực sâu, dưới thời tiết, khí hậu khắc nghiệt của “Trường Sơn Đông nắng, Tây mưa” có 10 trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay địch như đèo 32, dốc 200, ngầm Xê Xụ, ngầm 42, đèo Ang Bun… Tiểu đoàn 58 đã phải vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ.

Khu vực hoạt động của Tiểu đoàn 58 được mệnh danh là “Rốn sốt rét của Đông Dương”, vì vậy có thời điểm tiểu đoàn bị sốt rét 100% quân số. Mùa mưa năm 1968, 1969 đường vận chuyển bị nước lũ bao vây và bị địch đánh phá rất ác liệt, bộ đội ta bị đói, mỗi ngày một người chỉ được 1 lạng gạo. Để duy trì sự sống, bộ đội phải vào rừng đào củ mài, củ chuối rừng, của dái ngựa đem về chế biến làm lương thực thay cơm. Bom đạn và nạn đói làm cho Tiểu đoàn 58bị tổn thất có lúc lên đến 60% quân số.

Tuy phải vượt qua muôn vàn gian khổ hy sinh, nhưng cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 58 vẫn kiên cường vươn lên trưởng thành trong chiến đấu. Nhiều tấm gương tiêu biểu đã xuất hiện như Trần Văn Thắng, Hoàng Văn Thái, Cẩm Bá Đức, Nguyễn Văn Khang… Đặc biệt, ngày 31/12/1973, Tiểu đoàn 58 Ô tô vận tải được Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

Làm nhiệm vụ ở Trạm X340, Trung đoàn 265, Đoàn 559, đồng chí Nguyễn Văn Tân, nguyên Trạm phó của Trạm X340 được mệnh danh là cây sáng kiến “biến không thành có, biến khó thành dễ”. Với tinh thần sáng tạo dám nghĩ, dám làm, mùa mưa năm 1966, việc vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm chi viện cho chiến trường bằng đường bộ không thực hiện được vì lũ lụt, bộ đội ta phải dựa vào phương thức vận tải bằng đường sông. Nhưng vào thời điểm đó, các cánh quạt nước (chân vịt) của thuyền máy bị va vào đá ngầm trên sông hầu hết đều bị gãy làm cho thuyền máy không thể hoạt động được, nhưng không có phụ tùng thay thế. 

Không chịu bó tay, đồng chí Tân nghĩ ra sáng kiến tìm gỗ tốt trong rừng đẽo thành chân vịt gỗ để thay thế chân vịt sắt đạt kết quả tốt. Nhờ có sáng kiến này, bộ đội vận tải đường sông không phải chèo thuyền bằng tay vừa chậm vừa vất vả, năng suất vận chuyển thấp, lại phải hoạt động cả ban ngày dễ bị máy bay địch phát hiện đánh phá gây tổn thất.

Có lần, máy bơm nước tự động làm mát máy bị hỏng nhưng không có phụ tùng thay thế, đồng chí Tân đã nghĩ ra cách làm mát máy trực tiếp bằng phương pháp đặt một thùng nước trên cao rồi dùng tuy ô dẫn nước chảy trực tiếp qua thân máy.

Mùa khô năm 1967, phụ tùng thay thế hầu như không có. Đồng chí Tân và đồng đội phải tổ chức tháo dỡ phụ tùng ở các xe bị địch đánh hỏng trên các trọng điểm đem về thay thế để cho đơn vị luôn có đủ đầu xe hoạt động. Cũng bằng cách làm này, đồng chí Tân đã lắp ráp thành công một chiếc xe cẩu để tháo lắp thân máy nặng hàng tấn mỗi khi sửa chữa ô tô vừa tiết kiệm được nhân lực lao động, vừa nâng cao năng suất và tiết kiệm thời gian cho xe ra xưởng nhanh. Nhờ có chiếc xe cẩu tự tạo này, mùa khô năm 1972, đồng chí Tân và đồng đội đã sửa chữa thành công một chiếc xe tăng của ta bị hỏng ly hợp tại trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay địch ở Km 42 trước sự thán phục của bộ đội Tăng - Thiết giáp.

Bằng việc không ngừng phát huy sáng kiến, cải tiết kỹ thuật trong khi làm nhiệm vụ để tiết kiệm mồ hôi xương máu cho đồng đội, đồng chí Nguyễn Văn Tân đã được chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND năm 1973.

Ở phần 2 “Người không hát tình ca”, khán giả màn ảnh nhỏ sẽ được làm quen với chị Đỗ Thị Bình – Cựu chiến binh Trường Sơn và chị Mai Thị Thọ, Cựu chiến binh Trường Sơn, nạn nhân chất độc da cam. Mai Thị Thọ, Trưởng Ban liên lạc Nữ Trường Sơn tỉnh Phú Thọ, Cựu chiến binh Sư đoàn 473, Đoàn 559 là nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

 

Trở về quê sau 3 năm gắn bó với Trường Sơn, chị vừa đi học vừa dạy mẫu giáo ở thành phố Việt Trì. Vào thập niên 70, 80 của thế kỷ trước, cuộc sống của người dân nước ta thiếu thốn trăm bề. Ngày ấy, để có tiền nuôi sống gia đình, chị Thọ phải đem chiếc vỏ chăn và những bộ quần áo bộ đội cắt ra thành quần áo trẻ em mang ra chợ bán. Năm 1991, vì cuộc mưu sinh và để không ảnh hưởng đến thanh danh nhà giáo, chị Thọ xin nghỉ hưu non ở nhà chạy chợ kiếm tiền chữa bệnh cho con.

Những tưởng, bằng sự chịu thương, chịu khó chăm lo cho hạnh phúc gia đình, chị sẽ gặt được những mùa quả ngọt. Nào ngờ, sau 4 lần mang nặng đẻ đau, vất vả nuôi con hàng chục năm trời, bốn đứa con của chị đều lần lượt ra đi vì bị bệnh hiểm nghèo. Khi nỗi đau mất con chưa kịp nguôi ngoai, vợ chồng chị lại chia tay mỗi người một ngả cùng với bản tình ca dang dở. Cũng từ đây, ngôi nhà này chỉ còn chị và đứa cháu nội mồ côi cha, bị mẹ bỏ rơi đang bị bệnh thấp tim mỗi tháng phải đi viện đôi lần.

Giờ đây, mỗi khi nhớ về quá khứ, chị Thọ lại ngồi thơ thẩn một mình nhìn cuộc đời qua ô cửa nhỏ và những kỷ niệm buồn đến rồi đi trong cuộc đời mình. Những lúc ấy, chị chỉ thầm mong cháu Nguyễn Ngọc Anh sẽ có mạnh thường quân giúp đỡ để không phải bỏ học giữa chừng. Vượt lên nỗi buồn riêng, chị Thọ lao vào hoạt động nghĩa tình đồng đội. Những tấm bằng khen trên bức tường kia là sự ghi nhận công lao của chị trong việc giúp đỡ hội viên nỗ lực vươn lên xóa đói, giảm nghèo trên quê hương Phú Thọ.

Ở phần 3: “Thay lời tri ân”, thông qua phóng sự “Thay lời tri ân” khán giả màn ảnh nhỏ sẽ được chứng kiến Ban tổ chức trao 25 sổ tiết kiệm với số tiền 125 triệu đồng cho thân nhân liệt sĩ, thương binh, nạn nhân chất độc da cam, Cựu chiến binh Trường Sơn thị xã Thái Hòa và huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An nói riêng, thân nhân liệt sĩ, thương binh, nạn nhân chất độc da cam, Cựu chiến binh Trường Sơn cả nước nói chung.

Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thông qua Chương trình Nghệ thuật “Người không hát tình ca”, Ban tổ chức sẽ tặng gần 180 sổ tiết kiệm cho thân nhân liệt sĩ, thương binh, nạn nhân chất độc da cam, Cựu chiến binh Trường Sơn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và hỗ trợ kính phí xây dựng Tượng đài “Mãi mãi tuổi 20” để tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc tại  ở xã Triệu Long, Triệu Phong, Quảng Trị với số tiền gần 3 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục

Nghệ sĩ Phạm Thị Hướng (áo trắng ngoài cùng bên trái) cùng đồng nghiệp tập luyện cho tiết mục sắp tới vào năm 2025. (Ảnh: Thiện Thư)

Đời xiếc - Mồ hôi rơi sau ánh hào quang

(PLVN) - Xiếc là nghệ thuật của những phút giây rực rỡ trên sân khấu, nơi các nghệ sĩ khiến khán giả say mê bởi những màn trình diễn mãn nhãn. Nhưng ẩn sau ánh hào quang ấy là cả một hành trình khổ luyện đầy hy sinh, với những chấn thương, áp lực nghề nghiệp và mức thù lao chưa tương xứng. Vượt qua muôn vàn khó khăn, họ vẫn bền bỉ cống hiến, giữ ngọn lửa đam mê sáng mãi với sân khấu.

Đọc thêm

Gần 200 tác phẩm tham gia sáng tác âm nhạc “Sáng đạo trong đời”

Gần 200 tác phẩm tham gia sáng tác âm nhạc “Sáng đạo trong đời” (ảnh BTC).
(PLVN) - Trong suốt thời gian phát động sáng tác âm nhạc “Sáng đạo trong đời”, Ban Tổ chức đã nhận được gần 200 tác phẩm âm nhạc được sáng tác giàu cảm xúc và mang giá trị tinh thần sâu sắc. Điều này không chỉ thể hiện tài năng, tâm huyết của các tác giả mà còn là minh chứng cho sự lan tỏa mạnh mẽ của Phật pháp trong đời sống văn hóa và nghệ thuật.

'Cánh chim đầu đàn' của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận có cống hiến to lớn cho nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. (Ảnh: Tư liệu)
(PLVN) - Được biết đến là người tiên phong trong sáng tác nhạc cách mạng, nhạc sĩ - chiến sĩ Đỗ Nhuận sở hữu kho tàng những tác phẩm âm nhạc cách mạng bất hủ, sống mãi với thời gian. Ngày nay, trong các buổi hòa nhạc hay đêm nhạc tôn vinh trang sử hào hùng và chói lọi của dân tộc Việt Nam, âm nhạc của ông vẫn vang lên như ngọn lửa bất diệt của lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc.

MV “Đà Nẵng vẫy gọi yêu” chính thức phát hành

MV “Đà Nẵng vẫy gọi yêu” chính thức phát hành
(PLVN) - MV “Đà Nẵng vẫy gọi yêu” chính thức phát hành vào tháng 12/2024. Đây là dự án âm nhạc mới nhất của nhạc sĩ Lê Minh Phương và đạo diễn Phan Ngọc Trung - được lấy cảm hứng từ ý thơ của nhà thơ Dương Quyết Thắng.

Lý do Kiều Duy đăng quang Hoa hậu Quốc gia Việt Nam 2024

Lý do Kiều Duy đăng quang Hoa hậu Quốc gia Việt Nam 2024
(PLVN) - Theo Trưởng Ban tổ chức Phạm Kim Dung, Kiều Duy được chọn vì sở hữu hình thể cân đối, hài hòa, trí tuệ xuất sắc và đáp ứng tiêu chí của cuộc thi. Cô có tố chất cần thiết để tham gia cuộc thi sắc đẹp quốc tế.

NSND Mai Hoa ra mắt đĩa than “Nốt trầm”

“Nốt trầm” không chỉ là một phong cách âm nhạc mà còn là thương hiệu giọng hát của NSND Mai Hoa (ảnh BTC).
(PLVN) - “Nốt trầm” không chỉ là một phong cách âm nhạc mà còn là thương hiệu giọng hát của NSND Mai Hoa. NSND Mai Hoa thích hát những bài buồn, nhưng là buồn ánh lên tia hy vọng, ánh lên niềm lạc quan về cuộc sống chứ không phải buồn não nề, bi ai.

"Hoa hậu Việt Nam năm 2024" góp phần nhân lên niềm tự hào dân tộc

Các Hoa hậu: Tiểu Vy, Ngọc Hân, Đỗ Thị Hà, Đỗ Mỹ Linh cùng hội ngộ (ảnh BTC).
(PLVN) - Được thiết kế chuỗi hoạt động giàu tính thực tế, đậm chất nhân văn, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2024 sẽ góp phần nhân lên niềm tự hào dân tộc, lan tỏa lòng nhân ái và khát khao chinh phục những đỉnh cao mới trong mỗi người dân đất Việt, để từ đó làm "Rạng rỡ Việt Nam".

Nguyễn Mộc An dành Quán quân "Tiếng hát Hà Nội 2024"

Thí sinh xứ Nghệ Nguyễn Mộc An đã giành giải thưởng cao nhất của cuộc thi (ảnh BTC).
(PLVN) - Tối 25/12/2024 tại Nhà hát Hồ Gươm, Chung kết cuộc thi Tiếng hát Hà Nội 2024 do Đài Hà Nội tổ chức đã diễn ra với 15 thí sinh tranh tài. Với ca khúc "Lời ru" (sáng tác: Quang Thái) và "Mênh mang một khúc sông Hồng" (sáng tác: Phó Đức Phương), thí sinh xứ Nghệ - Nguyễn Mộc An đã giành giải thưởng cao nhất của cuộc thi.

Cần “luồng gió mới” cho phim truyền hình Việt Nam

Cần “luồng gió mới” cho phim truyền hình Việt Nam
(PLVN) - Sau giai đoạn thành công với các bộ phim về đề tài gia đình, phim truyền hình Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn khi các mô típ quen thuộc dần trở nên nhàm chán. Trong bối cảnh đó, sự xuất hiện của những tác phẩm khai thác các đề tài mới mẻ cho thấy tín hiệu đáng mừng, khẳng định sự cần thiết của một “luồng gió mới” để làm phong phú mảng phim truyền hình và đáp ứng nhu cầu khán giả hiện nay.

Triển lãm “Thiên Quang” - câu chuyện ánh sáng đất trời Thăng Long

Triển lãm truyền tải ý nghĩa về ánh sáng đất trời, tri thức, văn hóa và lịch sử lâu đời đất Thăng Long (ảnh P.V)
(PLVN) - Triển lãm “Thiên Quang” khai thác câu chuyện về ánh sáng thiêng liêng của trời và đất soi chiếu Thăng Long - nơi hội tụ văn hóa, lịch sử và tinh hoa nghề thủ công truyền thống diễn ra tại khu Thái Học, Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Từ ngày 22/12/2024 đến ngày 25/3/2025

Câu chuyện thoát nghèo của người phụ nữ Mường chinh phục Liên hoan phim quốc tế

Chị Bùi Thị Thu Huyền cầm trên tay hai chiếc cúp danh dự của Liên hoan phim SineMaya 2024. (Ảnh: TYM)
(PLVN) - Những ngày cuối năm 2024, tin vui đã đến khi bộ phim ngắn mang tên “Escaping Poverty: A Story of a Muong Woman Supported by TYM” được xây dựng dựa trên câu chuyện có thật của chị Bùi Thị Thu Huyền, một phụ nữ dân tộc Mường sống tại Thanh Sơn, Phú Thọ, đã đạt giải tại Liên hoan phim quốc tế SineMaya 2024. Bộ phim gây ấn tượng khi chị Huyền và các thành viên trong gia đình tự đóng vai chính, mang đến cảm xúc chân thực và sâu sắc.

Cuộc đời buồn của 'ông hoàng bolero' Trúc Phương

Những bản nhạc sầu thương đã vận vào đời nhạc sĩ Trúc Phương. (Nguồn: Amnhac.net)
(PLVN) - Nhạc sĩ Trúc Phương nổi tiếng khoảng những năm 60 của thế kỷ trước với dòng nhạc bolero uyển chuyển, hấp dẫn. Mỗi câu hát, lời ca của ông đều gắn liền với thân phận con người trôi nổi, đau thương, buồn khổ. Có lẽ, âm nhạc đã vận vào cuộc đời của nhạc sĩ Trúc Phương “chữ tài đi với chữ tai một vần”.