Thấy ông Huấn đến nhà mình gây chuyện ghen tuông ồn ào, chửi mắng mẹ mình, Kiên liền dùng gậy gỗ đuổi đánh “kẻ gây chuyện” khiến nạn nhân tử vong sau đó. Phút nông nổi này đã khiến người con, người cháu đích tôn của gia đình đánh mất tương lai và rơi vào vòng lao lý.
Người dân xót xa cho... hung thủ
Từ quốc lộ 22, sau khi chạy vòng vèo qua 3 km đường triền đê hun hút gió, chúng tôi đến xã Kim An, huyện Thanh Oai. Vài hôm trước, tại địa phương này đã xảy ra vụ án mạng chấn động dư luận.
Theo tin ban đầu, khoảng 21h ngày 14/11, ông Nguyễn Quang Huấn (44 tuổi, ở thôn Tràng Cát, xã Kim An) đến nhà Nguyễn Văn Kiên (20 tuổi, ở cùng thôn) tìm gặp mẹ của Kiên là bà Nguyễn Thị Vị (41 tuổi). Tại đây, bà Vị và ông Huấn to tiếng với nhau nên Kiên đã can ngăn, đuổi ông Huấn về.
Đối tượng Nguyễn Văn Kiên. |
Tuy vậy, ông Huấn không về mà đứng đôi co với Kiên. Sẵn bực tức trong người bởi lời đàm tiếu lâu nay của dân làng về mối quan hệ không lành mạnh giữa ông Huấn và mẹ mình, Kiên chạy vào nhà lấy thước gỗ thợ xây ra đánh vào lưng ông Huấn. Khi ông Huấn bỏ chạy, Kiên đuổi theo vụt thêm một phát vào đầu ông Huấn khiến nạn nhân ngã bất tỉnh. Ông Huấn được đưa đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng nên tử vong vào hôm sau.
Tuy nhiên, lạ một điều là tại xã Kim An, người dân lại căm giận hung thủ và... xót xa cho kẻ thủ ác. Trong mắt nhiều người dân sở tại thì thủ phạm vẫn còn là một “thằng bé” và “thằng bé” ấy “vì giận quá nên mới mất khôn, chứ bình thường nó lành như đất”.
[poll(507)]
Thế nên, khi thấy khách hỏi thăm về nhà hung thủ, một người dân nơi đây đã hỏi ngược lại phóng viên: “Có phải mấy anh đến làm việc vụ thằng cu Kiên không?. Nó sao rồi?. Liệu có bị xử nặng không?”. Người này còn tặc lưỡi: “Tội nghiệp thằng cu Kiên. Nó ngoan và rất hiếu thuận. Tội cả bà nó nữa, giờ thì chẳng còn ai để trông mong”!?.
Mối quan hệ mờ ám giữa nạn nhân và mẹ hung thủ
Trao đổi với PLVN, bà Tâm (hàng xóm nhà Kiên) cho biết, bà Vị (mẹ Kiên) sớm góa chồng nên thiếu thốn tình cảm, rồi có "quan hệ nhạy cảm" với ông Huấn (đã có vợ) cả năm nay. Trong mắt người dân thôn Tràng Cát, hai người này là một “đôi tình nhân”, là tâm điểm của biết bao lời đàm tiếu. Dĩ nhiên là những đồn đoán đó đã đến tai con trai bà Vị - đối tượng Nguyễn Văn Kiên, cũng như mẹ chồng của bà Vị - cụ Nguyễn Thị Ấp (85 tuổi).
Về mối quan hệ của bà Vị với ông Huấn, bà Tâm nói: “Cứ mỗi lần ông Huấn đến nhà cái Vị, hai người bọn họ lại đóng cửa rồi làm gì bên trong thì không ai biết. Những lần như thế, thằng bé Kiên lại phải ra ngoài thềm nhà hoặc lên sân thượng ngồi, chẳng dám nói nửa lời”.
Về nguyên nhân ông Huấn tìm đến nhà bà Vị vào buổi tối định mệnh 14/11, bà Tâm cho hay: “Tối hôm ấy, ông Huấn nghi ngờ cái Vị có nhân tình mới nên tìm đến nhà Vị để nói chuyện. Đến nơi, ông này cứ cố kéo Vị từ trong nhà ra phía ngõ rồi hai bên to tiếng với nhau. Thấy mẹ bị chửi mắng, thằng Kiên xông ra níu mẹ mình lại, thế là giữa nó với ông Huấn xảy ra cãi cọ, đánh nhau. Sau khi gây chuyện, thằng bé sợ quá, lấy xe máy đưa ông Huấn đi cấp cứu, rồi lại chuyển lên bệnh viện tuyến trên...”.
Nạn nhân đánh hung thủ trước?
Theo sự chỉ dẫn tận tình của bà Tâm, phóng viên đã tìm thấy nhà hung thủ Nguyễn Văn Kiên. Đó là một căn nhà ngói một tầng, có vẻ mới được xây nhưng bên trong lại trống hoác, hầu như không có vật dụng nào đáng giá.
Tiếp chúng tôi, bà Nguyễn Thị Vị vừa khóc vừa nói: “Lúc vừa gây ra chuyện, nó sợ điếng người. Nhìn mặt con như muốn khóc, tôi mới đau đớn nhận ra rằng nó tuy lớn xác nhưng vẫn còn là một đứa trẻ con, không ý thức được việc làm của mình. Con tôi là đứa ngoan ngoãn, chịu khó, biết nghe lời mẹ, lại thương bà lắm, vậy mà...”.
Theo bà Vị, người chồng quá cố của bà là ông Nguyễn Văn Cường. Ông Cường làm nghề thợ xây, bà Vị cũng theo chồng làm các công việc phụ như trộn vữa, gánh gạch nên thu nhập của hai vợ chồng chẳng được là bao. Gia đình khó khăn nên sau khi học xong lớp 12, Kiên cũng nghỉ học để theo nghề giống bố.
Là người trực tiếp chứng kiến vụ án, bà Vị hồi tưởng: “Hôm đó, ông Huấn cứ đòi tôi phải ra ngoài để nói chuyện nhưng tôi vừa đi làm về mệt nên không muốn đi. Ông ấy gọi điện thoại, thấy tôi tắt máy thì nổi xung lên, đứng chờ tôi ở đầu cổng, rồi khi thấy tôi đi qua, ông ấy liền xông ra túm lấy tay tôi, kéo tôi ngược ra phía ngoài ngõ. Cháu Kiên thấy vậy xông vào giằng lấy tôi thì ông ấy lớn tiếng chửi con tôi bằng những lời hết sức tục tĩu. Ý ông ấy nói rằng thằng bé không là cái thá gì cả mà can thiệp. Thế rồi, giữa ông Huấn và cháu Kiên xảy ra xô xát. Ông Huấn đấm Kiên hai cái, một vào mặt và một vào lưng. Kiên chạy vào nhà vớ lấy chiếc thước gỗ vẫn để trong phòng đuổi đánh ông Huấn...”.
Nỗi đau của cụ bà cả đời bất hạnh
Sau khi Kiên ra đầu thú cơ quan công an về hành vi cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người, gia đình Kiên chỉ còn mẹ Kiên và bà nội của Kiên. Theo lời bà Tâm (hàng xóm nhà này), sau khi bố Kiên mất, mẹ Kiên đã cho bà nội Kiên (cụ Ấp) xuống nhà dưới ở. “Khổ thân cụ, gần 90 tuổi mà phải ở trong cái nhà dột nát, có lúc phải tự nấu cơm ăn, vẫn phải đi cấy và trồng rau để ăn”, bà Tâm nói.
Theo quan sát của phóng viên, căn nhà của cụ Ấp quả thật rất tồi tàn và dột nát, nằm sát căn nhà mà bà Vị cùng Kiên ở. Biết chúng tôi đến để tìm hiểu về chuyện của đứa cháu đích tôn, cụ Ấp nghẹn ngào bật khóc, những giọt nước mắt ngầu đục lăn dài trên gò má nhăn nheo đã hóp lại vì tuổi tác. Thều thào, cụ Ấp nói về nỗi buồn lớn nhất của cụ là cụ sợ nhất lúc Kiên được ra tù và trở về với xã hội, cụ không còn trên cõi đời nữa.
“Tôi chỉ có hai người con trai. Đứa đầu đi làm rừng trên Sơn La bị cây đè vào người, chết khi mới 23 tuổi, chưa vợ con gì. Thằng Cường là đứa thứ hai, lấy vợ cũng nghèo khổ mãi, lúc xây nhà phải lấy đất từ vườn lên tự đóng gạch. Giờ nó cũng ngã chết rồi (ông Cường ngã giàn giáo chết khi đang xây nhà - PV). Còn mỗi thằng cháu thảo, cũng bị người ta bắt mất”, nói đến đây, cụ Ấp nghẹn lời.
Về “nghi án” ngoại tình của cô con dâu, cụ Ấp chỉ thở dài buồn bã rồi nói: “Việc này chú nên đi hỏi làng hỏi xóm, có chuyện gì qua được mắt họ đâu?. Như thế sẽ công bằng và tường tận nhất”.
“Nhiều lúc tủi phận, cái thân già này chỉ muốn đập đầu vào tường rồi chết đi cho xong. Nhưng chết như thế cũng chả được yên với xóm làng. Tôi khổ lắm các chú ạ!”, cụ Ấp giãi bày.
Kiên Tâm