Thực tế, chỉ là vận động nhưng lại có chế tài như thực thi pháp luật vậy, có địa phương còn ban hành quy định hẳn hoi và nhiều người đã khốn khổ vì sinh con thứ ba, thậm chí, nếu không nộp phạt thì đứa trẻ không được làm thủ tục khai sinh. Giờ đây, nhận ra chủ trương đó không còn phù hợp nữa thì mới công khai chuyện chẳng có luật nào quy định việc này cả. Cái nghịch lý này bị xóa bỏ giải phóng tâm lý của nhiều người sinh con thứ ba với mặc cảm có lỗi và phục hồi tình trạng cân đối giới tính, tái sản xuất sức lao động cho xã hội và trẻ hóa dân số.
Không có luật mà có chế tài, đó là một nghịch lý và chắc hẳn là trái với chủ trương xây dựng một Nhà nước pháp quyền XHCN. Trong cuộc sống hiện tại, còn không ít các nghịch lý và lạc hậu cần xóa bỏ. Thật bất ngờ, ý kiến chính thức đưa ra đề nghị bỏ Sổ hộ khẩu lại là Bộ Y tế. Đã có nhiều ý kiến tham gia góp ý của các chuyên gia về vấn đề này, nêu rõ sự lạc hậu, kém hiệu quả của việc quản lý cư dân bằng Sổ hộ khẩu nhưng nó vẫn tồn tại. Bỏ Sổ hộ khẩu, thay bằng hình thức quản lý phù hợp, đỡ gây phiền hà cho dân, tạo điều kiện tốt để nguyên tắc hiến định “tự do cư trú”, quyền có nhà ở được thực thi. Đó cũng chính là biểu hiện của Nhà nước pháp quyền.
Mỗi một nghịch lý được xóa bỏ đánh dấu một bước tiến của xã hội dù chỉ là nghịch lý đơn thuần. Ai cũng nhận thấy việc kê khai tài sản của cán bộ chỉ là hình thức khi nó được coi là “tài liệu mật” chứ không phải là thước đo của sự trung thực, vì vậy, rất kém hiệu quả trong việc phòng và chống tham nhũng. Giờ đây, theo quy định mới của Đảng, cán bộ lãnh đạo phải “công khai tài sản”. Từ kê khai đến công khai là một bước tiến dài trong việc coi trọng dân chủ, cụ thể là quyền giám sát của người dân.
Hiện tồn tại một nghịch lý rất lớn là các “luật con” (giấy phép, thủ tục, quy định,...) “đẻ” ra rất nhiều nhưng lại trái với “luật mẹ”. Những đứa con không do mẹ đẻ ra ấy là những nghịch tử hoành hành cản trở sự làm ăn chân chính của doanh nghiệp. Nay Bộ Công Thương đi đầu trong việc loại bỏ bọn nghịch tử đó, mở đường cho doanh nghiệp phát triển, đóng góp cho xã hội được nhiều hơn.
Có những nghịch lý nhỏ nhưng gây bức xúc xã hội như mới đây ở Hưng Yên có tình trạng lợn gà lên nhà người ở, còn người phải lui xuống chuồng lợn ở, do quy định của địa phương. Không thể để nghịch lý này tồn tại ở xã hội chúng ta, cho dù chỉ là ở một đơn vị dân cư rất nhỏ. Hoặc, việc kiểm định điện thoại thông minh bằng tay, động cơ ô tô bằng mắt, hàng tiêu chuẩn châu Âu về tới Việt Nam lại không đạt chuẩn...
Xóa bỏ nghịch lý, chắc chắn sẽ làm xã hội tốt đẹp thêm!