Phát hiện vi phạm sẽ kiểm tra ngay
Theo Kế hoạch này, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan giao Cục trưởng Cục KTSTQ có trách nhiệm xây dựng kế hoạch triển khai, tổ chức thực hiện kiểm tra sau thông quan theo kế hoạch, cập nhật thông tin, dữ liệu đề xuất kiểm tra, kết quả kiểm tra vào hệ thống dữ liệu của ngành và báo cáo kết quả kiểm tra về Tổng cục theo quy định.
Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra có trách nhiệm chỉ đạo không thực hiện thanh tra chuyên ngành cấp Tổng cục với doanh nghiệp ưu tiên. Trong trường hợp quản lý doanh nghiệp ưu tiên, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật của doanh nghiệp ưu tiên hoặc các vụ, cục thuộc Tổng cục Hải quan có thông tin về dấu hiệu vi phạm của các doanh nghiệp này, yêu cầu báo cáo Tổng cục trưởng giao Cục KTSTQ thực hiện kiểm tra sau thông quan theo đúng quy định.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, đến nay cả nước có 70 doanh nghiệp đang được áp dụng chế độ doanh nghiệp ưu tiên trong lĩnh vực hải quan. Năm 2019, lãnh đạo Tổng cục Hải quan không giao chỉ tiêu thu nộp ngân sách liên quan đến lĩnh vực kiểm tra sau thông quan.
Mục tiêu quan trọng đặt ra đối với lực lượng này là tăng cường kiểm tra tại trụ sở doanh nghiệp và hạn chế tối đa việc phát sinh các khiếu nại, khiếu kiện, góp phần giúp tăng tính tuân thủ, chấp hành pháp luật của cộng đồng doanh nghiệp.
Cảnh báo tình trạng lợi dụng xuất xứ Việt Nam
Liên quan đến lĩnh vực kiểm tra sau thông quan xuất xứ hàng xuất khẩu, tại cuộc họp báo mới đây, Cục trưởng Cục KTSTQ Nguyễn Tiến Lộc cho biết đang có nhiều thách thức đặt ra.
Cụ thể, trong xu hướng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại ưu đãi thuế quan (FTA) với các nước trên thế giới. Các hiệp định thương mại quan trọng như hiệp định quan hệ thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ; Hiệp định thương mại Việt Nam – EU đã tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn cho Việt Nam góp phần thu hút đầu tư FDI từ nước ngoài; bên cạnh đó cũng đặt ra nhiều thách thức đối với cơ quan quản lý đó là đảm bảo tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài nhưng phải kịp thời ngăn chặn các hành vi gian lận, lợi dụng chính sách thông thoáng của Nhà nước Việt Nam.
"Lợi dụng ưu đãi thuế quan của Việt Nam được hưởng đối với các nước ký kết hiệp định, đã nổi lên vấn đề lợi dụng xuất xứ Việt Nam để được hưởng ưu đãi đối với các hàng hóa xuất khẩu. Trước đây, cơ quan Hải quan chủ yếu tập trung kiểm tra ngăn chặn gian lận xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu trong thông quan cũng như sau thông quan. Tuy nhiên, từ giữa năm 2018 đến nay cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc xảy ra, trong đó Hoa Kỳ đang áp thuế cao lên nhiều dòng hàng có xuất xứ từ Trung Quốc, cơ quan Hải quan đã tập trung nghiên cứu những phương thức, rủi ro về gian lận giả mạo xuất xứ, lấy xuất xứ của Việt Nam để xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Mỹ, EU", ông Lộc cho biết.
Tại Cục KTSTQ, từ ngày 8/10/2019, đơn vị này đã chủ động nghiên cứu và thành lập tổ công tác đặc biệt do Cục trưởng Nguyễn Tiến Lộc làm tổ trưởng tập trung nghiên cứu, kiểm tra làm rõ những nghi vấn, gian lận này.
Qua công tác thu thập, phân tích thông tin, Cục KTSTQ đã phát hiện nổi lên hiện tượng một số doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng đột biến, cơ quan hải quan đã thống kê sơ bộ được 19 nhóm mặt hàng có nguy cơ gian lận về xuất xứ. Từ đó, lập danh sách các doanh nghiệp có rủi ro về gian lận, giả mạo xuất xứ trong phạm vi toàn quốc để tiến hành kiểm tra.
"Giai đoạn 1, Cục KTSTQ tiến hành làm mẫu để tổng kết kinh nghiệm, sau đó giai đoạn 2 sẽ mở rộng chỉ đạo lực lượng kiểm tra sau thông quan toàn quốc tiến hành kiểm tra để kịp thời ngăn chặn hành vi gian lận này", ông Lộc thông tin.