Ông Nguyễn Chí Lập (SN 1972, cư dân tại cồn Thanh Long) cho biết, trận sạt lở gần nhất là vào rạng sáng mùng 3 Tết Giáp Thìn 2024 (tức ngày 12/2 vừa qua), ảnh hưởng đến hơn 8ha đất đang canh tác của gia đình. Căn nhà ông đang ngụ cách đây hơn 4 tháng bỗng trôi xuống dòng nước...
Hiện trường ngôi nhà ông Lập bị sạt lở đất cuốn trôi xuống sông hơn 4 tháng trước. |
“Phần đất canh tác ban đầu của gia đình là 10.000m2, nay chỉ còn lại hơn 8.000m2, cũng chỉ vì sạt lở. Gia đình chúng tôi cứ sống trong hoang mang, không biết khi nào sẽ mất hết đất. Tôi đã chuyển con cháu đến nhà người thân cư ngụ, còn bản thân ở lại trông coi vì đây là đất tổ tiên, không bỏ được", ông Lập bùi ngùi nói.
Không chỉ gây thiệt hại về tài sản, sạt lở còn đe dọa tính mạng của người dân. Nhiều người dân không chịu được tình cảnh này đã phải dọn nhà đi nơi khác. Ban ngày họ quay lại cồn Thanh Long canh tác, đêm đến về lại đất liền sinh sống.
Gia đình bà Nguyễn Kim Hoa (SN 1960) có diện tích gần 1ha đất tại cồn Thanh Long trồng cây ăn quả các loại đang trong thời gian ra trái. Chưa kịp thu hoạch thành quả, bà phải rao bán hết phần diện tích đất này để về nhà (tại huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) để sinh sống cũng vì sạt lở. Tuy nhiên, suốt thời gian qua người đến xem đều lắc đầu từ chối vì lo sợ sạt lở sẽ làm mất đất. Canh tác cũng không được do nước thường tràn bờ gây ngập úng.
Ông Nguyễn Chí Lập chỉ về căn nhà từng cư ngụ nay chỉ còn là mái chòi dựng bằng tôn. |
“Tổng diện tích đất của tôi bị mất do sạt lở là hơn 1.000m2. Nhiều người thấy vậy nên ngao ngán không dám mua. Bây giờ bán cũng không được, đầu tư canh tác tiếp cũng không xong. Tôi chỉ còn phương án ban ngày tiếp tục chăm sóc cây cam, bưởi đang ra trái để sắp tới thu hoạch được đồng nào hay đồng đó. Chiều về tôi quay lại với gia đình trong đất liền”, bà Hoa nói.
Ngày 15/2, trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, ông Bùi Tấn Đảm - Chủ tịch UBND huyện Vũng Liêm thông tin, năm 2014 cồn Thanh Long có diện tích khoảng 50ha nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 40ha do sạt lở diễn ra từ nhiều năm qua (khoảng 10 lần lớn nhỏ/năm). UBND tỉnh Vĩnh Long đã công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở ở địa điểm này. Hiện, cồn Thanh Long chỉ còn khoảng 6/25 hộ sinh sống cùng với diện tích canh tác gần 17ha.
Căn nhà tại cồn Thanh Long nằm thấp thỏm bên bờ đê đã sạt lở trước đó. |
Theo ông Đảm, tình trạng sạt lở này diễn ra khá nhiều nên kinh phí để khắc phục sự cố thời gian qua đã vượt quá khả năng của huyện. Năm 2023, huyện Vũng Liêm có gửi văn bản trình, xin UBND tỉnh xem xét, nghiên cứu các phương án xây dựng đê bao kiên cố để đảm bảo đời sống người dân tại cồn Thanh Long. Sau đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường khảo sát thực tế để báo cáo thực trạng tại cồn Thanh Long nhằm có hướng khắc phục sạt lở trong thời gian sớm nhất.
"Chúng tôi luôn nỗ lực để hỗ trợ người dân trong tìm kiếm giải pháp về vấn đề sạt lở tại Cồn Thanh Long. Thời điểm xảy ra các đợt sạt lở, chính quyền địa phương nắm bắt và nhanh chóng khắc phục điểm sạt lở, vận động, di dời tài sản của các hộ dân đến nơi an toàn. Đồng thời chỉ đạo xã, ấp thường xuyên kiểm tra, báo cáo tình hình tại địa phương nhằm kịp thời xử lý, tránh tình trạng đáng tiếc về người xảy ra”, ông Đảm cho biết thêm.