Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam đề cập tới 5 điểm mới của dự thảo Báo cáo, trong đó, nội dung Báo cáo đã bổ sung nhiều nhận định, đánh giá về chặng đường 40 năm đổi mới của MTTQ Việt Nam theo đường lối của Đảng.
Bên cạnh đó, dự thảo Báo cáo cũng đề cập tới 3 khâu đột phá của cả nhiệm kỳ dựa trên yêu cầu công tác Mặt trận trong tình hình mới, trong đó nhấn mạnh tới hoạt động giám sát, phản biện xã hội; tập trung triển khai hoàn thành mục tiêu Cuộc vận động Cả nước chung tay “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong năm 2025 cùng với việc triển khai những hoạt động an sinh, xã hội chăm lo cho Nhân dân; đồng thời tập trung xây dựng khu dân cư tự quản, đoàn kết, ấm no, hạnh phúc.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà nêu rõ, tiếp nối thành công của 5 chương trình hành động nhiệm kỳ 2019-2024, nhiệm kỳ 2024-2029 sẽ bổ sung những nội dung, mục tiêu, giải pháp trong nhiệm kỳ mới và bổ sung chương trình hành động thứ 6 xây dựng khu dân cư tự quản, đoàn kết, ấm no, hạnh phúc nhằm hiện thực hóa nội dung Nghị quyết số 43-NQ/TW và các văn bản liên quan. “Báo cáo chính trị một lần nữa khẳng định vai trò nòng cốt chính trị của MTTQ Việt Nam trong việc củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó nhấn mạnh tới việc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân; thực hiện giám sát, phản biện để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân”, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng, nội dung dự thảo Báo cáo chính trị cần đánh giá đúng, thực chất, khách quan tình hình các tầng lớp Nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2019 - 2024; thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm, yếu kém, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm. Những kết quả nào nên tiếp tục thực hiện trong nhiệm kỳ tới; những hạn chế nào cần phải khắc phục... Trên cơ sở đó, phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2024 - 2029 cần tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và công tác Mặt trận; tiếp tục triển khai hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động; nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội...
Ông Ngô Sách Thực, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam đề nghị, trong nhiệm kỳ mới, công tác giám sát, phản biện xã hội cần được triển khai hiệu quả, thực chất hơn, trong đó chú trọng thái độ tiếp thu kiến nghị sau giám sát của đối tượng được giám sát.
Ngoài ra, bên cạnh phương thức góp ý bằng văn bản, cần bổ sung phương thức thông qua hội nghị, với nhiều ý kiến đóng góp chuyên sâu sau hội nghị. Cùng với đó, khi xuất hiện các vấn đề nổi cộm tại khu dân cư, Mặt trận phải phối hợp với chính quyền trực tiếp khảo sát, nắm bắt tình hình Nhân dân liên quan đến các đối tượng, vụ việc cụ thể, chủ động sâu sát cơ sở hơn nữa.
Ông Ngô Sách Thực phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Hương Diệp |
Ông Ngô Sách Thực cũng kiến nghị, trong chương trình hành động sắp tới về vận động nhà ở, đảm bảo an sinh xã hội của MTTQ Việt Nam cần bổ sung nội dung hỗ trợ học bổng, tiếp sức cho trẻ em khuyết tật đến trường.
Quan tâm tới đời sống của giai cấp công nhân, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Xuân Hùng đề nghị bổ sung thêm từ “thu nhập” vào dự thảo Báo cáo theo hướng: “Công nhân mong muốn có việc làm, thu nhập ổn định, nhà ở, đời sống văn hóa và điều kiện học hành cho con em tốt hơn, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”. Bởi theo ông Hùng, cùng với việc làm, thu nhập là vấn đề liên quan “sát sườn” đến đời sống của công nhân, luôn được công nhân quan tâm và mong muốn được nâng cao.
Ghi nhận các ý kiến của đại biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định, nhiều ý kiến tâm huyết đã góp phần gợi mở cho hoạt động của Mặt trận trong thời gian tới; đồng thời khẳng định tiếp thu tối đa các ý kiến, cụ thể hóa thành những nội dung nhằm chỉnh sửa và tiếp tục hoàn thiện dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Các ý kiến tại Hội nghị cũng khẳng định, việc sửa đổi Điều lệ MTTQ Việt Nam sẽ tạo cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng cho hoạt động của hệ thống MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong nhiệm kỳ mới. Tuy nhiên, việc làm này cần phù hợp chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và yêu cầu, nhiệm vụ công tác Mặt trận trong giai đoạn hiện nay.