Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế Nguyễn Thanh Tú, Phó Trưởng ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện các Bộ, ngành như Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư... và đại diện 63 tỉnh, TP trên cả nước.
Còn nhiều khó khăn trong công tác hỗ trợ pháp lý
Phát biểu khai mạc, Vụ trưởng Nguyễn Thanh Tú nhấn mạnh đến vai trò của công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo Vụ trưởng Nguyễn Thanh Tú, thời gian vừa qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và hỗ trợ pháp lý nói riêng. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc.
Vì vậy, thông qua Hội nghị, Vụ trưởng Nguyễn Thanh Tú hy vọng các đại biểu trao đổi, thảo luận tích cực nhằm nhận diện những khó khăn, vướng mắc, từ đó đề xuất các giải pháp dài hạn kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Vụ trưởng Nguyễn Thanh Tú phát biểu khai mạc Hội nghị. |
Tại Hội nghị, ông Dương Văn Chung - Trưởng Phòng Văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính, Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang - cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 12.150 doanh nghiệp đăng ký thành lập (gồm 11.670 doanh nghiệp trong nước – tương đương 96% tổng số doanh nghiệp và 480 doanh nghiệp nước ngoài).
Trong đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 98% trên tổng số doanh nghiệp. Đây là khu vực có vai trò quan trọng tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển và đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước, đặc biệt, đây là nơi diễn ra nhiều hoạt động cải tiến, sáng tạo và ứng dụng trong sản xuất kinh doanh.
Do vậy, ông Dương Văn Chung đánh giá việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nói chung và hỗ trợ pháp lý cho đối tượng này nói riêng có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhất là trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn vẫn còn hạn chế, khó khăn xuất phát từ các quy định pháp luật còn nhiều bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp thực tiễn. Cùng với đó, quá trình tổ chức thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cũng còn gặp nhiều khó khăn.
Kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý trong thời gian tới, ông Dương Văn Chung mong muốn Chủ tịch UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tập trung khắc phục những khó khăn, hạn chế n trong quá trình tổ chức thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thuộc phạm vi của tỉnh.
Ngoài ra, Sở Tư pháp Bắc Giang đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tăng cường rà soát, tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội xử lý những nội dung văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập. Qua đó, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, đảm bảo tính ổn định, lâu dài, phục vụ cho quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Đồng thời, tiếp tục quan tâm, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp, hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ pháp lý, nhất là dịch vụ tư vấn pháp luật. Hàng năm, thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, trao đổi, đối thoại, các lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật kinh doanh dành cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, góp phần giúp cho tỉnh nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
TS Trần Minh Sơn kiến nghị một số giải pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. |
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp, TS Trần Minh Sơn - Trưởng Văn phòng Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2030 nêu rõ cần thực hiện đồng bộ các biện pháp. Cụ thể, thứ nhất, Bộ Tư pháp cần rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách, quy định pháp luật và trình Chính phủ thống nhất mức hỗ trợ kinh phí cho mạng lưới tư vấn viên pháp luật.
Thứ hai, Bộ Tư pháp cần quan tâm thống nhất và phát triển mạng lưới tư vấn viên chuyên nghiệp trong lĩnh vực pháp lý trên cơ sở Nghị định của Chính phủ, Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối và duy nhất công nhận và thực hiện vận hành mạng lưới tư vấn pháp luật trên cả nước. Thứ ba, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong quá trình vận hành mạng lưới tư vấn pháp luật.
Thứ tư, tăng cường công tác bồi dưỡng kỹ năng và chuyên môn cho mạng lưới vấn viên pháp luật. Thứ năm, tổ chức các buổi tư vấn, tọa đàm theo chuyên pháp lý đề giữa mạng lưới tư vấn viên pháp luật và doanh nghiệp. Thứ sáu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động hỗ trợ của mạng lưới tư vấn pháp luật.
Thông qua các kinh nghiệm của Hoa Kỳ và Úc về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ, ThS Phan Vũ (Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp) đưa ra một số bài học kinh nghiệm để thúc đẩy hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý ở Việt Nam. Đó là cần phải kết hợp hoạt động hỗ trợ pháp lý với tư vấn tổ chức, vận hành doanh nghiệp. Không những thế, cần đẩy mạnh hoạt động tư vấn trực tiếp. Tư vấn trực tiếp là hoạt động mang ý nghĩa thiết thực nhất, đem lại nhiều giá trị thực tiễn nhất đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhu cầu được hỗ trợ pháp lý.
Đồng thời, tăng cường xã hội hóa hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, huy động sự tham gia của các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, tổ chức dịch vụ pháp lý trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hơn nữa, cần phân bổ kinh phí cho hoạt động hỗ trợ bất thường trong các sự kiện đặc thù.