Năm 2012 trôi qua đánh dấu một năm khó khăn cho nền kinh tế Việt Nam, do những tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới và bộc lộ những yếu kém nội tại. Những vấn đề chúng tôi lựa chọn là những phác thảo về nền kinh tế nước nhà năm qua và kỳ vọng về việc tháo gỡ những khó khăn này trong năm tới.
“Sự kiện” bầu Kiên - ACB và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) là một trong số 12 ngân hàng lớn nhất ở Việt Nam. Từ cuối tháng 8/2012, ACB trở thành cái tên được chú ý nhất ngành ngân hàng bởi hàng loạt các biến cố. Ngày 20/8, nguyên phó chủ tịch Hội đồng sáng lập của ACB, đồng thời là cổ đông cá nhân lớn thứ hai của ngân hàng với tỷ lệ cổ phần nắm giữ 3,75% - ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt giữ do hoạt động kinh doanh trái phép của 3 công ty mà ông quản lý.
Ngày 23/8, nguyên tổng giám đốc ngân hàng ACB là Lý Xuân Hải (từ nhiệm trước đó 1 ngày) cũng bị bắt tạm giam 4 tháng về tội cố ý làm trái. Nhiều lãnh đạo của ngân hàng này cũng bị cuốn vào “vòng xoáy”. Theo cơ quan điều tra, những việc làm của các thành viên cựu lãnh đạo ACB nói trên đã gây hậu quả lớn, ảnh hưởng đến tình hình an ninh tiền tệ, gây bất ổn chính sách tiền tệ của Chính phủ và trực tiếp gây thiệt hại cho ACB là 718,908 tỷ đồng.
Năm 2012 cũng đánh dấu một năm đáng nhớ trong tiến trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Là vụ sáp nhập duy nhất trong ngành ngân hàng năm nay, và là vụ sáp nhập thứ 2 trong hoạt động tái cơ cấu các TCTD yếu kém từ năm ngoái tới nay, sau vụ SCB – Tín Nghĩa – Đệ Nhất, nhưng thương vụ sáp nhập giữa ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) và Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank - HBB) đã tạo nên nhiều bất ngờ. Với vụ sáp nhập này, một thương hiệu đã có bề dày lịch sử hơn 20 năm là Habubank đã bi xóa xổ. Nhưng đây là một trong những khởi đầu báo hiệu tiến trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng trong thời gian tới có thể chứa đựng không ít sự nghiệt ngã và bất ngờ.
Bất động sản: Càng giải cứu càng… “bất động”
Ngay từ đầu năm, hàng loạt kiến nghị của các hiệp hội, các tổ chức và kể cả của các bộ, ngành đã được đưa ra với mong muốn “giải cứu” cho thị trường bất động sản qua cơn bĩ cực, vốn đã kéo dài trong suốt cả năm 2011. Từ nửa sau năm 2012 trở đi, đặc biệt là vào những ngày cuối trong năm, nhiều kiến nghị, đề xuất và các chương trình làm việc để tìm cách cứu thị trường BĐS diễn ra. Với cơ quan quản lý, việc giải cứu bất động sản thông qua các chính sách như: giảm, giãn thuế, cho nợ tiền sử dụng đất, chia nhỏ căn hộ… được kỳ vọng giúp các doanh nghiệp bất động sản có thể hạ giá bán, từ đó khơi thông đầu ra, tạo thanh khoản và quay vòng đồng vốn cho doanh nghiệp. Còn khách hàng kì vọng các giải pháp cứu BĐS có cơ chế tín dụng tạo điều kiện cho họ mua được nhà.
Dù Ngân hàng Nhà nước đã “cởi trói” cho tín dụng BĐS và các ngân hàng tung ra nhiều gói dịch vụ ưu đãi, nhưng hầu như không kích cầu được thị trường BĐS. Dự báo, năm 2013, thị trường BĐS có thể ấm lên với giá nhà rẻ đi, diện tích nhà nhỏ hơn, thủ tục mua nhà thoáng hơn và vay mua nhà dễ và rẻ hơn.
Độc quyền vàng miếng
Năm 2012, Ngân hàng Nhà nước áp dụng chính sách độc quyền vàng miếng, chọn thương hiệu SJC là thương hiệu vàng Quốc gia. SJC là đơn vị duy nhất được phép dập, gia công vàng miếng. Các đơn vị muốn kinh doanh vàng miếng phải đáp ứng nhiều điều kiện như: vốn trên 100 tỷ, hoạt động kinh doanh vàng trên 2 năm, có chi nhánh, điểm bán hàng tại 3 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên, nộp thuế trên 500 triệu đồng/năm trong 2 năm liên tiếp gần nhất…
Cũng trong năm nay, NHNN yêu cầu các TCTD phải dừng hoàn toàn huy động vàng (từ 25/11) và không được trả lãi đối với dịch vụ giữ hộ vàng. Tuy nhiên, do độc quyền vàng miếng, vàng SJC thường duy trì mức cao hơn so với các loại vàng ‘phi’SJC từ vài trăm đến vài triệu đồng/lượng. So với thế giới, vàng trong nước thường xuyên duy trì khoảng cách chênh lệch khá lớn. Nạn vàng giả, vàng nhái SJC cũng xuất hiện.
Hàng Việt xây dựng hành vi tiêu dùng mới
Sau 3 năm thực hiện Thông báo số 264-TB/TƯ ngày 31/7/2009 của Bộ Chính trị về tổ chức cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, dự kiến tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội cả năm 2012 tăng 18% so với năm 2011 ước đạt 2.550 nghìn tỷ đồng. Sự chuyển biến rõ nét đó là tâm lý người tiêu dùng từ “lạnh nhạt” tới “tin dùng” hàng Việt.
Minh chứng, theo công ty nghiên cứu thị trường định hướng (FTA), hiện nay 71% người tiêu dùng tin tưởng vào hàng Việt Nam chất lượng cao. Tháng 9/2010, Viện Nghiên cứu Dư luận Xã hội (Ban Tuyên giáo TW) đã tiến hành điều tra và kết quả như sau: “có đến 59% người tiêu dùng tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam; 38% người tiêu dùng khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen biết nên mua hàng Việt Nam; 36% người tiêu dùng cho rằng trước đây có thói quen mua hàng có nguồn gốc xuất xứ ở người nước nay đã dừng mua (hoặc mua ít hơn) thay vào đó là mua hàng Việt Nam”.
Ví như, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã đầu tư và tự vận hành, khai thác tàu địa chấn 2D, 3D giàn khoan tự nâng 90 m nước, giàn TAD ... đẩy mạnh phát triển dịch vụ, giảm nhập khẩu dịch vụ từ nước ngoài, năm 2011 đã giảm nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ từ nước ngoài với tổng giá trị gần 2 tỷ USD so với năm 2010; Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã chủ động đổi mới thiết bị công nghệ, cải tiến mẫu mã sản phẩm, khai thác có hiệu quả các nguồn nguyên liệu trong nước phục vụ phát triển sản xuất; thiết lập được hơn 3.100 đại lý, 58 siêu thị và hàng trăm cửa hàng giới thiệu sản phẩm trong cả nước (hệ thống siêu thị Vinatexmart 100% sản phẩm may mặc của Việt Nam).
Dự kiến xuất khẩu khoảng 114,5 tỷ USD
Bộ Công thương thông tin, tính đến hết tháng 11/2012, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá cả nước đạt gần 207,98 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2011. Chỉ tính riêng trong tháng 11, mức xuất siêu đạt 395 triệu USD và lũy kế 11 tháng cán cân thương mại thặng dư 484 triệu USD. Tính chung 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 104,0 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ, trong đó: xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt gần 57,85 tỷ USD, tăng 34,5% .
Xét theo nhóm hàng, nổi bật, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến gồm bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc, hóa chất, phân bón, chất dẻo, sản phẩm từ cao su, túi sách, vali, mũ, ô dù ... ước đạt gần 66,9 tỷ USD, tăng 25,0% và chiếm tỷ trọng khoảng 64,3%. Xét theo thị trường, ước xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng 17,0% và chiếm tỷ trọng 17,2%; xuất khẩu vào EU tăng 21,3% và chiếm tỷ trọng 17,3%; xuất khẩu vào ASEAN tăng 28,1% và chiếm tỷ trọng 15,2%; xuất khẩu vào Nhật Bản tăng 23,3% và chiếm tỷ trọng 11,4%; xuất khẩu vào Trung Quốc tăng 11,1% và chiếm tỷ trọng 10,7%.
Theo Dự báo, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng vào những tháng cuối năm, cùng với yếu tố giá cả hàng hoá, dự kiến kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt khoảng 114,5 tỷ USD, tăng 4,6% so với kế hoạch và tăng khoảng 18,2% so với năm 2011.
Vốn FDI đăng ký cả năm 2012 đạt 13 tỷ USD
Năm 2012 là năm thứ 4 dòng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam giảm liên tục và là năm thứ 3 mục tiêu thu hút vốn FDI đăng ký không đạt được như kỳ vọng (năm 2012, mục tiêu thu hút vốn FDI đăng ký 15 tỷ USD). Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước lượng vốn FDI đăng ký cả năm 2012 đạt 13 tỷ USD, trong đó, giải ngân đạt khoảng 10,5 tỷ USD. Dự báo, lượng vốn FDI tiếp tục có triển vọng tích cực trong năm 2013, với lượng vốn đăng ký khoảng 14 - 15 tỷ USD và giải ngân ước đạt 10 - 11 tỷ USD.
Điểm sáng trong thu hút FDI năm 2012 là một loạt dự án lớn đã được cấp phép như: Dự án Khu đô thị Tokyu Bình Dương do Nhà đầu tư Nhật Bản triển khai, với tổng vốn đăng ký 1,2 tỷ USD; dự án tăng vốn mở rộng sản xuất thêm 870 triệu USD của Công ty TNHH Wintek Việt Nam tại Bắc Giang; dự án của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam tại KCN Bắc Ninh, với số vốn 830 triệu USD…
Công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn, bán lẻ tiếp tục là những lĩnh vực thu hút nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài. Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc hiện là những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.
Thuỷ - Hoa