Nâng cao vai trò cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia ở vùng Tây Bắc

Thành phố Điện Biên Phủ
Thành phố Điện Biên Phủ
(PLO) - Vùng Tây Bắc thuộc phạm vi chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Tây Bắc, gồm 12 tỉnh miền núi phía Bắc và các huyện phía Tây thuộc Nghệ An và Thanh Hóa, chiếm 1/3 diện tích cả nước, dân số hơn 11 triệu người với 32 dân tộc khác nhau, trong đó, dân tộc thiểu số chiếm hơn 63%. Khu vực này có đến 9/14 tỉnh, 49 huyện, 239 xã, 2.445 thôn, bản biên giới với hơn 2.574km đường biên giới tiếp giáp với Lào và Trung Quốc, có 8 cửa khẩu quốc tế, 11 cửa khẩu quốc gia và 43 cửa khẩu phụ cùng nhiều đường tiểu ngạch.

Đây là vùng núi cao, biên giới, địa hình hiểm trở, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng và đối ngoại của cả nước; là căn cứ địa cách mạng, an toàn khu của các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trải qua các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, đồng bào các dân tộc ở Tây Bắc luôn một lòng theo Đảng, cống hiến sức người, sức của cho cách mạng với tinh thần “Tây Bắc vì cả nước, cả nước vì Tây Bắc”. Để có được cuộc sống bình yên ngày hôm nay, Tây Bắc đã có 7.280 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gần 172.000 liệt sĩ, hơn 123.000 thương binh, người được hưởng chính sách như thương binh, gần 45.000 bệnh binh, hàng nghìn người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, hàng trăm nghìn người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế…

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đặc biệt đến phát triển vùng Tây Bắc. Nhờ đó, tình hình kinh tế-xã hội, văn hóa-giáo dục của vùng ngày càng phát triển; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, cho đến nay, Tây Bắc vẫn là vùng nghèo nhất trong cả nước với 29,14% hộ nghèo và 10,69% hộ cận nghèo. Do ảnh hưởng của các yếu tố địa lý, lịch sử, tự nhiên, xã hội và tác động của xu hướng tội phạm trên thế giới cũng như khu vực, tình hình hoạt động tội phạm nói chung và tội phạm xuyên quốc gia tại các tỉnh vùng Tây Bắc đang diễn biến hết sức phức tạp, có xu hướng gia tăng cả về tính chất và mức độ, mặc dù đã được các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư nguồn lực; các lực lượng chức năng đã tăng cường triển khai các chương trình, kế hoạch đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm. Số liệu cho thấy, từ năm 2014 đến 2016, các tỉnh vùng Tây Bắc đã phát hiện, bắt giữ 12.434 vụ/16.501 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ 845kg heroin, 88kg thuốc phiện, 101,6kg và 790.112 viên ma túy tổng hợp; 341/602 đối tượng phạm tội mua bán người (615 nạn nhân); 31.607 vụ/33.106 đối tượng buôn lậu, tịch thu hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ đồng. Vùng Tây Bắc là một trong những địa bàn chống phá của các thế lực thù địch, lợi dụng khó khăn về địa hình, tình hình kinh tế-xã hội còn khó khăn, các vấn đề về dân tộc, tôn giáo… để truyền đạo trái pháp luật, tiếp tục thực hiện âm mưu "diễn biến hòa bình", gây bất ổn về chính trị bằng nhiều thủ đoạn tinh vi và ngày càng quyết liệt.

Thực tiễn đó cho thấy, cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, thậm chí có lúc, có nơi có biểu hiện gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ, tác động xấu đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Tình hình đó đòi hỏi các cấp ủy Đảng, chính quyền trong vùng Tây Bắc cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn, đồng bộ hơn nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả cuộc đấu tranh này, thực hiện tốt yêu cầu "tăng cường công tác quản lý Nhà nước về quốc phòng, an ninh trên địa bàn, chủ động nắm chắc tình hình, không bị động, bất ngờ" đã nêu trong Kết luận số 26-KL/TW, ngày 2-8-2012, của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 1-7-2004 của Bộ Chính trị khóa IX nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020.

Trước hết, để có các giải pháp phòng, chống tội phạm bảo đảm yêu cầu "đúng", "trúng" và "có hiệu quả", điều đầu tiên cần nhận diện và làm rõ các yếu tố về địa lý, tự nhiên, kinh tế-xã hội, dân cư, tôn giáo, văn hóa... cũng như bối cảnh trong nước và quốc tế có ảnh hưởng đến công tác phòng, chống tội phạm của vùng Tây Bắc. Nghiên cứu về các giải pháp phòng, chống tội phạm cần gắn kết chặt chẽ với các nghiên cứu về địa lý, kinh tế-xã hội, văn hóa, con người, tâm linh... của vùng Tây Bắc, của từng địa phương trong vùng, của các tỉnh biên giới thuộc Lào và Trung Quốc giáp với Tây Bắc. Từ chính những đặc điểm riêng biệt này sẽ quyết định mô hình, cơ chế, chính sách đặc thù trong công tác phòng, chống tội phạm của vùng.

Thứ hai, cần rà soát, tổng kết các nghị quyết, chương trình, kế hoạch liên quan đến đấu tranh phòng, chống tội phạm, trong đó có tội phạm tổ chức xuyên quốc gia. Trên cơ sở đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các chủ trương, cơ chế... Trong thời gian tới, cần có tư duy mới trong xây dựng đường lối, chính sách, xây dựng kế hoạch quốc gia phòng, chống tội phạm cho phù hợp với bối cảnh, tính chất, nội dung của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm trong thời kỳ mới của nước ta nói chung và của Tây Bắc nói riêng. Cần quán triệt xuyên suốt quan điểm: Đảng lãnh đạo toàn diện, trực tiếp về mọi mặt, trong đó có nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm. 

Thứ ba, cần nhận thức sâu sắc vai trò quan trọng của quần chúng nhân dân trong công tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định "cách mạng là sự nghiệp của quần chúng". Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 1-12-2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới nêu rõ: “Bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ đặc biệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc”. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì ta thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì ta thành công hoàn toàn” và “Tổ chức được dân, đoàn kết được dân thì việc gì cũng làm được, Công an nhân dân phải luôn luôn giúp đỡ, tổ chức giáo dục nhân dân, làm cho mọi người dân là những người giúp việc cho mình, làm mạng lưới Công an nhân dân, như thế, công tác Công an nhân dân mới có kết quả”.

Vì vậy, trong thời gian tới, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp vùng Tây Bắc cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc nói chung và phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia nói riêng. Tập trung xây dựng được "thế trận lòng dân", trong đó, hết sức coi trọng việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của cuộc đấu tranh này, gắn chặt với việc đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa miền núi và miền xuôi, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, như: Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về "Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22-10-2010 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”; Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 22-6-2015 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới”; Chỉ thị 09-CT/TW ngày 1-12-2011 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”.

Thứ tư, cần thực hiện các giải pháp hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia. Trên cơ sở Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và các văn bản có liên quan, coi trọng việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và tình hình thực tiễn ở các địa bàn để có các đề xuất nhằm hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, thực hiện đúng yêu cầu của Nghị quyết số 49/NQ/TW, ngày 2-5-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đồng thời phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế trong phòng, chống các loại tội phạm, đặc biệt là các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên đã ký kết hoặc tham gia.

Thứ năm, cần phát huy thật tốt vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở trong phát triển kinh tế-xã hội; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế-xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, nhất là trên tuyến biên giới và các địa bàn trọng yếu. Đây cũng là giải pháp góp phần trực tiếp phòng ngừa tội phạm xuyên quốc gia.

Các lực lượng công an, biên phòng, ngoài việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tội phạm, cần phát huy vai trò tiên phong trong tuyên truyền, hướng dẫn đồng bào thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm nêu trên. Cần hình thành thí điểm các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với đặc điểm từng địa phương Tây Bắc; sau đó nhân rộng ra toàn vùng. Các cấp ủy, chính quyền cần nâng cao tinh thần trách nhiệm và ý thức tận tâm, tận lực vì cuộc sống no ấm của nhân dân trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả Kết luận số 26-KL/TW, ngày 2-8-2012 của Bộ Chính trị khóa XI.

Thứ sáu, cần tổng kết rút kinh nghiệm về công tác kết hợp, phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền với các ban, ngành, đoàn thể từ thôn, bản đến xã, huyện; giữa địa phương và Trung ương nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, hướng tới cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia trong tình hình mới đạt hiệu quả cao.

Thực hiện tốt các nhiệm vụ nêu trên là góp sức tích cực đáp ứng yêu cầu quan trọng mà Đảng ta đã nêu trong Kết luận số 26-KL/TW, ngày 2-8-2012, của Bộ Chính trị khóa XI: "Xây dựng vùng trung du và miền núi Bắc Bộ vững mạnh toàn diện vừa là yêu cầu, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc trong vùng, vừa là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh lâu dài của đất nước".

TSKH NGUYỄN VĂN BÌNH, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc

Đọc thêm

Chuyển đổi số trong Quân đội gắn với an toàn thông tin

Hội nghị triển khai nhiệm vụ về CĐS và thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) trong Bộ Quốc phòng năm 2024. (Ảnh: mod.gov.vn)
(PLVN) - Chuyển đổi số trong Quân đội nhân dân Việt Nam không chỉ là một xu thế tất yếu trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 mà còn là nhiệm vụ chiến lược, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, Quân đội đã và đang triển khai đồng bộ các chính sách, giải pháp nhằm xây dựng lực lượng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, đáp ứng yêu cầu quốc phòng trong kỷ nguyên số.

Hành trình bảo vệ chủ quyền không gian mạng trước thách thức thời đại

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Đại tá Vũ Hữu Hanh - PBTĐU, Tư lệnh Bộ Tư lệnh 86 trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba trao tặng Trung tâm 586. (Ảnh trong bài: Trung tâm 586)
(PLVN) - Không gian mạng là vùng “lãnh thổ đặc biệt” của quốc gia. Đấu tranh và bảo vệ chủ quyền không gian mạng là nhiệm vụ quan trọng thiết yếu, lâu dài của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Đảng ta nhận định rõ: Nguy cơ xảy ra chiến tranh mạng, mất an ninh thông tin ngày càng tăng và đặt ra mục tiêu phải chủ động phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả chiến tranh mạng.

80 năm vẻ vang Quân đội nhân dân Việt Nam

Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 được nhân dân thế giới ngợi ca là “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. (Ảnh tư liệu: dangcongsan.vn)
(PLVN) - Ngày 22/12/1944, Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam chính thức ra đời, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đấu tranh giành độc lập và bảo vệ Tổ quốc. Trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, QĐND Việt Nam không chỉ ghi dấu ấn trong những chiến công vang dội, mà còn tiếp tục là lực lượng tiên phong trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ thiêng liêng!

Tổng Bí thư Tô Lâm trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam ngày 12/12/2024. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
(PLVN) - Thời gian qua, tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh, phức tạp, khó dự báo. Tình hình càng phức tạp, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng càng nặng nề, khó khăn càng nhiều hơn. Trong bối cảnh đó, Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam đã và đang hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào những thành tựu toàn diện của đất nước.

Diễn văn Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Diễn văn Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
Sáng 20/12, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng, trọng thể tổ chức Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương, dự và đọc Diễn văn tại Lễ kỷ niệm.

Lãnh đạo Đảng và Nhà nước viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 80 năm Ngày QĐND Việt Nam

Lãnh đạo Đảng và Nhà nước viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 80 năm Ngày QĐND Việt Nam
Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944- 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989- 22/12/2024), sáng 20/12/2024, tại Hà Nội, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Quân ủy Trung ương – Quốc Bộ Quốc phòng đến đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nâng cao nhận thức quốc tế về tình hình nhân quyền ở Việt Nam

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Nhân quyền Chính phủ Đỗ Hùng Việt phát biểu chỉ đạo Hội thảo. Ảnh: BTC
(PLVN) - Ngày 19/12, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền Chính phủ phối hợp với Báo Thế giới và Việt Nam tổ chức Hội thảo “Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới”. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Nhân quyền Chính phủ Đỗ Hùng Việt phát biểu chỉ đạo Hội thảo.