Người dân xuống đường hô vang “Ủng hộ Việt Minh”...
Ở Hà Nội, có một nơi vẫn còn lưu giữ vẹn nguyên hình ảnh của cuộc Tổng khởi nghĩa 76 năm trước, đó là Quảng trường Cách mạng tháng 8. Tại đây đã diễn ra 2 cuộc biểu tình liên tiếp trong 2 ngày 17 và 19/8. Trong đó, vào ngày 17/8, Đội Thanh niên xung phong thành Hoàng Diệu đã tổ chức cướp diễn đàn tại cuộc mít tinh của Chính phủ Trần Trọng Kim, để bày tỏ sự ủng hộ với mặt trận Việt Minh (Việt Nam Độc lập đồng minh) giành chính quyền.
Càng gần ngày Tổng khởi nghĩa 19/8, không khí chuẩn bị càng sục sôi, từ trong các ngõ ngách khu dân cư trên phố, cho tới các làng mạc ven đô, đều bí mật gấp rút may cờ đỏ sao vàng và kẻ khẩu hiệu. Việc tập hợp lực lượng để đồng loạt xuất phát đúng sáng 19/08 cũng được chuẩn bị chu đáo.
Trong một buổi gặp mặt các vị lão thành cách mạng tại Hà Nội, những nhân chứng lịch sử đã cùng ôn lại những hồi ức về Cách mạng tháng 8, từ việc Việt Minh phá kho thóc Nhật chia cho dân nghèo, cướp kho súng Nhật, trừ khử mật thám, việt gian... đến việc toàn dân đồng lòng xuống đường mít tinh ủng hộ cách mạng, ủng hộ Việt Minh. Từ đó tạo nên thời cơ chín muồi để tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Sáng 19/8/1945, hàng chục vạn người dân ở Hà Nội và các tỉnh lân cận theo các ngả đường kéo về Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội dự cuộc mít tinh lớn chưa từng có của quần chúng cách mạng, hưởng ứng cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ảnh: Tư liệu TTXVN |
Cụ Lê Đức Vân, lúc đó mới 19 tuổi, phụ trách thanh vận Việt Minh thành Hoàng Diệu, phụ trách Báo Hồn nước cho biết, trước ngày 17/8 phong trào Việt Minh đã lớn mạnh rồi. Đã có nhiều hoạt động diễn thuyết công khai nơi đông người đả đảo Chính phủ bù nhìn, ủng hộ Việt Minh. Vì vậy, gần như người Hà Nội đã ngả sang ủng hộ Việt Minh. Những ngày đó, phong trào trừ gian, trừ mật thám cũng phát triển mạnh mẽ. Vì vậy, để lấy lại tinh thần, Chính phủ Trần Trọng Kim tổ chức mít tinh ngày 178 ở Nhà hát Lớn. “Tất cả chúng tôi được lệnh cũng tham gia mít tinh nhưng mục đích là phá cuộc mít tinh đó, biến thành cuộc mít tinh của Việt Minh”. Ngày đó mỗi người cầm theo một lá cờ nhỏ. Một tổ 3 người được giao nhiệm vụ cướp diễn đàn, giữ micro kêu gọi người dân ủng hộ Việt Minh.
Cuộc mít tinh của Chính phủ Trần Trọng Kim bị phá vỡ, cờ đỏ sao vàng được giương cao, không khí người dân phấn khích ủng hộ Việt Minh và tự phát thành một cuộc biểu tình ủng hộ Việt Minh qua các phố phường Hà Nội. Đi đến đâu, dân chúng hò hét đi theo đến đó, hô vang “đả đảo bù nhìn”, “ủng hộ Việt Minh”, “Việt Nam độc lập”. Với cuộc mít tinh đó, toàn bộ người dân Hà Nội đã xuống đường ủng hộ Việt Minh. Thời cơ đã đến, ngay tối 17/8, Xứ ủy Hà Nội quyết định tổng khởi nghĩa.
Cụ Lê Thi (đã mất tháng 9/2020), con gái của nhà cách mạng Dương Quảng Hàm, kể lại kỷ niệm được giao nhiệm vụ là người kéo cờ ở Quảng trường Ba Đình trong Lễ Quốc khánh 2/9/1945. “Tôi lo lắm vì chưa được tập. Nhưng sau đó tôi đã cùng một cộng sự kéo cờ thành công, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió mùa Thu. Lúc đó tôi mới có dịp ngắm nhìn Bác Hồ, lòng không khỏi ngỡ ngàng sao Bác ăn mặc giản dị thế, chỉ áo vải đơn sơ”…
Và lá cờ ở trong tim
Cũng trong thời điểm sục sôi ấy, có hai ca khúc đã ra đời, ghi lại những thời khắc hùng tráng trong lịch sử dân tộc. Đó là tác phẩm “Tiến quân ca” của nhạc sỹ Văn Cao và “Mười chín tháng Tám” của nhạc sỹ Xuân Oanh.
Cờ Tổ quốc, Quốc ca và 19/8 mãi mãi là mạch nguồn đồng vọng của lịch sử trong tim mỗi người dân Việt Nam. |
Theo cố nhạc sĩ Xuân Oanh lúc còn sinh thời: “Mười chín tháng Tám là sản phẩm của cuộc khởi nghĩa, phong trào đấu tranh của nhân dân và xúc cảm của người dân mới được tự do tạo nên. Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày… Vừa đi biểu tình tôi vừa nghĩ và cả lời lẫn nhạc từ đâu ào ạt đến trong tôi, bật ra một cách kỳ lạ”. Vội vàng kiếm một mẩu giấy từ vỏ bao thuốc lá để ghi lại những ca từ vừa bật khỏi đầu, Xuân Oanh vừa bắt nhịp cho đồng bào trong đoàn biểu tình cùng hát những câu hát đầu tiên: “Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày, thề đem xương máu quyết tâm chiến đấu cho tương lai...”. Và trên phố Hàng Bài, sau khi đoàn biểu tình chiếm được trại lính Khố xanh, đến khi tập hợp lại trước cửa Nhà hát Lớn thì bài hát cũng vừa sáng tác xong. Những câu hát đã được đồng bào hát vang, thể hiện chính xác sự kiện lịch sử đang diễn ra: “Mười chín tháng Tám khi quốc dân căm hờn kêu thét. Tiến lên cùng hô mau diệt tan lũ quân thù kia”. Giai điệu đơn giản mà mạch lạc, dễ hát, dễ nhớ. Một không khí lạc quan, sôi sục của những ngày đầu cách mạng, truyền nhiệt huyết cho toàn thể những người Việt Nam yêu nước.
Sau khi hướng dẫn xong cả bài, khi mọi người đã hát trôi chảy, bỗng có người hỏi: “Này nhạc sĩ ơi, thế ca khúc này tên gì?”, khi ấy, ông mới sực nhớ là chưa nghĩ tên. Ông nghĩ mãi, cuối cùng bèn nói: “Hôm nay là ngày 19/8. Lịch sử sẽ ghi nhớ mãi ngày này. Thôi, lấy luôn tên bài là “Mười chín tháng Tám”. Và như thế, chính không khí lịch sử, chính sự đồng lòng của mọi người đã đặt tên cho ca khúc.
“Mười chín tháng Tám. Ánh sao tự do đem tới. Cờ bay nơi nơi muôn ánh sao vàng. Máu pha tươi hồng trên lá cờ bay khắp chốn giang sơn. Người Việt Nam đều thống nhất reo vang lời thề. Mười chín tháng Tám. Chớ quên là ngày khởi nghĩa. Hạnh phúc sáng tỏ, non sông Việt Nam...”.
Cùng trong không khí sục sôi ấy, nhạc sỹ Văn Cao trong những ngày chuẩn bị giành chính quyền, là Đội trưởng Đội AS (Đội Ám sát) của thanh niên thành Hoàng Diệu. Ông trực tiếp phụ trách quản lý vũ khí và giao vũ khí cho những chiến sĩ cảm tử của Hà Nội đi trừng trị Việt gian. Theo GS.TS Phạm Hồng Tung, trong những ngày tháng rực lửa như vậy, nhạc sĩ Văn Cao đã sáng tác ra bài hát mang giai điệu khác hẳn với âm nhạc thường thấy của mình, thế hiện ý chí vùng lên của toàn dân tộc trong “Tiến quân ca”. Ca từ, giai điệu của bài hát rất hùng tráng; chỉ ở thời khắc lịch sử ấy mới sinh ra được. Tuy nhiên vào đúng ngày 19/8/1945, nhạc sỹ Văn Cao không may lại bị sốt, không thể cầm vũ khí đi bảo vệ đoàn biểu tình. “Ngày diễn ra cuộc mít tinh, nhạc sĩ Văn Cao sốt run lẩy bẩy. Ông chỉ lặng lẽ nghe quần chúng hát vang bài “Tiến quân ca” do mình sáng tác và chứng kiến đồng đội hòa theo quần chúng đi giành chính quyền.
Trước đó, ngày 13/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức duyệt “Tiến quân ca” làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 17/8/1945, trong cuộc mít tinh của nhân dân Hà Nội trước Nhà hát Lớn, “Tiến quân ca” lần đầu tiên đã được cất lên trước đông đảo quần chúng nhân dân. Hai ngày sau, cũng tại Quảng trường Nhà hát Lớn, ngày 19/8/1945, trong khí thế “long trời, lở đất” của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, dưới cờ đỏ sao vàng, dàn đồng ca Đội Thiếu niên Tiền phong đã hát vang Tiến quân ca. Đặc biệt, ngày 2/9/1945, “Tiến quân ca” chính thức được cử hành trọng thể trong Lễ Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. “Tiến quân ca” của Văn Cao đã được long trọng ghi trong Hiến pháp là Quốc ca Việt Nam.
"Đoàn quân Việt Nam đi
Chung lòng cứu quốc…"
Và từ đó, Quốc ca mang hồn thiêng sông núi, là tiếng đồng vọng của lịch sử, là lời hiệu triệu xốc tới, là mạch đập của đất nước và dân tộc, trở thành mạch đập trái tim ta khi lồng ngực ta vang lên lời Quốc ca.
Trong vòng nửa tháng, cuộc Tổng khởi nghĩa thành công hoàn toàn
Cuộc khởi nghĩa thắng lợi hoàn toàn ở Hà Nội có tác dụng cổ vũ to lớn phong trào cả nước. Ngày 23/8, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Trung Kỳ và Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, nhân dân ta nổi dậy làm chủ thành phố Huế - kinh đô hàng trăm năm của chế độ phong kiến triều Nguyễn và là thủ phủ của chính quyền bù nhìn trung ương. Vua Bảo Đại buộc phải thoái vị.
Ngày 25/8, Xứ ủy Nam Kỳ đã lãnh đạo nhân dân Sài Gòn giành quyền làm chủ, đánh đổ thành lũy cuối cùng của chế độ thực dân. Thắng lợi của các cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám trong phạm vi cả nước. Trong vòng nửa tháng (từ 14 - 28/8/1945), cuộc Tổng khởi nghĩa thành công hoàn toàn. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam, chính quyền cả nước thuộc về tay nhân dân.