Năm 2023, ngành Tư pháp tỉnh Quảng Ninh đã tập trung triển khai quyết liệt, toàn diện các lĩnh vực công tác tư pháp để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm (2021 - 2025). Tích cực, chủ động tham mưu Tỉnh ủy, HĐND ban hành và ban hành các văn bản để triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả công tác tư pháp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, ngành đã tham mưu xây dựng 02 dự thảo Đề án của Tỉnh ủy, 01 Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, 05 Nghị quyết của HĐND tỉnh, 01 Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh, 01 Đề án của UBND tỉnh trong công tác tư pháp; chỉ đạo cơ quan, đơn vị, địa phương ban hành và tham mưu ban hành đầy đủ các chương trình, kế hoạch công tác giai đoạn, hằng năm, các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo công tác tư pháp trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Bộ Tư pháp và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bên cạnh đó, cơ quan Tư pháp các cấp đã tích cực phổ biến, giáo dục pháp luật phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; quan tâm nâng cao chất lượng công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật; chú trọng phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho người dân, vùng sâu, vùng xa; tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm sau thanh, kiểm tra; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tập trung các nhiệm vụ phục vụ công tác quản lý, điều hành, xây dựng Cơ sở dữ liệu công chứng, Số hóa sổ hộ tịch, giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến; đẩy mạnh hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06...
Thừa ủy quyền, Giám đốc Sở Tư Pháp tỉnh Quảng Ninh trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho 01 tập thể, 02 cá nhân. |
Thông tin về kết quả một số lĩnh vực công tác mà ngành đã đạt, ông Lê Thành Cung – Giám đốc Sở Tư Pháp tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Năm 2023 toàn tỉnh đã ban hành 456 văn bản quy phạm pháp luật, ttrong đó cơ quan Tư pháp đã thực hiện thẩm định 485 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời thực hiện rà soát 493 văn bản và đã xử lý 179 văn bản; tổ chức 15.801 cuộc phổ biến pháp luật cho 2.117.503 lượt người tham dự; cấp 31.528 phiếu lý lịch tư pháp; trợ giúp pháp lý 395 vụ việc/395 người.... Một số kết quả công tác năm 2023 cũng tăng cao so với cùng kỳ năm 2022 như phổ biến pháp luật, đăng ký khai sinh, lý lịch tư pháp, trợ giúp pháp lý’’.
Đáng chú ý, trong năm qua, ngành tư pháp tỉnh cũng tham gia đẩy mạnh các hoạt động thi đua chào kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh (30/10/1963 - 30/10/2023); thực hiện chủ đề công tác năm 2023 về “Nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân”...chú trọng truyền thông, phổ biến về chính sách, pháp luật mới, phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.
Lãnh đạo Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh trao Giấy khen của Giám đốc Sở Tư pháp cho các tập thể có thành tích xuất sắc. |
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song công tác tư pháp trong năm qua trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số hoạt động phổ biến giaó dục pháp luật triển khai hiệu quả còn chưa cao, có lúc, có nơi còn dàn trải, hình thức; Việc phát triển các tổ chức hành nghề công chứng, luật sư, thừa phát lại tại một số địa bàn vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn; Công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác tư pháp còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, chưa được tháo gỡ kịp thời.
Năm 2024, tỉnh Quảng Ninh xác định là năm có ý nghĩa quan trọng để bứt phá hoàn thành Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm (2021 - 2025). Dự báo bên cạnh những thuận lợi, thời cơ, đan xen khó khăn, thách thức, tỉnh vừa phải thực hiện tốt các nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều, yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao; vừa phải tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài và kịp thời ứng phó với những vấn đề cấp bách, mới phát sinh...
Lãnh đạo Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh trao Giấy khen của Giám đốc Sở Tư pháp cho các cá nhân có thành tích xuất sắc. |
Trên cơ sở bám sát chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của toàn tỉnh, ngành Ngành Tư pháp Quảng Ninh xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 và hết nhiệm kỳ. Trong đó, tập trung công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL; quản lý xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; hòa giải ở cơ sở.
Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp, đăng ký biện pháp bảo đảm, bồi thường nhà nước. Tham mưu, tăng cường công tác quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Triển khai có hiệu quả công tác xây dựng ngành, đào tạo, bồi dưỡng; cải cách hành chính, thi đua khen thưởng. Thực hiện nghiêm túc công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết đơn thư; phòng chống tham nhũng.
Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ trên, trong thời gian tới ngành Tư pháp tiếp tục đổi mới, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực công tác của ngành. Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, đổi mới, sáng tạo, đột phá, ưu tiên các nhiệm vụ liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành, đáp ứng yêu cầu tình hình mới.
“Chú trọng đầu tư nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các lĩnh vực của ngành, hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ được giao. Phối hợp với các cơ quan đề xuất tháo gỡ vướng mắc trong triển khai các ứng dụng công thông tin, phần mềm công tác để triển khai được đồng bộ, hiệu quả” - ông Lê Thành Cung cho biết thêm.
Bên cạnh đó, ngành cũng kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác để lan tỏa gương điển hình tiên tiến trong toàn ngành.