Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 25/4 kêu gọi công dân rời khỏi Syria do "tình hình an ninh đã trở nên phức tạp," đồng thời yêu cầu một số nhân viên sứ quán không giữ nhiệm vụ quan trọng khẩn cấp rời Syria.
Thân nhân của tất cả các nhân viên sứ quán Mỹ cũng được yêu cầu rời nước này.
Tại Manila, Bộ Ngoại giao Philippines hôm qua nâng báo động về khủng hoảng ở Syria lên mức số 2, đồng thời hối thúc công dân nước này rời lãnh thổ Syria do lo ngại xung đột tiếp tục leo thang.
Tại Syria, hiện có khoảng 17.000 người Philippines.
Liên quan đến tình hình quốc gia Trung Đông này, ngày 26/4, trong một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi tại Rome, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã kêu gọi chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad chấm dứt "hành động đàn áp" các cuộc biểu tình và cho rằng sẽ không có hành can thiệp nào của nước ngoài vào Syria nếu không có nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Washington đang cân nhắc áp đặt "các biện pháp trừng phạt có chủ đích" đối với Chính phủ Syria. Người phát ngôn Nhà Trắng Tommy Vietor nói rằng Mỹ đang xem xét các biện pháp trừng phạt Syria, trong đó có phong tỏa tài sản và cấm buôn bán với Mỹ.
Các thượng nghị sỹ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa cũng đã đề nghị tăng cường ủng hộ phe đối lập ở Syria, song không trực tiếp bằng quân sự, mà bằng "sức mạnh ngoại giao".
Những ngày qua, Chính phủ Syria đã triển khai quân đội cùng xe tăng và xe bọc thép tại thành phố Daraa nhằm khôi phục an ninh và ổn định đời sống thường nhật của người dân.
Các đơn vị quân đội đang truy tìm các nhóm, phần tử quá khích gây đụng độ với các lực lượng an ninh tại Daraa, tâm điểm của các cuộc biểu tình tại Syria trong hơn năm tuần qua.
Chính phủ Syria đã tiến hành nhiều cuộc thương lượng nhằm chấm dứt biểu tình, cũng như cáo buộc tình trạng bạo lực leo thang là do các nhóm vũ trang và âm mưu từ bên ngoài kích động chia rẽ đất nước.
Theo TTXVN