“Ngọc Hà em! Lộng lẫy hoa tươi”

Làng hoa Ngọc Hà xưa. (ảnh: Tư liệu)
Làng hoa Ngọc Hà xưa. (ảnh: Tư liệu)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Hình ảnh cô gái làng hoa Ngọc Hà năm xưa lấy nước tưới cho luống hoa, phía sau là xác chiếc B-52 được trưng bày trong Bảo tàng Chiến thắng B-52 đã, đang và sẽ mãi là hình ảnh đẹp, khắc họa một thời đạn bom, khói lửa - một thời hòa bình…

Như không hề có chiến tranh

Cô gái tưới hoa ngày ấy là bà Nguyễn Thị Hoan, một người dân sống ở làng hoa Ngọc Hà, bên hồ Hữu Tiệp. Kể lại khoảnh khắc ấy, bà Hoan cho biết, đêm 27/12, Mỹ cắt bom rải thảm xuống Hà Nội. Sáng ngày 28/12, quang cảnh làng hoa Ngọc Hà tan hoang. Thế nhưng, những luống hoa bên hồ Hữu Tiệp vẫn kiên cường bám trụ trên đất, nở hoa trong bom rơi. Nhiều người dân đã đi sơ tán nhưng bà Hoan vẫn bám trụ lại ở làng. Sáng hôm ấy bà tưới hoa và cắt hoa mang ra phố bán, như không hề có chiến tranh.

Không như nhiều người vẫn nghĩ bức ảnh đó được chụp vào năm 1979, là năm bức ảnh được giải thưởng quốc tế. Bà Hoan khẳng định, đó là bức ảnh được chụp ngay vào sáng ngày 28/12/1972, sau trận oanh tạc lịch sử đêm 27/12/1972.

“Lúc đó, có nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Bảo và nhiều nhiếp ảnh nước ngoài đến, khi thấy tôi tưới hoa bèn xin chụp ảnh. Bức ảnh đã được giải trong cuộc thi ảnh thế giới và được nhiều người biết đến vào năm 1979 với chủ đề “Bom rơi nhưng hoa vẫn phải tươi”, bà Hoan chia sẻ.

Bức ảnh cũng là niềm tự hào của bà trong suốt 50 năm qua. Đó cũng là một “biểu tượng” về tinh thần lạc quan, ý chí quyết chiến của những người con Hà Nội.

Ngày nay, chứng tích chiến tranh vẫn còn đó. Hồ Hữu Tiệp luôn là niềm tự hào của người dân làng hoa Ngọc Hà, biểu tượng của chiến thắng 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Hơn 50 năm trôi qua, xác pháo đài bay B-52 vẫn nằm giữa lòng hồ, có khác chăng nay trên nó mọc lên một cây lộc vừng xanh ngát như khát vọng hòa bình và là khúc tráng ca năm xưa in đậm trong lòng người Hà Nội.

Cô gái tưới hoa bên xác máy bay B.52 rơi năm 1972. (Ảnh: tư liệu)

Cô gái tưới hoa bên xác máy bay B.52 rơi năm 1972. (Ảnh: tư liệu)

Tháng 12 năm 1972, Tổng thống Mỹ Nich-xơn ra lệnh mở Chiến dịch Linebecker II, sử dụng không quân chiến lược B-52 tập kích với quy mô hủy diệt vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã trên miền Bắc. Riêng ở Hà Nội, chúng đã sử dụng 441 lần chiếc B-52 cùng hàng ngàn lần chiếc máy bay chiến thuật, ném hơn 10.000 tấn bom, hủy diệt hàng trăm khu phố, làng mạc, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, làm hơn 3.700 người dân Hà Nội chết và bị thương. Ở nhiều nơi vẫn còn đó bia căm thù, ghi sâu tội ác kẻ gieo rắc cái chết xuống đầu dân lành, phần lớn là người già và trẻ nhỏ, ở phố Khâm Thiên, Bệnh viện Bạch Mai, Kiến Hưng, Gia Lâm, Uy Nỗ, An Dương.

Hà Nội, Hải Phòng và cả nước biến đau thương thành căm thù trút lên đầu súng. Và đó, “Trắng khăn tang em chẳng khóc đâu/ Hỡi em gái mất cha, mất mẹ”. Trong 12 ngày đêm (từ ngày 18 đến 29/12/1972) có 81 máy bay Mỹ bị bắn rơi, trong đó có 34 pháo đài bay B-52, gần 100 giặc lái Mỹ bị thiệt mạng hoặc bị bắt.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng khẳng định: “Trận Điện Biên Phủ trên không đánh thắng cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng đã diễn ra trong 12 ngày đêm tháng 12 năm 1972. Đối với Mỹ - đây là trận cuối cùng - trận thất bại lớn kết thúc 8 năm chiến tranh cục bộ xâm lược Việt Nam bằng chính lực lượng của quân đội Mỹ. Đối với nhân dân và các lực lượng vũ trang Việt Nam, đây là trận thắng Mỹ theo dự báo của Bác Hồ: Đế quốc Mỹ chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.

Rồi trên tờ lịch Tết năm ấy có ảnh của một thiếu nữ làng hoa Ngọc Hà gánh nước hồ Hữu Tiệp có xác B-52 rơi, tưới lên những luống hoa xuân...

“Cả bốn biển hoan hô Hà Nội

Pháo đài bay rụng đỏ mặt hồ.

Ngọc Hà em! Lộng lẫy hoa tươi

Xin thơm khắp miền Nam, miền Bắc...

Việt Nam ơi, máu và hoa ấy

Có đủ mai sau, thắm những ngày?”

Những câu thơ trong bài thơ “Việt Nam máu và hoa” của nhà thơ Tố Hữu viết ngày 28/1/1973 vang lên khắp phố phường Hà Nội và cả nước, nhắc nhở những đau thương, mất mát đã qua và nhiệm vụ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước... Đó là chiến thắng của tinh thần quật cường, sáng tạo. Chiến thắng của sức mạnh toàn dân tộc. Chiến thắng của ý chí sắt đá và lòng dũng cảm - của lớp lớp cháu con dòng giống Lạc Hồng. Họ sống, chiến đấu và lao động trong thời đại Hồ Chí Minh lịch sử.

Lần đầu tiên trong chiến tranh, quân dân Việt Nam đã tổ chức thực hiện thành công một chiến dịch phòng không quy mô lớn, bắn rơi tại chỗ số lượng nhiều nhất máy bay B-52, tạo sự bất ngờ lớn và nỗi kinh hoàng cho phía Mỹ, đồng thời làm chấn động dư luận thế giới. Hà Nội được thế giới vinh danh là lương tri, phẩm giá con người…

Và làng hoa ngàn năm tuổi thương nhớ

Làng hoa Ngọc Hà nay thuộc phường Ngọc Hà (quận Ba Đình, Hà Nội). Xưa kia, nơi đây vốn là một ngôi làng cổ với tuổi đời hơn một nghìn năm, trong lòng người Hà Nội xưa làng hoa Ngọc Hà vẫn luôn là một miền kí ức trong lành.

Làng hoa cổ Ngọc Hà còn gọi là Trại Hàng hoa, nằm trong Thập Tam trại (tên gọi dân gian để chỉ 13 làng nghề nằm phía Tây kinh thành Thăng Long). Từ năm 1981 làng trở thành địa phận thuộc phường Ngọc Hà, quận Ba Đình nhưng lớp người Hà Nội gốc vẫn quen gọi nơi đây là làng Ngọc Hà.

Vào mỗi dịp Tết đến, xuân về… lời ca khúc “làng lúa, làng hoa” vang lên đâu đó, người Hà Nội lại tần ngần nhớ về miền ký ức đẹp đẽ, với những bọc hoa đủ loại thơm ngát dâng lên ban thờ. Hay những gánh hàng hoa theo chân người làng Ngọc Hà len lỏi qua từng con phố.

Sử sách còn ghi chép lại: “Ở mạn Nam Hồ Tây, chỉ cách bờ hồ tầm một con đê, vốn là bức tường bao phía Bắc Hoàng thành Thăng Long, làng hoa Ngọc Hà ra đời ở ngay trên khu vườn thượng uyển của các vị vua cuối triều Lý. Người xưa đã lấy tên của dòng Ngự Hà chảy qua khu Ngự Uyển này đặt tên cho làng là Ngọc Hà như ngày nay”. Cái tên Ngọc Hà ra đời từ đó.

Bà Nguyễn Thị Hoan, cô gái trong bức ảnh ngày ấy, bây giờ. (Ảnh PV)

Bà Nguyễn Thị Hoan, cô gái trong bức ảnh ngày ấy, bây giờ. (Ảnh PV)

Người dân Ngọc Hà xưa trồng đủ các loại hoa đẹp, nhà nào, nhà nấy hai bên bờ dậu trồng đầy hoa tươi. Mới chỉ bước đến đầu làng, người ta đã cảm nhận được hương hoa thơm nức lẫn vào trong gió. Cả làng Ngọc Hà lúc bấy giờ cứ như một bức tranh đủ sắc màu, từ những giống hoa quen thuộc như cúc, hồng, lan…

Thời gian đầu, dân làng chỉ chủ yếu tập trung trồng các loại cây quen thuộc như hoa mẫu đơn, hoa huệ, hoa hồng, hoa cúc vạn thọ… Đầu thế kỷ XX, người Pháp đưa các loại hoa lay ơn, cẩm chướng, cúc, violet và rau củ ngoại đến Ngọc Hà. Người Ngọc Hà dần học được kỹ thuật trồng các loại hoa này, vừa để bán cho cả người Việt và người Pháp, vừa để chơi trong nhà mình. Các quầy bán hoa bắt đầu mọc lên ở các ngã tư các phố Tây, tập trung ở khu vực hồ Gươm, phố Hàng Lược và chợ Đồng Xuân. Vào dịp Tết Nguyên đán, hình thành chợ hoa Cống Chéo - Hàng Lược, chủ yếu do người làng Ngọc Hà bán. Cho đến những năm 1970, Ngọc Hà vẫn còn là một làng trồng hoa cung cấp hoa tươi trong nội thành Hà Nội.

Từ lâu, những khóm hoa Ngọc Hà đã đi vào thơ ca, nhạc họa. Người phụ nữ Ngọc Hà mặc áo tứ thân, gánh hoa trên phố đã trở thành nét đẹp của Hà Nội đầu thế kỷ 20… Trong kí ức của những người Hà Nội xưa, cứ mỗi buổi sáng, khi sương đêm còn chưa kịp tan, đường làng Ngọc Hà đã rộn vang bởi tiếng gọi nhau í ới của các cô hàng hoa đi chợ sớm. Cứ mỗi ngày rằm, mùng một, các bà, các chị mặc áo tứ thân, vấn khăn mỏ quạ lại gánh hoa lên phố, trên tay cầm những ngọn đèn dầu đi trong sương để kịp bày những mẹt hoa tươi rói, rực rỡ sắc hương nơi cửa chùa.

Hoa Ngọc Hà có mặt trong hầu hết các dịp lễ, tết, lễ hội, ma chay, cưới hỏi, cúng lễ và cả ngày thường. Những ngày giáp Tết, người Hà Nội có thói quen rủ nhau lên Ngọc Hà ngắm và mua hoa…

Ngày nay, “làng hoa Ngọc Hà” không còn, khi đi qua đây chỉ thấy những tòa nhà cao ốc, những căn biệt thự khang trang, đường làng, bờ rào hoa thời xưa nay đã đã được bê tông hóa. Ít ai nghĩ rằng nơi đây vốn từng là vùng hoa nổi tiếng bậc nhất Hà thành và có lẽ “làng hoa Ngọc Hà” chỉ có thể xuất hiện qua những thước phim tư liệu, qua những bức ký họa đầy thương nhớ mà thôi…

Hiện phường Ngọc Hà có khu di tích đặc biệt mang tên Phủ Chủ tịch gồm Lăng Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Quảng trường Ba Đình, di tích lịch sử hồ Hữu Tiệp và xác máy bay B-52. Bởi thế, ở đây đón tiếp hàng nghìn khách du lịch trong nước và thế giới tham quan và tìm hiểu mỗi ngày, mở ra cơ hội kinh doanh, buôn bán cho cư dân sinh sống tại phường Ngọc Hà...

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Tha thứ - Liều thuốc chữa lành tâm hồn

Tha thứ - Liều thuốc chữa lành tâm hồn
(PLVN) - Trong cuộc sống, tha thứ không chỉ là cách giúp người khác có cơ hội sửa sai, mà còn là liều thuốc giúp chính chúng ta nhẹ nhõm hơn, bớt đi những gánh nặng tâm hồn.

Điện ảnh Việt và nỗi lo tăng thuế

Điện ảnh Việt và nỗi lo tăng thuế

(PLVN) - Những năm qua, điện ảnh Việt Nam đã có những bước tiến, tăng trưởng hàng năm và có những tác phẩm “ăn khách”.Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đáng ghi nhận, ngành điện ảnh vẫn đang đối mặt với những khó khăn, rào cản về chi phí, đặc biệt vấn đề dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng - GTGT (sửa đổi) sắp tới.

Đạo làm người – con đường khó nhất

Đạo làm người – con đường khó nhất
(PLVN) - Mỗi tôn giáo, mỗi đạo lý đều dạy chúng ta cách sống hiền lành, tử tế, biết yêu thương và đối xử tốt với nhau. Nhưng trong tất cả các đạo, có lẽ đạo làm người là con đường khó nhất để thực hành.

Lặng lẽ với chính mình

Ảnh minh họa
(PLVN) - Sau những đêm trắng sẽ luôn là ánh bình minh. Và đôi khi, chỉ cần một tia sáng nhỏ bé cũng đủ để soi rọi cả một đêm dài.

Huế thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam

Lễ hội đường phố “Sắc màu văn hóa” thu hút hàng nghìn người dân, du khách tham dự.
(PLVN) - Thừa Thiên Huế là địa phương đi đầu trong việc tổ chức một hình thái lễ hội đương đại mang tầm quốc gia, quốc tế. Trải qua hơn 24 năm tồn tại và phát triển, Festival Huế đã khẳng định được thương hiệu trong lòng du khách gần xa. Festival Huế đã là một sự kiện văn hóa tiêu biểu, trở thành thương hiệu nổi tiếng trong nước và quốc tế, là dịp để giới thiệu và quảng bá hình ảnh, đất nước, con người và văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa Huế nói riêng một cách sinh động.

Hơn 300 doanh nghiệp Quảng Ninh tung gói kích cầu mùa du lịch cuối năm 2024

Một góc TP Hạ Long, Quảng Ninh điểm đến thân thiện và an toàn.
(PLVN) -  Ngày 20/11, Sở Du lịch Quảng Ninh phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh và Tập đoàn Sun Group tổ chức lễ công bố chương trình kích cầu du lịch “Quảng Ninh - Điểm đến bốn mùa”. Chương trình nhằm tăng sức hút du khách dịp cuối năm 2024. Thu hút h ơn 300 doanh nghiệp từ các lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, điểm tham quan, và du thuyền đã tham gia .