Nga - Trung xích lại gần nhau giữa căng thẳng với Mỹ

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại lễ ký hợp đồng cung cấp khí đốt trong 30 năm tại Thượng Hải tháng 5/2014
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại lễ ký hợp đồng cung cấp khí đốt trong 30 năm tại Thượng Hải tháng 5/2014
(PLO) - Bị Mỹ trừng phạt và phát động cuộc chiến thương mại, Nga - Trung đang thân thiết hơn bao giờ hết trong lịch sử mối quan hệ 400 năm.

Fu Ying, chủ tịch Ủy ban đối ngoại của quốc hội Trung Quốc, nhớ lại rằng khi còn trẻ, bà thường bị đánh thức bởi tiếng còi báo động giữa đêm về những cuộc diễn tập đề phòng Liên Xô. Đó là thời điểm Cách mạng Văn hóa đang diễn ra ở Trung Quốc và đối với mỗi người dân, "mối đe dọa" Liên Xô luôn hiện hữu.

Quan hệ Nga - Trung ở thời kỳ đỉnh cao

Thế giới ngày nay đã thay đổi khi Nga và Trung Quốc đang trở nên thân thiết hơn bao giờ hết trong lịch sử mối quan hệ 400 năm giữa hai nước. Sự tiến triển quan hệ song phương diễn ra trong bối cảnh Mỹ nhắm đến cả hai quốc gia bằng các lệnh trừng phạt và đặc biệt là cuộc chiến thương mại với Trung Quốc mà Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động hồi tháng 6. 

"Không còn mối đe dọa nào từ Nga. Chúng tôi cảm thấy thoải mái về nhau", Fu nói tại khách sạn thuộc khu nghỉ dưỡng Sochi của Nga, nơi bà đang tham dự một hội nghị. Tuy nhiên, bà không có cảm giác này với Mỹ.

Trong bài phát biểu tháng trước, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence cho biết Washington đã phản ứng với "sự hung hăng của Trung Quốc" bằng quân đội và thuế thương mại. Pence nói rằng Trung Quốc đang gây ảnh hưởng tới các nước khác và cố tình đẩy Mỹ khỏi khu vực Tây Thái Bình Dương.

Ngay cả khi Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đạt thỏa thuận dừng cuộc chiến thương mại trong cuộc gặp dự kiến diễn ra cuối tháng 11, nhiều người Trung Quốc cũng không dễ quên bài phát biểu này. 

Trong bối cảnh bị Mỹ gây sức ép, việc Trung Quốc rót vốn đầu tư và mua năng lượng giúp Nga dễ dàng vượt qua áp lực kinh tế trong vấn đề Ukraine. Đổi lại, Nga bán dầu, hệ thống phòng thủ tên lửa và chiến đấu cơ cho Trung Quốc, buộc Mỹ phải tính toán lại chiến lược ở Thái Bình Dương để đề phòng bất kỳ sự cạnh tranh nào với Bắc Kinh. Sự phối hợp của Nga - Trung trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng giúp hai bên hỗ trợ lẫn nhau và làm khó Mỹ trong nhiều vấn đề. 

Một nghiên cứu gần đây của Viện Nghiên cứu châu Á có trụ sở tại Seattle, Mỹ, đặt câu hỏi liệu chính sách của Mỹ có sai lầm khi khiến Nga - Trung xích lại gần nhau; và liệu Mỹ có nên điều chỉnh đường lối bằng cách giúp “người khổng lồ châu Âu” cô lập quốc gia đông dân nhất thế giới. Một số chuyên gia cho rằng Washington có thể phải chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất là cuộc chiến trên hai mặt trận.

Mối quan hệ thân tình giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và ông Tập góp phần không nhỏ trong quan hệ Nga - Trung hiện nay. Họ gặp nhau nhiều hơn bất cứ lãnh đạo thế giới nào, tặng huy chương và thậm chí nấu ăn cho nhau. Những cuộc tập trận chung diễn ra thường xuyên. Năm nay, Trung Quốc đã nhận bàn giao hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-400 và các chiến đấu cơ Su-35 của Nga.

Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nga; và Moskva thay thế Arab Saudi trở thành nhà cung cấp dầu thô số một của Bắc Kinh vào năm 2015. Dự án đường ống mới Power of Siberia sẽ bắt đầu cung cấp 38 tỷ m3 khí tự nhiên mỗi năm cho miền bắc Trung Quốc từ tháng 12/2019.

Các công ty Trung Quốc sở hữu 30% vốn đầu tư trong dự án khí tự nhiên hóa lỏng Yamal mới của Nga ở Bắc Cực. Hai nước cũng thỏa thuận bên còn lại sẽ không gây xung đột an ninh ở Thái Bình Dương cho Trung Quốc và ở các nước thuộc Liên Xô cũ và Trung Đông cho Nga. Moskva và Bắc Kinh cũng xem Mỹ là mối đe dọa chung và nỗ lực thay đổi trật tự toàn cầu do Mỹ chi phối.

Đặc điểm bù trừ nhau

Đặc điểm nền kinh tế của hai nước cũng bù trừ cho nhau: Trung Quốc là nhà sản xuất lớn nhất toàn cầu, và Nga là một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về năng lượng và vật liệu thô. Trung Quốc thiếu đất canh tác trong khi Nga có quá nhiều. Ngay cả nhân khẩu học của hai nước cũng mang lại cơ hội vì dân số Trung Quốc phần lớn là nam giới còn Nga ngược lại. 

Dù vậy, các nhà phân tích và quan chức Nga cho biết họ không chuyển hướng về phía đông quá nhiều khi đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế và an ninh. Châu Âu và Trung Quốc "là hai điểm đến độc lập và hai tuyến đường độc lập" về khí đốt và dầu, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết trong một cuộc phỏng vấn tháng trước. 

Đường ống dẫn khí thuộc dự án Power of Siberia nối từ trung tâm sản xuất khí đốt Irkutsk và Yakutia tới miền bắc Trung Quốc.
 Đường ống dẫn khí thuộc dự án Power of Siberia nối từ trung tâm sản xuất khí đốt Irkutsk và Yakutia tới miền bắc Trung Quốc.

Theo Vasily Kashin, chuyên gia nghiên cứu tại Trường Kinh tế cao cấp của Mokva, đường ống dẫn khí tới Trung Quốc sẽ giúp Nga giảm phụ thuộc vào thị trường châu Âu từ 90% xuống 60%. Đường ống cũng giúp Trung Quốc ít bị ảnh hưởng hơn bởi một cuộc phong tỏa đường biển tiềm năng của Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột liên quan đến vấn đề Đài Loan.

"Mỗi dự án đường ống được đàm phán trong một thập kỷ và được triển khai trong một thập kỷ kế tiếp. Nhưng một khi dự án hoàn thành, họ sẽ có được sự thay đổi địa chính trị không thể đảo ngược", Kashin nói. 

Hồi tháng một, Nga đã tăng gấp đôi công suất để cung cấp dầu thô cho Trung Quốc, lên khoảng 600.000 thùng/ngày. Ngoài dự án Power of Siberia, các cuộc đàm phán xây dựng hai đường ống dẫn khí tự nhiên khác nối Trung Quốc với các mỏ ở Siberia cũng đang tiến triển tốt.

Quan hệ Nga - Trung bắt đầu được cải thiện vào thời lãnh đạo Liên Xô cuối cùng Mikhail Gorbachev sau cuộc xung đột biên giới năm 1969. Tuy nhiên, chính sách của Mỹ và phương Tây từ năm 2014 mới thực sự đẩy nhanh tiến độ thiết lập lại quan hệ hữu nghị giữa Moskva và Bắc Kinh, theo Angela Stent, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Á - Âu, Nga và Đông Âu của Đại học Georgetown.

South Stream, một dự án đường ống vận chuyển 63 tỷ m3 khí mỗi năm từ Nga sang Áo đang trong quá trình xây dựng khi Nghị viện châu Âu bỏ phiếu ngăn chặn vào tháng 4/2014, một tháng sau khi Nga sáp nhập Crimea. Một tháng sau đó, Nga đã phá vỡ bế tắc trong đàm phán kéo dài một thế kỷ với Trung Quốc để xây dựng Power of Siberia, một phần của thỏa thuận bán khí đốt trị giá 400 tỷ USD.

Mối hoài nghi cố hữu

Dù mối thân tình giữa Nga và Trung Quốc hiện nay là không thể phủ nhận, song thực chất giữa hai bên vẫn tồn tại những bất đồng và nghi ngờ trải dài từ quá khứ. 

Ngày nay, sự mất cân bằng giữa hai cường quốc đã bị đảo ngược. Kinh tế Trung Quốc lớn gấp 6 - 8 lần so với Nga. Bruno Maçães, chuyên gia tại Đại học Renmin của Bắc Kinh, người đã dành 6 tháng trải nghiệm các nước trong khu vực, cho biết ở Đông Nam Á, các doanh nghiệp nhỏ Trung Quốc có vị thế tương đương những công ty nhà nước lớn nhưng ở Nga thì không.

Nhiều du khách Trung Quốc đang tới Moskva nhưng các chuyến đi của họ không dễ dàng như ở Paris hay New York. Khi thăm một hòn đảo ở sông Amur, Bruno nhận ra "một thế giới từ 40 năm trước". Để tới thăm, ông phải trải qua 8 giờ trả lời các câu hỏi về an ninh.

Nga cũng tỏ ra thất vọng sâu sắc khi Trung Quốc không lập tức đổ tiền đầu tư vào nước này sau năm 2014. Thay vào đó, Trung Quốc dường như lợi dụng vị thế suy yếu của Moskva để mua khí đốt giá rẻ hơn.

Hội đồng Tư vấn Đầu tư nước ngoài của Nga, gồm các giám đốc điều hành từ 50 công ty nước ngoài lớn nhất đầu tư vào Nga, thường có cuộc gặp mặt hàng năm với Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, song chưa có thành viên Trung Quốc nào trong hội đồng này.

Sự hoài nghi về sức mạnh và bền bỉ của “mối tình” này vẫn luôn tồn tại. Những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc vẫn nói về khoảng 600.000 km lãnh thổ đã thuộc về Nga vào thế kỷ 19. Bắc Kinh xem đó là những hiệp ước bất bình đẳng. Nga cũng bắt đầu cảnh giác với sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc, chiến lược dường như cạnh tranh với kế hoạch Liên minh Kinh tế Á - Âu của Nga.

Dù vậy, bà Fu vẫn lạc quan rằng quan hệ giữa Trung Quốc và Nga sẽ thân thiết hơn trong khi Mỹ ngày càng ở bên kia chiến tuyến. Mỹ có thể hòa hợp hơn hoặc ngày càng đối đầu. "Điều này phụ thuộc vào lựa chọn của họ", Fu nói.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.