Ngừng tiếp nhận hồ sơ cấp phép nhập khẩu thuốc của 2 công ty dược

Ảnh minh họa: Báo Sức khỏe & Đời sống
Ảnh minh họa: Báo Sức khỏe & Đời sống
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có công văn gửi 2 công ty dược về việc ngừng tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu thuốc.

Cụ thể, Cục Quản lý Dược ngừng tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc; ngừng cấp phép nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc của Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Y tế TP HCM (YTECO) từ ngày 7/4, thời hạn áp dụng sẽ được Cục Quản lý dược thông tin sau.

Nguyên nhân, theo Cục Quản lý Dược là do YTECO nhập khẩu 11 lô thuốc Myomethol (Số giấy đăng ký lưu hành: VN-17397-13) do Công ty R.X. Manufacturing Co., Ltd. (Thái Lan) sản xuất vi phạm chất lượng mức độ 2.

Đồng thời, Cục Quản lý Dược cũng ngừng tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu thuốc; ngừng cấp phép nhập khẩu thuốc của Chi nhánh Công ty TNHH Zuellig Pharma Việt Nam từ ngày 7/4. Thời hạn áp dụng sẽ được Cục Quản lý Dược thông tin sau.

Nguyên nhân, do trong thời hạn 12 tháng, Chi nhánh Công ty TNHH Zuellig Pharma Việt Nam nhập khẩu 2 lô thuốc Zinnat Suspension (Số GĐKLH: VN20513-17; Số lô: 7S6A, 2P7N) do Công ty Glaxo Operations UK Limited (Anh) sản xuất vi phạm chất lượng mức độ 2 và 02 lô thuốc Neurobion (Số GĐKLH: VN-20021-16; Số lô: D0083217, D0006203) do Công ty PT. Merck Tbk (Indonesia) sản xuất vi phạm chất lượng mức độ 3.

Ngoài ra, Cục Quản lý Dược cũng yêu cầu ngừng nhập khẩu đối với toàn bộ thuốc, nguyên liệu làm thuốc do Công ty R.X. Manufacturing Co., Ltd. sản xuất trong thời hạn 1 năm kể từ ngày 7/4.

Nguyên nhân do Công ty R.X. Manufacturing Co., Ltd. sản xuất 11 lô thuốc Myomethol (Số giấy đăng ký lưu hành: VN-17397-13) vi phạm chất lượng mức độ 2.

Đọc thêm

Rước họa vì thói quen nhiều người hay làm

Bệnh nhân nhập viện vì uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
(PLVN) -  Liên tiếp trong thời gian gần đây, các bác sĩ tại các bệnh viện thường tiếp nhận nhiều trường hợp cấp cứu vì tự ý uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Điều đáng nói, nhiều người hiện nay tự ý sử dụng các loại thuốc này để điều trị nhiều căn bệnh như: Viêm gan B, sỏi túi mật….

Không dễ dãi với mặt hàng đặc thù liên quan sức khỏe

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (dự kiến được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024), mới đây khi được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã được chỉ ra một số nội dung cần xem xét.