Tư pháp TPHCM mỗi năm một chuyển biến tốt đẹp
Trong năm 2020, công tác xây dựng thể chế phục vụ chính quyền TP được Tư pháp TP tiến hành thường xuyên, có chất lượng. Sở Tư pháp đã góp ý, thẩm định 289 dự thảo văn bản (tăng gần 13% so với năm 2019); xử lý hoặc kiến nghị xử lý 157 văn bản pháp luật đã hết hiệu lực, văn bản trái quy định, góp phần tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn TP.
Công tác tư vấn pháp lý cho Thành ủy, HĐND - UBND TP được Sở Tư pháp quan tâm thực hiện tốt, đảm bảo chặt chẽ về mặt pháp lý (thực hiện tư vấn gần 600 vụ việc, tăng gần 50% so với năm 2019), tư vấn những vụ việc phức tạp, kéo dài, những dự án đầu tư lớn…. Đặc biệt, Sở Tư pháp đã kịp thời tham mưu lãnh đạo TP xây dựng thành công Đề án Chính quyền đô thị tại TPHCM và Đề án thành lập TP Thủ Đức, đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua trong tháng 11 và 12/2020.
Cạnh đó, quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hành chính tư pháp ngày càng được tăng cường, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký quản lý hộ tịch được triển khai đồng bộ, có hiệu quả. Đề án Số hóa sổ bộ hộ tịch được triển khai trên toàn địa bàn TP với tổng kinh phí gần 200 tỷ đồng. Công tác cải cách thủ tục hành chính có những đột phá với nhiều sáng kiến, giải pháp hiệu quả mang lại lợi ích, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp…
Với những thành tích đạt được, trong năm 2020, Sở Tư pháp TPHCM được vinh dự xếp hạng “Xuất sắc” trong khối các Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (hạng 2 Toàn quốc và hạng nhất Khu vực thi đua miền Đông Nam Bộ) và được tăng danh hiệu “Cờ thi đua Ngành Tư pháp”.
Lắng nghe báo cáo cùng các tham luận, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh nhận thấy sau mỗi năm, ngành Tư pháp TP.HCM lại đạt thêm những kết quả tốt đẹp hơn, rực rỡ hơn. Mặc dù TPHCM là một trong những địa phương chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng ngành Tư pháp TP đã có những chuyển biến tích cực hơn so với những năm trước đây, một số mặt công tác mang tính điển hình, đột phá, sáng tạo, đóng góp chung vào hiệu quả công tác của Bộ, Ngành và địa phương.
Tập trung nguồn lực thực hiện tốt 8 nhiệm vụ trọng tâm
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đã chỉ rõ những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, nhất trí với phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác của ngành Tư pháp TPHCM trong năm 2021. Thứ trưởng cũng lưu ý Tư pháp TP quan tâm, tập trung nguồn lực thực hiện tốt 8 nhiệm vụ trọng tâm, như tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII; tiếp tục phát huy vai trò là cơ quan tư vấn pháp lý tin cậy của Thành ủy, HĐND, UBND TP; chú trọng việc tổ chức thực hiện hiệu quả các Luật có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, ngành Tư pháp mới được Quốc hội thông qua trong năm 2020; Tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, hoạt động của các cơ quan tư pháp tại địa phương theo quy định mới; Đổi mới công tác phổ biến giáo dục pháp luật, tăng tính tương tác; Tăng cường quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm, bồi thường nhà nước…; Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp; Thực hiện các giải pháp nhằm tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường khai thác, sử dụng hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến theo kế hoạch chung của Bộ…
“Với sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND TP, Ban cán sự đảng, tập thể Lãnh đạo Bộ, tôi tin tưởng trong năm 2021, ngành Tư pháp TP sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, kịp thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc để tiếp tục hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao”, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh bày tỏ.
Phát biểu tại Hội nghị Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu đánh giá ngành Tư pháp TP trong những năm qua đã hoàn thành xuất sắc vai trò, nhiệm vụ của mình. Đạt được kết quả này, ngoài sự nỗ lực, phấn đấu của toàn Ngành, của mỗi cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp TP, còn có sự hỗ trợ giúp đỡ hết sức to lớn của Bộ Tư pháp, đã thường xuyên theo dõi, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn, giải quyết các kiến nghị, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác tư pháp nói chung và Ngành Tư pháp TP nói riêng. Đặc biệt trong hai Đề án quan trọng vừa qua được Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua là Đề án xây dựng chính quyền đô thị của TP và Đề án thành lập TP Thủ Đức, TPHCM.
Ông Châu mong muốn lãnh đạo Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn Ngành Tư pháp TP và sát cánh, hỗ trợ TP để TP hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mình, đặc biệt trong bối cảnh TP triển khai thực hiện Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM”.