Công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng VBQPPL. Thẩm định VBQPPL là hoạt động xem xét, đánh giá về nội dung và hình thức của dự thảo nhằm đảm bảo hợp hiến, hợp pháp, phải có tính thống nhất và đồng bộ của dự thảo; đồng thời còn phải tuân thủ trình tự, thủ tục soạn thảo của dự thảo văn bản.
Với vai trò là cơ quan chuyên môn tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng văn bản QPPL, Sở Tư pháp tỉnh Lai Châu đã chủ động tham mưu giúp HĐND, UBND các cấp làm tốt công tác xây dựng, thẩm định văn bản tại địa phương. Bên cạnh chủ trì tham mưu cho UBND các cấp ban hành văn bản thuộc lĩnh vực quản lý, công tác thẩm định văn bản QPPL luôn được Sở Tư pháp chú trọng nâng cao chất lượng, xác định có vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng văn bản QPPL.
Ảnh minh họa |
Để công tác thẩm định đạt hiệu quả, Sở Tư pháp đặc biệt chú trọng việc tăng cường phối hợp đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản. Đồng thời chủ động tham gia đóng góp ý các VBQPPL trước khi các cơ quan soạn thảo gửi thẩm định. Bởi thông qua góp ý dự thảo, Sở Tư pháp sẽ góp ý về trình tự, thủ tục xây dựng văn bản, cơ sở pháp lý ban hành văn bản, thể thức kỹ thuật trình bày bảo đảm theo quy định giúp cơ quan soạn thảo xây dựng văn bản phù hợp với quy định pháp luật.
Ngoài ra, Sở luôn cập nhật thông tin qua nhiều kênh thông tin các tài liệu về tình hình KT - XH của địa phương để phục vụ cho công tác thẩm định văn bản. Đối với những dự thảo văn bản có tính chất phức tạp, liên quan đến nhiều ngành và lĩnh vực hoặc có tính chất chuyên môn cao, Sở Tư pháp họp tư vấn trao đổi, tham vấn ý kiến của các cơ quan, đơn vị có liên quan đến báo cáo thẩm định không chỉ phù hợp theo pháp luật, mà còn mang tính tư vấn, định hướng dự thảo được hoàn thiện.
Trong năm 2020, Sở Tư pháp đã thẩm định 63 dự thảo văn bản QPPL, trong đó có 52 Quyết định, 11 Nghị quyết do các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh soạn thảo, đồng thời tham gia ý kiến vào 187 dự thảo văn bản, trong đó: 38 văn bản của Trung ương, 149 văn bản của địa phương. Các văn bản gửi đến thẩm định và xin ý kiến đều được thực hiện đảm bảo về thời gian, theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP của Chính phủ và dựa trên các cơ sở pháp lý và tình hình thực tiễn địa phương, vì vậy được các cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, hoàn thiện các dự thảo văn bản.
Bên cạnh công tác thẩm định văn bản thì công tác kiểm tra, rà soát văn bản luôn được ngành chú trọng thực hiện. Để đảm bảo thực hiện tốt công tác này, Sở Tư pháp chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL trên địa bàn, trong đó, xác định rõ trách nhiệm của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện trong công tác kiểm tra, rà soát văn bản. Thành lập các đoàn kiểm tra để thực hiện kiểm tra văn bản trực tiếp tại các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn.
Thời gian tới, để công tác thẩm định văn bản tiếp tục đạt được hiệu quả cao, Sở Tư pháp tỉnh Lai Châu sẽ tăng cường công tác tham mưu cho UBND tỉnh nhằm triển khai thực hiện các kế hoạch về công tác kiểm tra, rà soát, thẩm định VBQPPL trong năm 2021. Qua đó, quán triệt kịp thời Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 đến các cơ quan, đơn vị trên địa bàn; tăng cường phối hợp giữa Sở Tư pháp với các cơ quan. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, kiểm tra nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác này để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thẩm định VBQPPL ở địa phương.