Chiều 27/5, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm “Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và phát triển bền vững” với sự tham dự của lãnh đạo 4 Bộ nhằm nhìn nhận lại, đánh giá khách quan bức tranh tổng thể có sáng có tối của nền kinh tế và quan trọng nhất là kiến tạo nên những mảng màu tươi sáng hơn phục vụ nhân dân cũng như bàn các giải pháp đột phá để thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế, đẩy mạnh đầu tư công, tăng cường an sinh xã hội, đẩy mạnh xuất khẩu...
Đã hỗ trợ 81 nghìn tỷ đồng cho hơn 50 triệu lượt người lao động và người dân
Tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn quan tâm đến vấn đề an sinh xã hội. Chính phủ đã ban hành rất nhiều chính sách quan trọng để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp và người lao động vượt qua đại dịch COVID-19. Ví dụ như Nghị quyết 42 hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, trong đó có cả người nghèo, người lao động, người có công.
Đặc biệt là Nghị quyết 68, với 12 nhóm chính sách được ban hành nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc làm, người lao động bị ngừng việc, người lao động bị thất nghiệp, trong đó có người lao động tự do, hỗ trợ cả doanh nghiệp. Tổng tất cả những chính sách này, chúng ta đã hỗ trợ cho hơn 50 triệu lượt người lao động và người dân, với tổng mức 81 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, các địa phương cũng ban hành thêm chính sách riêng của mình để hỗ trợ các đối tượng lao động tự do, những đối tượng lao động đặc thù mà Nghị quyết của Trung ương chưa phủ đến.
Đáng chú ý, các chính sách cho vay vốn trả lương, phục hồi sản xuất, giúp cho người lao động có công ăn việc làm trở lại, giúp các doanh nghiệp cơ bản phục hồi được sản xuất kinh doanh. Đến nay, chúng ta đã cho 3.600 doanh nghiệp, người sử dụng lao động vay và hỗ trợ cho 1,2 triệu người lao động, với kinh phí khoảng 4.800 tỷ đồng. Có thể thấy rằng, qua COVID-19, nhờ có an sinh xã hội đã giúp bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phục hồi kinh tế xã hội.
Trực tiếp giải đáp một vấn đề vừa phấn khởi nhưng dư luận xã hội cũng bày tỏ băn khoăn, đó là bội thu về ngân sách, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng khẳng định, quan điểm của Chính phủ, Bộ Tài chính luôn luôn chỉ đạo trong công tác thu là bảo đảm tất cả các khoản thu phát sinh thuộc về ngân sách Nhà nước được thu đúng, thu đủ, thu kịp thời. Cụ thể, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp trong lúc khó khăn. Tổng kinh phí miễn, giảm, giãn về thuế, phí, lệ phí năm 2021 trên 123.000 tỷ, trong đó miễn giảm là trên 100.000 tỷ.
Tuy nhiên, kết quả thu năm 2021 đến thời điểm này vượt 16,8% so với dự toán, cơ bản các địa phương đều đạt và vượt dự toán. Trước câu hỏi, “trong điều kiện kinh tế khó khăn như vậy, chúng ta thu như thế có lạm thu hay không, có tạo gánh nặng cho doanh nghiệp hay không?”, ông Hưng cho hay, trong điều hành chính sách, chúng ta đã miễn, giảm, giãn cho các doanh nghiệp như trên, đồng thời, thu của chúng ta là so với dự toán chứ không phải so với thực hiện. Hơn nữa, về cơ cấu, thu của chúng ta dần bền vững hơn - thu nội địa, tức là thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước ngày càng chiếm vị trí chủ đạo, thu từ đất đai ngày càng giảm…
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh. |
Việt Nam cần hướng tới nền nông nghiệp xanh
Bàn về những công việc thời gian tới, nhất là liên quan đến chương trình rất lớn - Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho rằng, đến thời điểm này giải pháp quan trọng nhất là phần tổ chức thực hiện. Vì sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định phân bổ vốn trong tháng này thì việc còn lại là triển khai của các địa phương.
Các địa phương trên cơ sở quyết định phân bổ vốn này sẽ trình HĐND cấp tỉnh, để phân bổ chi tiết, bao gồm nguồn ngân sách hỗ trợ từ nguồn Trung ương và nguồn ngân sách đối ứng từ địa phương cùng các nguồn ngân sách lồng ghép khác. Đây thuộc trách nhiệm của chính quyền các cấp. Đối với các bộ, ngành, theo Bộ trưởng Hầu A Lềnh, cần xây dựng kế hoạch triển khai đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các địa phương thực hiện.
Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan. |
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan chia sẻ, trong bối cảnh hiện nay, nhiều quốc gia bảo hộ mậu dịch, nhiều ngành hàng đứt gãy, ví dụ ở Pháp, thức ăn chăn nuôi tăng giá cao, Bangladesh phân và thuốc cao quá nên bỏ đồng ruộng… Nhưng Việt Nam 5 tháng vừa qua không chỉ đủ nuôi dân số 100 triệu người mà còn xuất 3 triệu tấn gạo, mang về 1,4 tỷ là đáng ghi nhận.
Trong bối cảnh còn phức tạp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, chắc chắn sẽ phải tích cực hơn lo cho mình, nâng cao vị thế, không chỉ xuất khẩu vì kinh tế mà nâng cao vị thế với khẩu hiệu “Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm”.
Chúng ta phải cân đối giữa sản lượng, sinh thái, trách nhiệm, bền vững, làm sao dung hòa ngắn hạn, dài hạn, hướng tới nền nông nghiệp xanh, bảo đảm vẫn xuất khẩu, giá tốt, thu nhập người nông dân tương ứng tăng theo, không tăng sản lượng đánh đổi môi trường sinh thái, đa dạng sinh học. Đồng thời, theo ông, chúng ta cũng phải tập trung hỗ trợ phát triển thị trường, khi kích hoạt được thị trường thì dòng chảy nông sản mới trôi chảy.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, đến hết tháng 5, xuất khẩu nông lâm thủy sản đã đạt 23,2 tỷ USD, nhập khẩu 18,1 tỷ USD, tức xuất siêu 5,1 tỷ USD. Đây là tín hiệu đáng mừng trong 6 tháng đầu năm. Tất nhiên chặng đường phía trước như thế nào, vẫn còn những yếu tố bất ngờ nhưng rõ ràng trong 5 tháng đầu năm, chúng ta cũng thấy đầy rẫy những khó khăn của ngành Nông nghiệp. Vì vậy, Bộ trưởng Lê Minh Hoan tự tin về một số nét chấm phá trong câu chuyện cấu trúc nền nông nghiệp hay chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp…