Sau khi hoàn thành giai đoạn I vào tháng 12/2021, dự án động thổ giai đoạn 2 vào ngày 25/4/2022, với tổng mức đầu tư 2.487,5 tỷ đồng, thời gian thực hiện 42 tháng. Công ty cổ phần tập đoàn Xuân Trường là nhà thầu thi công.
Các hạng mục của dự án đang được nhà thầu gấp rút thi công. |
Dự án phấn đấu hoàn thành trong năm 2024 |
Theo ông Ngô Xuân Thỏa, chỉ huy trưởng công trình, tiến độ thi công đang được đẩy mạnh và phấn đấu hoàn thành trong năm 2024. Cầu có chiều dài 762 mét, rộng 12 mét, bao gồm 17 nhịp kết nối giao thông 2 bờ sông Đào.
Cầu được thiết kế 17 nhịp với chiều rộng 12 mét, dài 762 mét. Khi hoàn thành sẽ thay thế cho phà Đống Cao |
Dự án hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Nam Định, mở ra không gian phát triển về đô thị, công nghiệp, đặc biệt là vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định kết nối với tuyến giao thông huyết mạch quốc gia cao tốc Bắc-Nam. Rút ngắn quãng đường từ cao tốc Bắc Nam xuống KCN Rạng Đông cho các phương tiện trọng tải lớn bằng đường bộ từ khoảng 72km xuống còn 46km. Qua đó rút ngắn thời gian vận chuyển và tiết kiệm nhiên liệu, bảo vệ môi trường. Tạo tiền đề thúc đẩy việc khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên biển và vùng ven biển, thu hút đầu tư, tạo việc làm và phát triển du lịch, phát huy lợi thế của vùng đất giàu tiềm năng, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nam Định.
Hình ảnh Lễ động thổ giai đoạn 2 đường trục nối vùng kinh tế biển Nam Định với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình ngày 25/4/2022 |
Bên cạnh đó, một loạt các dự án giao thông trọng điểm khác cũng được UBND tỉnh Nam Định quan tâm đầu tư, chú trọng đẩy mạnh thi công như: “Dự án Xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển”, “Dự án Xây dựng tuyến đường bộ ven biển” (đoạn qua địa bàn tỉnh Nam Định) và “Dự án Xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định”…
Ban QLDA Đầu tư Xây dựng tỉnh Nam Định cho biết: Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Nam Định sẽ hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết hợp phát triển hạ tầng giao thông đường bộ với các loại hình vận tải khác hình thành mạng lưới giao thông liên hoàn, đủ khả năng kết nối phát triển vận tải đa phương thức, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế xã hội của tỉnh và kết nối vùng, khu vực.
Các dự án giao thông khi hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng sẽ mở ra không gian phát triển mới, phát huy được tiềm năng và khai thác có hiệu quả quỹ đất, tài nguyên biển, rút ngắn quãng đường vận chuyển, từng bước đáp ứng tốt nhu cầu kết nối sản xuất, kinh doanh và thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.