Đến chiều nay (14/10) tại các huyện miền núi của tỉnh Quảng Bình trời tiếp tục mưa to, mực nước trên các sông dâng cao và gây ngập lụt tại các xã vùng cao.
Lũ lên nhanh đã cuốn trôi 2 người dân tại 2 xã Tân Hóa và Dân Hóa, huyện Minh Hóa hiện vẫn chưa tìm thấy tung tích. Nước lũ dâng cao gây ngập, hư hỏng tuyến đường sắt Bắc – Nam qua các ga Lệ Sơn, Minh Lệ và Lạc Sơn khiến đường sắt Bắc Nam qua tỉnh Quảng Bình bị tê liệt. Nhiều chuyến tàu Bắc- Nam mắc kẹt tại ga Đồng Hới và một số ga khác ở tỉnh Quảng Bình; trong đó 1 đoàn tàu đang mắc kẹt giữa 2 ga Minh Lệ, huyện Quảng Trạch và Lệ Sơn huyện Tuyên Hóa.
ĐH Quảng Bình. Ảnh: Vietnamnet.vn |
Ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Quảng Bình cho biết, mưa to, lũ lên nhanh khiến nhiều tuyến giao thông đi các huyện miền núi bị ngập, sạt lở và gần như tê liệt. Đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 9B, đường 15 nhiều đoạn bị ngập và sạt lở gây ách tắc giao thông.
Nhiều đoạn đường ngập sâu ở Quảng Bình đến 3m. Ảnh: Vietnamnet.vn |
Sáng nay 14/10, ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão(PCLB) và Tìm kiếm cứu nạn(TKCN) tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới đã khiến 1 người chết, 1 người mất tích và hàng trăm ngôi nhà bị tốc mái.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới hiện đã có một người tử vong và một người mất tích. Người bị thiệt mạng là một người đàn ông ở xã Phú Hải (chưa rõ danh tính) trong lúc trèo lên mái nhà chằng chống nhà cửa đã bị gió quật ngã dẫn đến tử vong. Người bị mất tích là chị Phạm Thị Loan (34 tuổi, ngụ xã Phú Thuận, huyện Phú Vang), do thuyền bị đứt dây neo trôi dạt.
Áp thấp khiến nhiều cây xanh ở TP Huế bị bật gốc đổ xuống đường. Ảnh: N.Thành |
Cùng với đó, gió mạnh và mưa lớn do áp thấp nhiệt đới cũng đã gây ra đã khiến 87 nhà dân bị tốc mái, 2 nhà đổ sập. Trong số 87 nhà dân tốc mái từ 20-70% tập trung chủ yếu ở các huyện Phú Vang, Phú Lộc và Phong Điền. Trong đó, huyện Phú Vang có 34 nhà tốc mái, huyện Phong Điền 48 nhà.
Sản xuất nông nghiệp của tỉnh cũng bị thiệt hại nặng nề, hơn 26ha rau màu các loại bị ngập, tập trung chủ yếu ở các xã của huyện Phong Điền. Ngoài ra, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện đang có 2.000ha sắn chưa thu hoạch cũng có nguy cơ bị hư hại nặng.
Một số tuyến đường trên thành phố Huế đến sáng ngày 14/10 vẫn còn bị ngập úng nặng. Ảnh: N.Thành |
Tại tỉnh Quảng Trị, mưa lớn kèm theo lốc xoáy làm hơn 300 nhà dân và nhiều trường học ở các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Vĩnh Linh, Gio Linh bị tốc mái. Nhiều nơi mất điện trên diện rộng. Lũ lên nhanh gây ngập và sạt lở nhiều tuyến giao thông ở 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đắkrông.
Ông Dương Viết Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị cho biết: “Huy động anh em tới lợp lại nhà cho dân. Cùng với Ban chỉ huy phòng chống thiên tai của tỉnh đi thăm một số nhà thiệt hại nặng, hỗ trợ tiền cho người dân khắc phục. Còn cây cối đổ ngã dọc đường thì giải phóng được hết rồi. Hệ thống điện trên địa bàn cơ bản có điện lại, còn một số xã có một số vùng là chưa có điện”./.