Hôm nay, TAND huyện Từ Liêm đưa vụ án “tai nạn giao thông” hi hữu ở thôn Đại Cát xã Liêm Mạc huyện Từ Liêm (Hà Nội) ra xét xử.
Bị cáo Long tại tòa |
Hi hữu bởi người gây ra TNGT chính là người chồng của nạn nhân thiệt mạng. Ngay từ khi vụ việc mới xảy ra, dư luận đã cho rằng đây là một vụ án mạng của nạn bạo lực gia đình. Tuy nhiên, dù đã một lần Tòa tuyên đình chỉ vụ án, chuyển hồ sơ lên công an TP Hà Nội điều tra bổ xung. Nhưng tại phiên tòa sơ thẩm ngày hôm nay, bị cáo vẫn chỉ bị truy tố về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
Theo hồ sơ vụ án, Nguyễn Gia Long và Nguyễn Thị Thanh Hà đã có thời gian chung sống 16 năm. Sau một thời gian êm ấm cùng sự chào đời của hai đứa con một trai, một gái, những mâu thuẫn vợ chồng bắt đầu phát sinh. Nguyên nhân được cho là do Long có quan hệ “bồ bịch”. Đã rất nhiều lần, Long đánh vợ thừa sống thiếu chết.
Theo lời của bà Đỗ Thị Nhị, mẹ đẻ chị Hà: “Có lần, Long đã túm tóc, đập đầu con tôi liêp tiếp xuống đất, khiến con tôi phải vào viện cấp cứu. Nhiều lần Con tôi đã bỏ về nhà mẹ đẻ, anh ta lại đến van xin. Vì tương hai con nhỏ, con tôi lại quay về. Nhưng Long nhưng vẫn chứng nào tật ấy, vẫn gái gú ở bên ngoài làm mâu thuẫn gia đình càng thêm nặng nề.
Những lúc cãi nhau, Long máu sôi trào, vớ được cái gì ném cái đấy, hùng hổ như một con thú không còn tình người, nhiều lúc đóng cửa phòng lại để đánh con tôi.”. Những trận đòn trong phòng kín đó, bà Nhị chỉ được biết sau khi con gái bà mất, gia đình bà tìm lại được cuốn sổ nhật ký trong số di vật của chị.
Đỉnh điểm của sự mâu thuẫn gia đình là vào ngày 9/4/2010, Long lại tiếp tục đánh vợ. Chị Hà phải ẩn trốn trong phòng con gái chờ trời sáng để nói chuyện với hai gia đình về việc Long có bồ ở bên ngoài, và xin phép cho chị được ly hôn với Long. Sau đó, chị dọn quần áo bỏ về nhà mẹ đẻ. 6 giờ tối ngày 10/4, không thấy vợ về, Long phóng xe đi tìm, hắn lùng sục khắp nơi chị Hà có thể đến nhưng không thấy.
Tại nhà chị Dung, em gái chị Hà, Long đã nói “Tao mà tìm được thì chết với tao”. Thấy vẻ mặt hung hãn của Long, chị Dung đã gọi điện cho chị gái mình, nói phải trốn đi. Lúc đó, chị Hà đang ở một mình trong nhà bố mẹ đẻ. Sợ quá, nên chị vội chạy ra quán – nơi vợ chồng bà Nhị đang bán hàng - để dựa vào bố mẹ.
hai đứa con của bị cáo cố chen vào giữa vòng vây của cảnh sát tư pháp để được gần bố |
Chưa kịp ra đến nơi, chị Hà đã bị một chiếc xe máy đâm thẳng vào người, hất chị lên cao và rơi bất tỉnh tại chỗ. Gia đình đã đưa chị Hà đi cấp cứu tại bệnh viện Việt Đức. Ngày 17/4/2010, chị Hà đã tử vong. Người đâm xe máy ây ra cái chết cho chị Hà chính là Nguyễn Gia Long – chồng của chị Hà.
Tại CQĐT, cũng như tại phiên tòa, Nguyễn Gia Long cho rằng vì vừa đi xe máy, vừa nghe điện thoại, nên đã gây ra tai nạn giao thông. Long cũng phủ nhận hoàn toàn ý kiến của gia đình mẹ vợ rằng vì tức giận vợ mà anh ta cố ý đâm xe máy vào chị Hà.
Theo lời khai của Long, chỉ đến khi tỉnh lại tại bệnh viện (sau khi dâm xe, Long cũng bị ngã và bị ngất), Long mới biết người mình vừa đâm vào là vợ mình. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử đã đặt câu nghi vấn, Luật sư bảo vệ quyền lợi cho đại diện người bị hại cũng đã phản bác lại lời khai của Long, bởi khi xảy ra tai nạn, đèn đường hai bên thắp sáng, mà cũng chính theo Long thì khoảng cách khi Long phát hiện có người ở phía trước chỉ là 4 – 5m, nên không thể nói rằng Long không nhận ra vợ mình.
Có hay không việc Long vừa đi xe máy vừa gọi điện thoại cũng là điều chưa được làm rõ tại phiên tòa sáng nay. Bởi Long cũng không nói chính xác được lúc đó đang gọi cho ai. Một nhân chứng có mặt tại hiện trường thì khẳng định nhìn thấy Long lúc đó lái xe bằng hai tay, không dùng điện thoại di động. Một nhân chứng khác có mặt khi vụ việc đã xảy ra - cũng là người đưa Long đi cấp cứu thì nói: “Điện thoại rơi ngay sát bàn tay của Long.”.
Vị chủ tọa phiên tòa cũng cho biết, một nhân chứng khác có lời khai tại cơ quan điều tra là điện thoại của Long được tìm thấy trong túi áo của Long. Hiện nay, chiếc điện thoại cũng đã biến mất. Theo bố đẻ của Long, ông cũng không biết minh đánh mất điện thoại đó khi nào. Chỉ nhớ là người ta đã giao nó cho ông khi Long được đưa đi cấp cứu. Một vị hội thẩm đã đặt dấu chấm hỏi: Liệu một vụ va chạm làm hất tung người lên cao như thế, thì chiếc điện thoại đang cầm trên tay, có thể rơi ngay cạnh bàn tay của Long không?
Điều khó hiểu là việc có hay không chuyện Long gọi điện thoại tại thời điểm gây ra vụ án được xem là tình tiết quan trọng trong việc kết tội của bị cáo, nhưng chiếc điện thoại đã mất, và cơ quan điều tra cũng không có chứng cứ thuyết phục để khẳng định vấn đề này.
Cùng với việc khăng khăng không nhận ra vợ dù chỉ ở khoảng cách ngắn, đường sáng, và chỉ có hai người, Nguyễn Gia Long cũng cho rằng vợ chồng không có mâu thuẫn gì. Những chuyện mâu thuẫn chỉ là nhỏ nhặt, và hành vi của Long đối với vợ như đập điếu cày vào đầu vợ, hắt bia vào mặt vợ… chỉ là… nóng giận tức thời.
Người dân huyện Từ Liêm, cũng như các phóng viên báo chí đã đến tham dự chật kín phòng xử án.
Buổi sáng, hhiên tòa đã phải tạm dừng sau phần thẩm vấn |
Phiên tòa đã phải tạm dừng sau phần thẩm vấn. Chiều nay, Hội đồng xét xử sẽ tiếp tục làm việc.
Khi Nguyễn Gia Long bị dẫn giải ra xe, hai đứa con của bị cáo cố chen vào giữa vòng vây của cảnh sát tư pháp để được gần bố. Những tiếng khóc của trẻ thơ, gọi bố, gọi mẹ, khuôn mặt non nớt nhòa nước mắt làm những người chứng kiến cảnh tượng này phải nghẹn lòng./.
Vân Tùng