Sau tuyên bố của NHNN về lãi suất cho vay hợp lý chỉ còn 14% -16,5%/ năm, phần lớn doanh nghiệp và chuyên gia đều nhận định, việc tiếp cận vốn vẫn không đơn giản …
Khách hàng làm thủ tục vay vốn. |
Lãi suất công bố giảm ào ạt
Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) công bố điều chỉnh lãi suất huy động tiền đồng, có hiệu lực từ ngày 13/3, ngay sau khi NHNN quyết định hạ lãi suất. Đại diên ngân hàng OceanBank cho biết, đã áp dụng các chương trình ưu đãi như cho vay ưu đãi đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân… hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, lâm ngư nghiệp, diêm nghiệp… nhằm phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn với lãi suất thấp hơn 2-3%/năm so với biểu lãi suất cho vay thông thường tại OceanBank.
Chương trình ưu đãi lãi suất đối với các khoản vay mua nhà để ở bằng tiền công, tiền lương, hoặc xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp cũng được ngân hàng đẩy mạnh. Trong tháng 3, OceanBank cũng giảm 1,5% lãi suất cho khách hàng cá nhân là phụ nữ với các khoản vay tiêu dùng. Bên cạnh đó, ngân hàng vẫn tiếp tục thực hiện gói chính sách ưu đãi cho khách hàng DN vừa và nhỏ (SMEs) với nhiều ưu đãi về lãi suất, phí đối với các dịch vụ ngân hàng như tài khoản thanh toán, thanh toán quốc tế, bảo lãnh ngân hàng…, rút ngắn thời gian thẩm định, xét duyệt tín dụng và thời gian giải ngân.
Các tổ chức tín dụng đều khẳng định sẵn sàng đáp ứng vốn khi lãi suất cho vay hạ nhiệt, tuy nhiên, giới DN vẫn còn nhiều băn khoăn. Theo ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam - nhanh thì một 2 tuần, chậm thì cả tháng sau chủ trương lãi suất 14 -16% mới đi được vào thực tế; chưa kể thời gian từ khi DN làm thủ tục đến khi ngân hàng giải ngân còn xa nữa. Trong khi đó, theo Giám đốc Cty XNK đồ gỗ Nguyễn Phú Hiếu, DN của ông đã tiếp cận được nguồn vốn lãi suất vào khoảng từ 16-17,5%, tức thấp hơn trước từ 1% mà đã là niềm mơ ước của bao DN khác; muốn vay vốn với lãi suất thấp hẳn 14%, theo ông Quý, vẫn là điều “quá khó”.
TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư - cho rằng, sau khi gia nhập WTO, DN hiểu mình, hiểu người hơn và đã có cách nhìn, cách phát triển dài hạn hơn. Không chỉ liên quan đến tài chính, đến tiền mà hiện nay DN VN cũng hiểu rằng, có mối quan hệ rất mật thiết giữa kinh doanh, tiền, lợi nhuận và sự phát triển chung. Tuy nhiên, còn không ít DN chưa biết cách thích nghi với các “cú sốc” thị trường, giá cả, chính sách; sẽ phải học hỏi rất nhiều cách quản trị, chống đỡ với rủi ro mới có thể đảm bảo sự ổn định và kinh doanh thuận lợi trong trung và dài hạn.
Chọn mặt gửi vàng
Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam - ông Phạm Xuân Hồng - nhìn nhận với lãi suất trên dưới 20%/năm như trước đây là quá cao, nay có hạ xuống 1-2% thì cũng vẫn còn rất cao so với hầu hết các DN vừa và nhỏ, nhất là các DN ngành dệt may vốn lợi nhuận rất thấp. Theo ông Hồng, với mức hạ lãi suất kể trên thì ngân hàng có cho vay DN cũng không dám vay. Lãi suất cho vay khoảng 15%/năm thì may ra các DN ngành dệt may mới có thể kham nổi nhưng với tình cảnh hiện nay, mức lãi suất đó chỉ là “giấc mơ” của DN.
Cơ sở để giảm lãi suất cho vay theo tính toán của NHNN là thanh khoản hệ thống NHTM đã cải thiện, điều này cũng được các chuyên gia xác minh. Tuy nhiên để thực hiện được lộ trình vốn đi vào DN lại là câu chuyện không hề đơn giản.
Ông Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc NHNN - cho rằng, nguồn vốn hiện nay chưa thật sự dồi dào để cung ứng cho DN. Bên cạnh đó, bản thân NHTM vẫn đang ám ảnh “nợ xấu” của năm 2010 - 2011. Tỷ lệ nợ xấu vẫn còn cao khiến cho chất lượng các gói tín dụng giá rẻ cũng bị ảnh hưởng. NH thừa hiểu rằng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn thì càng cho vay nợ xấu càng tăng; khi khống chế được điều này thì chất lượng cũng như quy mô lãi suất thấp sẽ lan tỏa rộng hơn. Và cuối cùng, do thời gian thực hiện tuyên bố giảm lãi suất chỉ mới diễn ra rất ngắn, có nghĩa là chính sách đang triển khai. Lãi suất giảm nhưng điều kiện đi kèm lại không có gì thay đổi khiến cho DN khó tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp. Ông Kiêm cho rằng, tất cả những điều này chắc sẽ được NHNN chỉnh sửa dần.
Ông Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện nay, NHNN mới công bố hạ trần lãi suất huy động, còn việc mức lãi suất mà các ngân hàng thương mại cho cá nhân, tổ chức vay vẫn chưa hề hạ. “Theo tôi, giải pháp tốt nhất có thể hạ lãi suất, đó là chúng ta phải giảm được lạm phát chứ với mức lạm phát như hiện nay, tháng 2 là 16%-17%, lãi suất hiện nay 15-18%/năm thì kể cả cho vay, các DN cũng chẳng dám vay. Ngay cả những DN chấp nhận mức lãi suất này thì DN chẳng dễ tiếp cận bởi lẽ, các ngân hàng chủ yếu cho vay bằng thế chấp (chủ yếu là nhà đất), còn lại cho vay bằng tín chấp và bảo lãnh rất ít. Theo tôi, đến khi nào lạm phát hạ xuống còn về 1 con số và lãi suất ngân hàng cho các DN xuống còn 13%-14%, thì khi đó DN mới dám vay.”
Một chuyên gia kinh tế phân tích, gốc của vấn đề là NH chưa thật giàu vốn. Khi lãi suất huy động hạ xuống, dòng vốn đã bị chia năm xẻ bảy, chạy từ ngân hàng sang các kênh đầu tư khác. Trước mắt, NHTM phải dùng đến chính sách về dịch vụ để bảo vệ đồng tiền của mình đã rồi sau đó mới tính đến việc cho vay vốn . “Họ buộc phải thẩm định xem DN nào hợp, đủ tiêu chuẩn để cho vay, chứ không thể phóng đồng vốn dễ dãi được”. Theo chuyên gia này, NHTM vẫn phải đảm bảo quyền được tiếp cận vốn của DN nhưng họ phải chọn địa chỉ, chọn DN. Bản thân ngân hàng là DN đi buôn tiền, họ muốn cho vay chỗ nào để có thể nhanh thu lại vốn. Ngân hàng có vốn nên NH “nắm đằng chuôi”….
Như Trang