Để có thể khởi nghiệp thành công, thì vấn đề vốn luôn là điều kiện tiên quyết đối với bất kỳ một start-up nào. Tuy nhiên, với bản chất rủi ro lớn của các start-up, thì các kênh huy động vốn truyền thống như vay vốn ngân hàng hầu như không thể.
Vì vậy, các start-up Việt Nam thường huy động vốn từ các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức chuyên đầu tư vào khởi nghiệp, thậm chí đầu tư vào các cá nhân/nhóm cá nhân chưa thành lập doanh nghiệp mà mới chỉ đang phát triển sản phẩm dịch vụ.
Tuy nhiên, các khoản đầu tư này lại có nhược điểm là không lớn, hạn chế sự phát triển của các start-up. Vì vậy, nhu cầu huy động vốn qua các kênh, như: công ty đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư mạo hiểm là vô cùng cấp thiết để cung cấp nguồn lực nuôi dưỡng thành công các ý tưởng đổi mới sáng tạo.
Theo bà Phan Hoàng Lan, đại diện Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ, vào tháng 3 Chính phủ đã ban hành Nghị định 38/2018/NĐ-CP quy định về Đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, đã tạo sự đồng thuận rất lớn cho doanh nghiệp. Rất nhiều nhà đầu tư khi nhìn thấy chính sách của Việt Nam bắt đầu khuyến khích đầu tư khởi nghiệp, đã vào tìm hiểu.
Về phía Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), bà Trịnh Thị Hương cũng cho rằng, trước khi có Nghị định 38/2018/NĐ-CP, các quỹ đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo chủ yếu là các quỹ ngoại, còn các nhà đầu tư trong nước hoạt động dưới hình thức công ty. Bên cạnh đó, nhà đầu tư trong nước muốn lập quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo mô hình thông lệ quốc tế rất khó đáp ứng các điều kiện thành lập, yêu cầu của Luật Chứng khoán, và hầu như không tham gia đầu tư cho khởi nghiệp.
Nghị định 38/2018/NĐ-CP đã bổ sung thêm một kênh mới đầu tư về quỹ khởi nghiệp cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; đưa ra nguyên tắc chung, quy định chung làm cơ sở pháp lý cho các nhà đầu tư tư nhân khi cùng nhau góp vốn thức hiện hoạt động đầu tư khởi nghiệp sáng tạo thông qua hình thức quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.
“Mặc dù Nghị định này không hoàn toàn giúp thu hút đầu tư cho khởi nghiệp nhưng đây sẽ là động thái giúp khơi thông dòng vốn cho khởi nghiệp sáng tạo thông qua việc khuyến khích thành lập các công ty đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, Nghị định này hiện không có Thông tư hướng dẫn. Do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn đang bổ sung thêm mã ngành, nghề đầu tư khởi nghiệp sáng tạo; ngành, nghề thực hiện quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo” - bà Hương nói.
Trong thời gian tới, Đề án 844 sẽ tiếp tục nghiên cứu các cơ chế chính sách đầu tư tiếp theo cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các thành phần kinh tế, để thúc đẩy môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh nghiên cứu, đề xuất cơ chế thu hút đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo từ nhà đầu tư trong nước, nước ngoài, đặc biệt là từ kiều bào, tri thức Việt Nam ở nước ngoài...
Ông Hồ Nghĩa Thứ, Chủ tịch Công ty Cổ phần kiến trợ, tạo thành công và hạnh phúc cho rằng, trước đây, sợi dây kết nối giữa các doanh nghiệp và quỹ đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo còn hạn chế, thì Nghị định 38/2018/NĐ-CP đã tạo ra cầu nối tốt hơn. Khi đã có sợi dây kết nối, các nhà đầu tư chưa dám đầu tư vào doanh nghiệp trẻ sẽ mạnh dạn hơn.
“Với Nghị định 38/2018/NĐ-CP thì đầu tư đã là một nghề, tiếp cận đầu tư sẽ tốt hơn, đặc biệt các cơ chế ưu đãi, thuế… tốt hơn. Ngoài Nghị định 38, tôi cho rằng, hành lang pháp lý, về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đào tạo cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và cung – cầu phải gặp nhau. Chính phủ có thể xem xét thử nghiệm sàn giao dịch, sàn gọi vốn giữa nhà đầu tư và các DN khởi nghiệp sáng tạo…” – ông Thứ nói.