Ông Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công thương, trao đổi xung quanh vấn đề ảnh hưởng của việc tăng giá điện tới đời sống kinh tế - xã hội và kế hoạch cung cấp điện của ngành điện lực trong mùa hè năm nay.
Chưa tính toán hết đã tăng giá điện
- Thưa ông, việc tăng giá điện lần này tác động như thế nào tới đời sống kinh tế - xã hội?
- Với việc tăng giá 15,28% thì Bộ Công thương mới tính tác động của việc tăng giá điện đến đời sống kinh tế - xã hội ở vòng 1, còn tác động vòng 2, vòng 3 thì Bộ Tài chính đang tính toán cụ thể.
Theo đó, tiền điện sinh hoạt chỉ tăng cao nhất 52.000 đồng/hộ dân nếu sử dụng trên 400 số. Mà số hộ tiêu dùng nhiều điện chỉ chiếm khoảng 2%. Dự kiến giá điện cho sản xuất tăng bình quân khoảng 12%, làm tăng giá thành sản xuất của các ngành sản xuất 0,01-1,33%. Đối với các ngành cán thép, xi măng, sản xuất sợi, tỷ lệ tăng giá thành sản phẩm do điều chỉnh giá điện khoảng ở vào khoảng 0,38-1,33%; Đối với các ngành thuốc lá, bia, sản xuất bao bì, tỷ lệ tăng giá thành sản phẩm do điều chỉnh giá điện khoảng 0,01-0,46%. Còn việc tăng giá điện sẽ tác động tới từng doanh nghiệp (DN) khác nhau ở các ngành nghề, lịch vực khác nhau. Ví dụ cùng một DN sản xuất một mặt hàng thép, nhà máy thép công nghệ mới chỉ tiêu tốn 350 kWh/tấn sản phẩm nhưng có những nhà máy thép lên 600kwh/tấn sản phẩm, tuỳ thuộc công nghệ. Trong tuần này, Bộ Công thương sẽ công bố Thông tư hướng dẫn việc tính giá điện cho các DN sản xuất.
Sẽ không “hy sinh” điện sinh hoạt cho điện sản xuất
- Theo thông lệ, các DN sản xuất, xuất khẩu được ưu tiên không bị “cúp” điện kể cả trong thời điểm “nước sôi lửa bỏng”. Cái “nếp” này vẫn sẽ tiếp tục được áp dụng chứ, thưa ông?
- Năm nay, tôi chưa thấy chỉ đạo bằng văn bản nào về việc ưu tiên cho các DN sản xuất, xuất khẩu - không bị cắt điện vào mùa khô. Bởi, mùa khô năm ngoái cả nước thiếu 1,4 tỷ kWh điện và chúng ta ưu tiên cho sản xuất nên cắt giảm chủ yếu vào sinh hoạt và nông thôn, tác động đến đời sống của người dân.
Theo dự báo, khả năng năm nay chúng ta tiếp tục thiếu lượng điện khá lớn. Tuy nhiên, theo tôi, có lẽ, năm nay phương thức cắt giảm sẽ khác đi, như một số ngành tiêu thụ năng lượng lớn hiệu quả không cao, sẽ phải chịu tiết giảm để hỗ trợ cho sinh hoạt.
Theo đó, Bộ Công thương sẽ hướng dẫn cách thức điều hành khác năm trước. Cụ thể, giao cho UBND các tỉnh thành căn cứ vào lượng sản xuất được, nhu cầu là bao nhiêu, để tính ra lượng điện thiếu hụt là bao nhiêu, rồi xem xét sẽ tiết giảm điện của những đối tượng nào đảm bảo hài hòa, công bằng.
Chúng tôi cũng sẽ tính đến phương thức cắt điện luân phiên như DN nào nghỉ sán xuất vào thứ Hai, DN nào nghỉ thứ Ba và DN nào nghỉ vào thứ Tư... để cùng chia sẻ khó khăn với người dân.
Chưa hấp dẫn nhà đầu tư
- Theo ông, hiện EVN lỗ bao nhiêu tiền và giá điện tăng 15,28% đã hấp dẫn các nhà đầu tư đầu tư vào ngành điện hay chưa?
- Theo số liệu Bộ Tài chính công bố, đến 31/12/2010, EVN đã chịu một con số treo lại là khoảng 28.000 tỷ VNĐ (chưa kiểm toán). Giả sử, nếu không tăng giá, năm 2011 EVN sẽ tiếp tục phải chịu một khoản ngoài giá thành hơn 28.000 tỷ nữa, ước tính, tổng số lỗ hơn 57.000 tỷ. Nếu để thu hồi toàn bộ số tiền đó trong giá điện năm 2011, thì giá điện phải tăng lên đến 60%. Không ai chấp nhận nổi, vì thế, Chính phủ sẽ xem xét, chi phí nào cấp bách thì cho thu hồi, chi phí nào phải treo lại. Thực tế giá điện tăng 165 đồng/ kWh, với sản lượng điện thương phẩm hiện tại xấp xỉ 100 tỷ kWh, thì lượng tiền tăng thêm được 16.200 tỷ kWh, cho tổng số hơn 57.000 tỷ nói trên, chưa phải là con số lớn, có lẽ, cần có thời gian, lộ trình để thu hồi tiếp.
Mức tăng giá điện hiện nay là 15,28% vẫn chưa hấp dẫn các nhà đầu tư vì tỷ suất lợi nhuận EVN vẫn đang ở mốc 0%. Giá bán lẻ thấp, nên chậm thu hút nhà đầu tư, thời gian đàm phán kéo dài, làm chậm tiến độ các công trình.
- Xin cảm ơn ông.
Mai Hoa (thực hiện)