Ngày 26/11, với sự hỗ trợ của UNDP và Vương quốc Anh, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo góp ý hoàn thiện kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật về thành lập, đăng ký doanh nghiệp, điều kiện đầu tư kinh doanh.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL Đồng Ngọc Ba, cho biết: hệ thống pháp luật về thành lập, đăng ký doanh nghiệp, điều kiện đầu tư kinh doanh là một trong những ưu tiên hàng đầu trong công tác rà soát VBQPPL.
Với khối lượng văn bản rất lớn, nội dung văn bản phức tạp, chuyên ngành, Cục đã tổ chức rà soát và bước đầu rà soát thì kết quả đạt được là cơ bản, song cạnh đó vẫn còn những hạn chế, bất cập. Hội thảo sẽ giúp Cục tiếp tục hoàn thiện kết quả rà soát để báo cáo Chính phủ có phương án xử lý các nút thắt nhằm cải thiện môi trường đầu tư, phát triển nền kinh tế.
Đại diện nhóm trình bày kết quả rà soát, chuyên gia độc lập Nguyễn Thị Lan (đến từ Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: Qua rà soát 304 VBQPPL về thành lập, đăng ký doanh nghiệp, điều kiện đầu tư kinh doanh đã tương đối đầy đủ, điều chỉnh toàn diện, phần lớn VBQPPL có chất lượng tốt, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn, đóng góp tích cực và quan trọng vào quá trình đổi mới, xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Tuy nhiên, một số quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn, kém khả thi, thiếu minh bạch, gây khó khăn, bất cập trên thực tế áp dụng (chủ yếu là những quy định chưa thực sự bảo đảm tính khả thi, hợp lý). Vì vậy, ngoài việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, ban hành mới các VBQQPL để xử lý các vấn đề trên thì các cơ quan nhà nước cần chú trọng nâng cao chất lượng xây dựng, soạn thảo, thẩm định, ban hành VBQPPL.
“Các quy định cụ thể về điều kiện đầu tư kinh doanh đối với mỗi ngành nghề kinh doanh có điều kiện cần được nghiên cứu, xem xét hài hòa trong tổng thể giữa bảo đảm mục tiêu, hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước và bảo đảm sự phát triển của nền kinh tế nói chung, sự thuận lợi trong gia nhập thị trường và hoạt động kinh tế của tổ chức, doanh nghiệp nói riêng”, bà Lan nhấn mạnh.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Thị Mai Hiên cho rằng, cần cụ thể các tiêu chí để xác định một ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Bà Hiên cũng đề nghị bổ sung thêm phụ lục xác định các văn bản cần sửa đổi, dự kiến nội dung và lộ trình sửa đổi của từng văn bản.
Cùng bàn về điều kiện đầu tư kinh doanh, ông Cao Đăng Vinh (Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp) đề nghị đánh giá thêm về tính hợp lý, khả thi của điều kiện đầu tư kinh doanh liên quan đến việc lựa chọn hình thức áp dụng điều kiện đầu tư kinh doanh.
Ngoài ra, khi đánh giá về tính hợp lý, không chỉ dừng ở khía cạnh đánh giá, kiến nghị sửa đổi, bổ sung mà cần đánh giá thêm khía cạnh các quy định điều kiện đầu tư kinh doanh hiện hành đã đủ chưa, có hiệu lực để phục vụ quản lý nhà nước chưa, có cần thêm điều kiện nào không…