Zandile Christmas Mafe, 49 tuổi, bị bắt quanh khu phức hợp quốc hội ở Cape Town sau khi vụ hỏa hoạn bùng phát hôm 2/1 và ra hầu tòa 3 ngày sau đó.
Thẩm phán Zamekile Mbalo đã cho các công tố viên trì hoãn một tháng để xác định tình trạng tâm thần của Mafe và "liệu anh ta có đủ sức khỏe để xét xử hay không" sau khi được chẩn đoán rằng anh ta bị tâm thần phân liệt.
Ban đầu, Mafe bị buộc tội đột nhập tòa nhà Quốc hội, đốt phá và có ý định đánh cắp tài sản, bao gồm máy tính xách tay, đồ sành sứ và tài liệu, trước khi bị bổ sung cáo buộc khủng bố. Các công tố viên cho biết cáo buộc bổ sung được đưa ra sau khi các nhà điều tra xem đoạn phim CCTV từ nhà Quốc hội vào thứ Hai.
Zandile Christmas Mafe tại Tòa ở Cape Town vào thứ Ba (11/1/2022). Ảnh: AFP |
Một cáo buộc mới được đọc là "bị cáo phạm tội làm trái các quy định của ... bảo vệ nền dân chủ hợp hiến chống lại các hoạt động khủng bố và liên quan", theo một tài liệu của tòa án. "Bị cáo đã thực hiện trái pháp luật và cố ý giao, đặt, phóng điện hoặc kích nổ một chất nổ, hoặc thiết bị gây chết người khác trong ... tòa nhà Quốc hội với mục đích ... gây ra thiệt hại lớn", hồ sơ vụ án ghi.
Luật sư bào chữa Dali Mpofu cho biết Mafe "được đưa (vào) để quan sát tâm thần vào ngày 3/1" và được chẩn đoán mắc bệnh "tâm thần phân liệt hoang tưởng". Ông Mpofu là một trong những luật sư nổi tiếng nhất Nam Phi, có những khách hàng cao cấp bao gồm cựu Tổng thống Jacob Zuma.
Hiện Mafe đang xin tại ngoại và thề rằng "nếu đơn xin tại ngoại của anh ta không được chấp thuận và anh ta không được trả tự do, kể từ thời điểm này, anh ta sẽ tuyệt thực", luật sư Mpofu nói trong phòng xử án.
Theo luật sư Mpofu, Mafe, người được nhiều người mô tả là người vô gia cư, "không hiểu tại sao chính phủ, vốn không thể nuôi anh ta khi anh ta nghèo ở ngoài và tự lo cho bản thân, giờ lại muốn nuôi anh ta (giam giữ anh ta) thêm một thời gian nữa".
Không tiết lộ chi tiết, ông Mpofu cho biết khách hàng của ông tin rằng mình là "nạn nhân và bị nhắm mục tiêu cụ thể vì nghèo".
Kể từ khi Mafe bị bắt, cuộc tranh luận đã nổ ra ở Nam Phi về việc liệu Mafe, được mô tả trên các phương tiện truyền thông địa phương là người vô gia cư, có phải chịu trách nhiệm trong việc đốt tòa nhà Quốc hội hay không. Những người biểu tình bên ngoài tòa nhà yêu cầu trả tự do cho anh ta và nói rằng anh ta là vật tế thần.
Khói bốc lên từ nóc tòa nhà Quốc hội Nam Phi ngày 2/1/2022 trong vụ hỏa hoạn. Ảnh: Times of Israel
Một báo cáo sơ bộ của thành phố Cape Town vào tuần trước cho biết hệ thống phát hiện cháy xuất hiện "bị lỗi", "vòi phun nước không kích hoạt" và việc bảo trì (dự kiến vào tháng 2/2020) đã không được thực hiện.
Các nhân viên cứu hỏa đã phải mất hơn hai ngày mới dập tắt được ngọn lửa xé toạc phòng họp chính của Quốc hội ốp gỗ. Không có thương vong nào được báo cáo trong vụ hỏa hoạn, nhưng thiệt hại lớn đã làm rung chuyển đất nước và buộc Quốc hội Nam Phi phải chuyển đến một địa điểm thay thế ở Cape Town.
Tổng thống Cyril Ramaphosa vào cuối tuần trước cho biết các sự cố như vụ hỏa hoạn ở tòa nhà Quốc hội, đã làm suy yếu an ninh và sự ổn định của đất nước.
Quốc hội Nam Phi đặt tại Cape Town, trong khi chính phủ của quốc gia này đặt tại Pretoria, gần trung tâm kinh tế Johannesburg.