Ông Nguyễn Quyết Chiến (55 tuổi, thương binh mất 61% sức khoẻ, ngụ phường Hiến Nam, TP Hưng Yên) bị khởi tố, bắt tạm giam đã ba năm, mỏi mòn chờ ngày được toà án đưa ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đến nay, sau 4 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung, TAND tỉnh Hưng Yên vẫn chưa thể mở phiên toà vì… không có căn cứ vững chắc để buộc tội bị cáo.
Ngày 23/8/1996, vợ chồng ông Nguyễn Quyết Chiến mua của ông Trần Đức Thịnh thửa đất số 13 tờ bản đồ số 70 có diện tích khoảng 538 m2 tại phường Hiến Nam với giá 140 triệu đồng. Việc mua bán được hai bên lập thành văn bản giao kèo, có sơ đồ kèm theo, có chữ ký hai bên và các hộ liền kề. Năm 1998, vợ chồng ông Chiến tạm thời làm thủ tục cấp sổ đỏ đối với 73,3m2 đất. Nghĩ mình đã mua đứt bán đoạn toàn bộ thửa đất nên vợ chồng ông Chiến đã đánh máy lại bản hợp đồng mua bán đất đã ký với ông Thịnh, chỉ khác phần chữ ký của vợ chồng ông Thịnh được vợ chồng ông Chiến ký thay. Sau đó, ông Chiến làm hồ sơ xin cấp sổ đỏ và được cơ quan chức năng tiến hành đo đạc hiện trạng thửa đất, thẩm tra, xác minh và cấp sổ đỏ.
Ngày 26/3/2004, UBND tỉnh Hưng Yên ban hành Quyết định 636 về việc thu hồi đất phục vụ cho công tác giải phóng mặt bằng mở rộng, nâng cấp quốc lộ 39A đoạn qua TX Hưng Yên. Theo quyết định này, gia đình ông Chiến bị thu hồi toàn bộ diện tích đất ở thuộc thửa số 13 tờ bản đồ 70 đã được cấp sổ đỏ với số tiền đền bù trên 1,6 tỷ đồng. Biết ông Chiến được đền bù số tiền lớn, ông Trần Đức Thịnh trong thời gian về thăm quê còn đến chúc mừng, hoàn toàn không có việc thắc mắc hay tranh chấp. Tuy nhiên sau đó, ông Thịnh lại có đơn tố cáo ông Chiến đã giả mạo chữ ký trong hợp đồng mua bán chiếm đoạt 165 m2 đất ao còn lại trong thửa đất trên để kê khai gian thành đất thổ cư, nhận tiền đền bù cao và chiếm đoạt luôn của ông Thịnh số tiền này.
Từ đơn tố cáo của ông Thịnh, ngày 22/8/2007, ông Nguyễn Quyết Chiến bị khởi tố, bắt giam về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với 2 hành vi: Giả mạo chữ ký trong hợp đồng mua bán để chiếm đoạt của ông Trần Đức Thịnh 165m2 đất còn lại trên cùng thửa đất mà ông Thịnh chưa bán cho Chiến; khai gian nguồn gốc 412 m2 đất ao thành đất ở để chiếm đoạt tiền đền bù chênh lệch của nhà nước tổng cộng 1,69 tỷ đồng.
Ông Chiến kêu oan cho rằng, ông mua bán ngay tình, hoàn toàn không chiếm đoạt đất của ông Thịnh, việc cấp xét đền bù đã được các ban ngành chức năng thẩm tra, xét duyệt, không có sự lừa đảo gian dối. Sau hơn ba năm điều tra và truy tố, đến nay TAND tỉnh Hưng Yên đã 4 lần trả hồ sơ bổ sung nhưng vẫn không đủ căn cứ buộc tội nên chưa thể xét xử sơ thẩm vụ án. Còn ông Nguyễn Quyết Chiến- một thương binh mất 65% sức khoẻ, sau ba năm bị tạm giam sức khoẻ càng sa sút, đau yếu vẫn liên tục kêu oan và chờ đợi phán quyết công minh của Toà án về sự vô tội của mình.
Việc kêu oan của ông Nguyễn Quyết Chiến liệu có cơ sở hay không? Chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Minh Cường (ảnh)- VPLS Miền Bắc- Đoàn Luậtsư tỉnh Thái Bình về vụ án này.
Thưa LS Nguyễn Minh Cường, xin ông cho biết quan điểm của mình về việc ông Chiến đã lừa đảo chiếm đoạt của ông Thịnh 165m2 đất?
- Hồ sơ vụ án thể hiện, ông Chiến và ông Thịnh đã mua đứt bán đoạn toàn bộ thửa đất; bằng chứng là giấy biên nhận ghi rõ chiều dài, chiều rộng, chiều sâu, tứ cận thửa đất và chữ ký của các hộ gia đình liền kề. Nếu cho rằng giấy biên nhận chưa rõ ràng, thì sơ đồ thửa đất kèm theo đã bổ sung rất rõ. Ông Thịnh cho rằng, bị ông Chiến chiếm đoạt 165 m2 đất còn lại mà ông Thịnh chưa bán- vậy phần diện tích đó nằm ở vị trí nào? Hơn nữa, việc tranh chấp nếu có thì cũng chỉ là tranh chấp dân sự, sẽ được điều chỉnh bằng quy định pháp luật dân sự.
Thế còn việc vợ chồng ông Chiến đánh máy lại hợp đồng mua bán và ký thay ông Thịnh có phải là yếu tố gian dối trong tội “Lừa đảo”?
- Hành vi vợ chồng ông Chiến giả mạo chữ ký ông Thịnh trong hợp đồng soạn lại là sai, nhưng đó chỉ là vi phạm hành chính và nếu có chỉ bị xử lý hành chính chứ không phải là hành vi lừa đảo. Bởi vì bản chất việc mua bán là đúng sự thật, hoàn toàn không có việc vợ chồng ông Chiến chiếm đoạt tài sản của ông Thịnh. Thực tế, nếu ông Chiến cứ xuất trình hợp đồng mua bán đất viết tay có chữ ký của ông Thịnh thì cũng vẫn được cấp sổ đỏ. Việc làm lại hợp đồng chỉ thay đổi về hình thức chứ không thay đổi bản chất việc mua bán. Như vậy, việc cơ quan tố tụng không điều tra, xác minh bản chất vấn đề đã vội quy kết ông Chiến lừa đảo chiếm đoạt tài sản là 165 m2 đất của ông Thịnh đã xuất hiện dấu hiệu hình sự hóa quan hệ dân sự.
Thưa Luật sư, liệu có căn cứ để quy kết ông Chiến khai gian nguồn gốc đất thổ cư để chiếm đoạt số tiền chênh lệch đền bù của nhà nước hay không?
- Chúng ta phải thừa nhận thực tế, qua thời gian, nhiều diện tích đất ao, vườn liền kề được hợp thức hóa thành đất thổ cư. Tại thôn An Vũ của ông Chiến, có 5 hộ dân đã kê khai đất ao, vườn liền kề và được hợp thức hóa cấp sổ đỏ là đất thổ cư nhưng không ai trong số họ bị quy kết lừa đảo. Đất đã được cấp sổ đỏ, đương nhiên ông Chiến phải kê khai nguồn gốc đất theo sổ đỏ để được đền bù. Hơn nữa, trong Quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh Hưng Yên cũng xác định nguồn gốc đất nhà ông Chiến là đất thổ cư. Như vậy, hoàn toàn không có cơ sở quy kết ông Chiến khai gian nguồn gốc đất để đoạt tiền chênh lệch đền bù. Từ những lẽ trên, tôi cho rằng việc ông Nguyễn Quyết Chiến kêu oan không phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là có căn cứ.
Xin cảm ơn Luật sư!
Trần Nguyên