Ngày 9/12, tại Hà Nội, Bộ Công an đã tổ chức hội thảo khoa học “Chuyển đổi số hoạt động thư viện trong Công an nhân dân: Thực trạng và giải pháp”. Hội thảo có sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà quản lý, nhà nghiên cứu khoa học...
Theo Ban tổ chức hội thảo, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy mạnh mẽ việc chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số nhằm phát triển kinh tế số, chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số, xã hội số.
Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an luôn chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác Công an; ban hành nhiều kế hoạch chương trình hành động, tổ chức thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ giao và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Nghị quyết Đại hội VII nhiệm kỳ 2021 – 2025 của Đảng bộ Công an Trung ương đã xác định tăng cường phát triển, ứng dụng thành tựu khoa học – kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại trong các mặt công tác Công an; phát triển môi trường số trong Bộ Công an, đảm bảo hiệu quả hoạt động của bộ máy Chính phủ số trong Bộ Công an, trong đó có Chương trình chuyển đổi số hoạt động thư viện trong Công an nhân dân.
Bộ Công an đã đưa nhiệm vụ chuyển đổi số ngành thư viện là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình Chuyển đổi số trong Công an nhân dân.
Phát biểu tại hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Công Bẩy, Phó Cục trưởng Cục Công tác Đảng và công tác chính trị (Bộ Công an) khẳng định, hoạt động thư viện nói chung và hoạt động thư viện trong Công an nhân dân nói riêng đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và Bộ Công an. Hoạt động thư viện Công an nhân dân chủ động, dựa vào nội lực là chính, vừa đồng thời phát huy sức mạnh tổng hợp của các loại hình thư viện trong mối liên kết chặt chẽ, thúc đẩy nhau cùng phát triển giữa các thư viện trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân.
Hoạt động thư viện Công an nhân dân đẩy mạnh xã hội hóa, tranh thủ tối đa các nguồn lực do Nhà nước và nguồn lực xã hội hoá đầu tư cho hoạt động thư viện. Thực tế, lực lượng Công an nhân dân là lực lượng vũ trang nên có những phương thức tổ chức, hoạt động thư viện phù hợp với các quy định của Luật Thư viện Việt Nam, phù hợp với đặc thù của lực lượng vũ trang…
Vì vậy, hội thảo được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về Chương trình chuyển đổi số thư viện, đánh giá những thời cơ, thách thức của chuyển đổi số đối với chủ trương xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng thảo luận, đề xuất nhiều giải pháp thực hiện chủ trương, chính sách phát triển thư viện của Chính phủ, Bộ Công an, cụ thể hóa nội dung chương trình đẩy mạnh tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Chương trình chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ.
Các đại biểu còn chia sẻ nhiều kinh nghiệm hay về đẩy mạnh chuyển đổi số, ưu tiên phát triển tài nguyên số; phát triển sản phẩm thông tin, đổi mới dịch vụ thông tin thư viện nâng cao năng lực cán bộ quản lý và nhân viên thư viện. Nhiều ý kiến đề nghị tăng cường chuẩn hóa nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các thư viện, hỗ trợ đảm bảo khả năng tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức, nâng cao kiến thức, kỹ năng đọc, phát triển văn hóa đọc…
Theo Thiếu tướng Nguyễn Công Bẩy, quy hoạch chuyển đổi số thư viện trong Công an nhân dân phù hợp với quy hoạch phát triển ngành thư viện chung của đất nước. Hoạt động thư viện trong Công an nhân dân đặc biệt lưu ý đảm bảo tính bền vững, phát triển lâu dài và ổn định. Đầu tư cho hoạt động thư viện là đầu tư cho giáo dục, đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong Công an nhân dân.