Trong vòng 10 năm, từ 2002-2011, giá bán điện đã tăng tới 75% trong khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) – “ông lớn độc quyền” – vẫn liên tục kêu lỗ? Kỳ vọng khi thị trường điện lực cạnh tranh vận hành, người tiêu dùng sẽ có tiếng nói.
Từ 2015 sẽ có thị trường bán buôn điện cạnh tranh. |
Hôm qua – 14/3, tại hội thảo khoa học “Quản lý, điều hành giá điện theo cơ chế thị trường ở Việt Nam” do Học viện Tài chính (Bộ Tài chính) tổ chức, các chuyên gia đã bàn về nhiều nghịch lý hiện tại của ngành điện và đề xuất các giải pháp tháo gỡ.
Ông Vũ Xuân Thuyên, chuyên viên cao cấp của Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thẳng thắn cho rằng, nguyên nhân của tình trạng sản lượng tăng mà giá vẫn “leo thang” là do cơ chế cho phép EVN được điều chỉnh tăng giá 5%.
“EVN mua của các nhà đầu tư bình quân khoảng 4,95 cent/kwh, có những hợp đồng chỉ mua 2,5 cent/kwh, trong khi giá điện bán lẻ cho người tiêu dùng đến nay đã tăng tới 10 cent/kwh.
Theo tôi, đó là lỗ hổng của chính sách”. Không những thế, theo ông Thuyên, dù hiện nay Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho EVN tỷ lệ tổn thất điện năng 10,02% nhưng Bộ Công thương lại phê duyệt cho tập đoàn này hơn 11%, “điều này cho thấy Bộ Công thương “bật đèn xanh” mang lại lợi ích cho EVN. Cơ chế hiện nay chỉ có lợi cho EVN, tăng giá bán lẻ nhưng chưa lại có cơ chế giá bán buôn”.
Với nhưng lập luận trên, vị này đề xuất, đối với những nhà máy điện dưới 500 MW thực hiện cổ phần hóa, Nhà nước không cần thiết phải nắm giữ cổ phần chi phối nữa. Đồng thời, kiến nghị Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng rà soát các hợp đồng mua điện của EVN với các nhà đầu tư, để đưa ra giá sàn hợp lý.
Là người trong cuộc, ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cũng bày tỏ, hiện thu hút vốn đầu tư cho các nhà máy điện hoàn toàn không đơn giản.
Đơn cử, với một nhà máy thủy điện 100 MW tối thiểu cũng cần đến 150 triệu USD, với những trung tâm điện lực trên 1.000 MW, nguồn vốn cần huy động lên tới vài tỉ USD.
Cho nên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 26/2006 về lộ trình và các điều kiện hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam, Bộ Công thương đã chỉ đạo EVN và các đơn vị trong ngành điện trong năm 2012 sẽ đưa thị trường điện cạnh tranh vào vận hành.
Theo đó, Cục Điều tiết đang thuê tư vấn nước ngoài để triển khai các bước tiếp theo về thị trường điện. Ví dụ, từ 2015 sẽ có thị trường bán buôn cạnh tranh, hộ tiêu thụ lớn có thể mua điện trực tiếp từ các nhà máy chứ không cần mua của EVN.
“Đối với giá điện bán lẻ, chúng ta muốn tiến đến thị trường tiến bộ, theo đó bất cứ hộ tiêu dùng nào cũng có quyền lựa chọn nhà cung cấp điện trên hệ thống. Ví dụ, những người sống ở quận Hoàn Kiếm có thể chọn mua điện từ Điện lực Hai Bà Trưng hoặc có thể là Điện lực TP.HCM. Tất nhiên, đây là quá trình lâu dài, sau năm 2022” - Cục trưởng Điều tiết điện lực phác thảo.
Mai Hoa