Phép tính của chủ một công ty lắp ráp xe ô tô tải trong nước cho thấy nhiều nghi vấn về tình trạng “down” giá nhằm trốn thuế đối với xe tải nhập khẩu nguyên chiếc về Việt Nam qua cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn.
Ảnh minh họa. |
Theo tờ khai hải quan điện tử số 48… tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu Hữu nghị Lạng Sơn, Cty CP Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy đã nhập 50 chiếc xe nguyên chiếc loại “ô tô tải tự đổ, hiệu Dongfeng, model DFL3160BXA, tổng trọng lượng có tải 15800 kg, tự trọng 7905kg, tải trọng 7700kg; công suất động cơ 132KW, dung tích xi lanh 6494cm3, động cơ Diesel, tay lái thuận, cơ cấu nâng hạ thủy lực; hàng mới 100% do Trung quốc sản xuất năm 2011”. Đơn giá nguyên chiếc là 16.000 USD/chiếc. Thuế nhập khẩu là 20%, thuế GTGT là 10%.
Việc nhập khẩu xe nguyên chiếc xuất xứ Trung Quốc qua cửa khẩu đường bộ là nghiệp vụ bình thường, nhưng một phép tính khác làm phát sinh nghi vấn. Thống kê của Cty CP Trường Giang cho thấy, với loại xe trên, giá một bộ linh kiện xe có thông số tương tự “ô tô tải tự đổ, hiệu Dongfeng, model DFL3160BXA, tổng trọng lượng có tải 15800 kg, tự trọng 7905kg, tải trọng 7700kg; công suất động cơ 132KW, dung tích xi lanh 6494cm3, động cơ Diesel, tay lái thuận, cơ cấu nâng hạ thủy lực; hàng mới 100% do Trung quốc sản xuất” có giá 16.500 USD/bộ.
Rõ ràng, cùng một loại xe, cùng thông số kỹ thuật, việc xe nguyên chiếc có giá thấp hơn bộ linh kiện là điều vô lý. Trong khi đó, xe tải lắp ráp ở trong nước sẽ còn có tỉ lệ nội địa hóa gần 40%, gồm lốp, thùng…, chưa kể chi phí công thợ, nhà xưởng.
Được biết, theo quy trình thủ tục, khi nhập khẩu xe, DN mở tờ khai hải quan. Cơ quan hải quan có biểu giá để áp thuế, và trong trường hợp giá hàng hóa thấp hơn so với biểu giá, DN sẽ được đề nghị tham vấn giá tại Cục Hải quan nơi có cửa khẩu. Mỗi năm, lượng xe tải nhập khẩu qua cửa khẩu Hữu nghị không ít, và dù có hạn chế đến thế nào điều kiện tham khảo giá, thì việc giá bộ linh kiện đắt hơn giá xe nguyên chiếc là điều vô lý không thể không đặt ra.
“Là người va chạm hàng ngày với các đơn hàng từ đối tác cung cấp ở nước bạn, chúng tôi biết rõ giá của mỗi chiếc xe, và cũng biết rõ không có chuyện xe nguyên chiếc lại có giá thấp hơn bộ linh kiện xe cùng loại” – chủ một DN lắp ráp xe cho biết - “Trong khi chúng tôi nỗ lực tăng tỉ lệ nội địa hóa theo chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô, thì cách “đao” giá để trốn thuế như trên vẫn “qua mặt” được hải quan và các cơ quan chức năng đã khiến các DN lắp ráp như chúng tôi nản, và cũng giảm cả khả năng cạnh tranh của chúng tôi trên thị trường. Một chiếc xe nguyên chiếc chỉ đổ dầu vào là có thể chạy, trong khi bộ linh kiện của chúng tôi cần phải có quá trình lắp ráp, gia công các phần khác với nhiều chi phí về nhân công, nhà xưởng… mới có thể đưa ra thị trường”.
Liệu giá xe nguyên chiếc có thấp hơn giá bộ linh kiện xe cùng loại? Với 40% thuế, bao nhiêu tiền đã “lọt” qua cửa khẩu hải quan? Ngoài loại xe được chúng tôi đưa ra làm ví dụ ở trên, có bao nhiêu loại xe cũng lọt vào Việt Nam bằng cách này? Đó là chưa kể, để thực hiện được các hợp đồng “đao” giá này, một lượng không nhỏ ngoại tệ đã được lưu thông qua con đường không chính thống. Kẽ hở pháp luật nào khiến cho tình trạng này tồn tại? Chúng tôi sẽ tiếp tục trở lại câu chuyện này.
P.V.