Nền kinh tế Việt Nam đã trải qua năm 2011 với nhiều sóng gió. Những “chứng bệnh” của nền kinh tế vĩ mô đã được Chính phủ nhìn nhận và “kê toa” đúng thuốc. Liệu những toa thuốc ấy có phát huy hiệu quả, giúp Việt Nam đạt được những chỉ tiêu kinh tế - xã hội Chính phủ đặt ra trong năm 2012? Cơ hội mở ra cho doanh nghiệp và nhà đầu tư trong năm tới như thế nào? Nhân dịp đầu năm mới, chúng tôi có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TPHCM, xoay quanh các vấn đề này.
Giảm lãi suất, chữa tác dụng phụ
- Ông đánh giá thế nào vềà hiệu quả sử dụng vốn đầu tư trong năm 2011 và mục tiêu trong năm 2012?
- Lâu nay nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng dựa vào vốn vay nên bình quân trong 5 năm (2006-2010) tổng vốn đầu tư xã hội tăng thêm khoảng 42% GDP/năm. Thành công trong năm 2011 là tổng vốn đầu tư xã hội giảm còn 34,5% GDP; chỉ số ICOR là 5,75% so với 6,18% của năm 2010.
Như vậy cho thấy năm 2011 có sự cải thiện. Sang năm 2012, tổng vốn đầu tư xã hội sẽ được kiểm soát trong phạm vi 33,5% và tăng trưởng GDP 6% trở lên. Điều này là cơ sở để nâng hiệu quả sử dụng vốn ở 3 mục tiêu tái cấu trúc kinh tế của Chính phủ.
Theo Chỉ thị 1792 của Chính phủ, đầu tư công theo hướng không dàn trải mà tập trung vào 4 lĩnh vực giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế. Thứ tự ưu tiên giải ngân là những dự án đã hoàn thành nhưng chưa bố trí được vốn, dự án sẽ hoàn thành trong năm 2012. Ngoài ra, việc đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc tập đoàn kinh tế sẽ giúp tăng hiệu quả sử dụng vốn.
Hiện nay, đầu tư doanh nghiệp nhà nước chiếm khoảng 10% tổng vốn đầu tư của xã hội, doanh nghiệp dân doanh khoảng 40%, nước ngoài 19%, còn lại là đầu tư công. 5 năm tới sẽ giảm dần tỷ lệ đầu tư nhà nước và nâng khối dân doanh (từ 40% lên đến khoảng 50% năm 2015).
PGS.TS Trần Hoàng Ngân. |
- Làm sao để tăng đầu tư dân doanh khi nguồn tiền tín dụng vẫn được kiểm soát chặt chẽ?
- Cổ phần hóa 573 doanh nghiệp nhà nước là tăng đầu tư dân doanh. Vấn đề là làm sao cho quá trình cổ phần hóa thành công. Trong lộ trình này chính sách tiền tệ và lãi suất có tác động rất lớn. Theo đó, chính sách tiền tệ phải linh hoạt và phải kéo giảm được mặt bằng lãi suất.
Nếu lãi suất không giảm thì không thể bàn đến quá trình tái cấu trúc, bởi hiện nay khu vực dân doanh chủ yếu phụ thuộc vào vốn vay. Thực ra khối dân doanh có thể phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán (TTCK), nhưng lại phụ thuộc vào vốn hóa của TTCK. Giảm lãi suất sẽ giải quyết được nhiều bài toán.
Thứ nhất, giải quyết được thanh khoản của nền kinh tế và kích thích tiêu dùng. Thứ hai, thay vì gửi tiết kiệm người dân sẽ đầu tư trực tiếp vào doanh nghiệp sản xuất hoặc mua chứng khoán, bất động sản… từ đó sẽ hỗ trợ thanh khoản cho các thị trường này.
Mặt bằng lãi suất giảm sẽ thúc đẩy nền kinh tế và hỗ trợ cho quá trình tái cấu trúc tập đoàn kinh tế nhà nước nhanh hơn.
Vẫn biết bất lợi của giảm lãi suất hiện nay là gây áp lực lên tỷ giá, người dân có thể rút tiền mua USD nhưng kịch bản về USD có thể chủ động nếu xử phạt nghiêm minh, tịch thu mua bán ngoại tệ.
Hơn nữa, thặng dư của cán cân thanh toán quốc tế sẽ giúp chúng ta giải quyết bài toán về USD. Việc người dân rút tiền khỏi ngân hàng có thể ảnh hưởng ngắn hạn đến thanh khoản hệ thống NHTM, nhưng điều này giúp tăng tính thanh khoản các thị trường khác như bất động sản, hàng hóa của doanh nghiệp… từ đó giúp ngân hàng mau thu hồi nợ.
Như vậy, tác dụng phụ từ giảm lãi suất sẽ được hỗ trợ từ tính thanh khoản. Giảm lãi suất cũng có thể khiến người dân rút tiền ra mua vàng, nhưng tiền mua vàng này cũng vào ngân hàng.
Vì vậy, Chính phủ cần cân nhắc thời điểm chín muồi, có thể đầu năm 2012, giảm lãi suất như một giải pháp cần thiết để vực dậy nền kinh tế.
Vực dậy thị trường chứng khoán
- Theo ông, vì sao đến nay NHNN vẫn chưa sử dụng công cụ dự trữ bắt buộc để hỗ trợ giảm lãi suất?
- Phương án giảm lãi suất có thể sử dụng nhiều công cụ trong giai đoạn hiện nay: hạ trần lãi suất, giảm dự trữ bắt buộc, bơm tiền qua thị trường mở…
Thường khi áp dụng các công cụ này nhiều người cho là nới lỏng tiền tệ, nhưng tăng trưởng tín dụng năm 2012 NHNN vẫn duy trì ở mức 15-17% và cung tiền có thể tăng cao hơn để hỗ trợ thanh khoản.
Thị trường tài chính các nước hỗ trợ nền kinh tế qua vốn hóa của TTCK rất cao. Việt Nam cũng nên hướng đến phương án này, vì vốn cho doanh nghiệp không chỉ từ vốn ngân hàng mà còn từ vốn của TTCK.
- Vậy nhà đầu tư có thể nhìn thấy cơ hội gì từ sự thay đổi của nền kinh tế?
- Các doanh nghiệp nhà nước hiện nay đang nắm giữ lĩnh vực thiết yếu và quan trọng của nền kinh tế, nên Chính phủ kiên quyết cổ phần hóa, chỉ giữ lại những lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
Điều này cho thấy những doanh nghiệp nhà nước vẫn là đối tượng của nhà đầu tư. Thực tế hiệu quả của cơ chế quản lý doanh nghiệp nhà nước không bằng hiệu quả của cơ chế quản lý một công ty cổ phần, có sự giám sát của các cổ đông.
Do vậy, theo tôi đây là khu vực nhà đầu tư nên nhìn tới. Khi công ty nhà nước thành công ty cổ phần, tính dân doanh sẽ cao lên. Tuy nhiên, để giải quyết bài toán này cần có những cơ chế như tiếp tục miễn thuế đầu tư chứng khoán.
Phải xóa đi tư tưởng xem TTCK giống như thị trường cờ bạc phải xóa đi và nên tạo điều kiện để TTCK phát triển bền vững, tránh bị lũng đoạn. TTCK phải là “bà đỡ”, là động lực cho phát triển kinh tế.
Tạo nền tảng để vực dậy nền kinh tế
- TTCK đang èo uột, quá trình cổ phần hóa được triển khai suôn sẻ thì giá trị hàng hóa đưa ra bán sẽ ở mức thấp hơn so với trước đây. Liệu cổ phần hóa thời điểm này có bán rẻ tài sản quốc gia?
- Điều này tùy thuộc vào việc đánh giá tài sản hiện hữu của doanh nghiệp nhà nước. Theo đó phải phản ánh đúng giá trị thực tế của doanh nghiệp nhà nước, từ đó mới chia ra các cổ phần.
Cổ phần khởi điểm là 10.000 đồng, còn nhà đầu tư mua giá bao nhiêu tùy thuộc vào thương hiệu cộng với cái nhìn triển vọng đối với cổ phiếu đó. Bài học của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế thế giới năm 2008 đã giúp các nhà quản lý nhà nước, nhà đầu tư nhìn ra được những khuyết điểm cổ phần hóa của mình thời gian qua.
Cổ phần hóa ở đây không phải lấy về cho Nhà nước càng nhiều tiền càng tốt, mà đảm bảo sự công bằng về quyền lợi giữa Nhà nước và nhà đầu tư. Điều đó có nghĩa tạo cho nhà đầu tư cuộc chơi có lợi nhuận và có rủi ro. Vì lẽ đó người ta sẵn sàng chấp nhận mua cổ phiếu thị giá trên mệnh giá.
Thị giá trên mệnh giá bao nhiêu tùy vào niềm tin, sự kỳ vọng với nhà đầu tư đó. Cái lợi của Nhà nước ở đây là nâng cao được hiệu quả của doanh nghiệp.
- Một nền kinh tế phát triển có nền tảng khuyến khích người dân đầu tư vào các kênh như bất động sản, chứng khoán hơn là gửi tiết kiệm hoặc mua vàng, USD. Nhưng thực tế sự thay đổi về chính sách đã tạo rủi ro cho thị trường, như việc siết lại tín dụng bất động sản vừa qua. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế năm 2008-2009 diễn biễn bất thường, phức tạp và khó lường. Các nước phải đưa ra những chính sách đối phó hoàn toàn bị động chứ không riêng Việt Nam. Chưa bao giờ kinh tế Việt Nam đứng trước một thử thách cam go như vậy.
Cuộc khủng hoảng này rơi đúng thời điểm nước ta đang hội nhập sâu nền kinh tế toàn cầu với độ mở 160% GDP (gần như tốp đầu thế giới), vì thế nó lan tỏa vào nền kinh tế Việt Nam, đòi hỏi chúng ta phải hết sức linh hoạt.
Tuy nhiên, sự linh hoạt này lại đi kèm với thiếu kinh nghiệm, dẫn đến nhiều chính sách đảo chiều rất nhanh đã gây sốc. Chính phủ đã nhìn nhận một trong những khuyết điểm thời gian qua là sự yếu kém trong quản lý. Sự quyết tâm khắc phục những tồn tại trên đã được thể hiện trong Nghị quyết 11 của Chính phủ là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội.
Mục tiêu trong 5 năm tới là không chạy theo tăng trưởng mà đi vào ổn định kinh tế vĩ mô, đưa lạm phát đến năm 2015 ở mức 5-7%, cùng với nhịp đập của các nước ASEAN.
Tới đây chính sách sẽ đi theo mục tiêu dài hạn. Do vậy, nhà sản xuất kinh doanh, người làm ăn sẽ bớt đi những kiểu làm ăn chụp giựt.
- Xin cảm ơn ông.
Theo ĐTTC